Chợ quê Sài Gòn – Kỳ 3: Thương lắm con khô sặc rằn

Dừa xiêm xanh được anh Duẩn chuyển từ Sóc Trăng lên bán ở bến Bình Đông – Ảnh: THÁI LỘC
18/01/2020 14:16 GMT+7

TTO – Những ngày giáp tết này, đặc sản cây trái, khô, mắm, cá mú, rau cỏ… miền Tây Nam Bộ đang đầy ắp các chợ Sài Gòn. Nhiều Việt kiều về nước chỉ muốn lang thang dạo các chợ quê này ở thành phố để được ngắm, được ngửi phong vị quê nhà.

Chuẩn bị ngày cúng ông Táo, anh bạn đánh xe đến rủ tôi đi khám phá “chợ nổi cây trái” đất Sài thành, kiếm đồ cúng tết.

“Chợ nổi kênh Tẻ – Trần Xuân Soạn, quận 7 à?”. “Cứ đi rồi biết” – anh bạn trả lời.

Mua tận ghe buôn

Hóa ra đó là bến Bình Đông, quận 8, ven bờ kênh Lò Gốm, nơi có dãy ghe gỗ đang nửa dưới nước, nửa nghếch trên lớp bùn cạn. Và từ bờ kênh lên ghe là những tấm gỗ nhỏ làm cầu tạm.

Hình như anh bạn nói không quá lời, cả “thủ phủ” cây trái miền Tây tụ về đây. Những chiếc ghe thành những vựa trái cây với đủ loại dưa hấu, xoài, dừa, chuối, cam, mãng cầu, đu đủ, khóm, quýt… để làm đẹp mâm cúng “cầu dừa đủ xài” theo kiểu miền Nam.

Vợ chồng anh bạn bước lên ghe chuối Cần Thơ mới cập bến tối qua. Tôi chọn chiếc ghe chở dừa của đôi vợ chồng trẻ vì thấy họ cởi mở, vui tính.

Tiếng cười lớn cũng đúng thôi, khi người mua là cô họa sĩ, chọn trái tròn trịa nhất để mang về vẽ thư pháp và khắc hình may mắn lên vỏ bán cho dân Sài Gòn chưng mâm ngũ quả.

Anh chủ ghe quay sang cười với tôi: “Dừa xiêm xanh Sóc Trăng này đặc biệt dữ nghen, chục 12 trái có 95.000, tươi lâu lắm”.

“Mà cũng thiệt lạ, những người bạn xa xứ mấy chục năm vẫn nhớ: khô sặc rằn thì phải miệt Bạc Liêu, Cà Mau mới béo, còn mắm lóc, mắm linh thì hổng đâu qua Châu Đốc. Nhớ mua mỗi thứ năm bảy ký, về ăn ba ngày tết cho đã miệng.

Đó là vợ chồng anh Phạm Văn Duẩn và chị Trương Thị Diễm My từ xã Chánh An (Mang Thít, Vĩnh Long). Họ chở hơn 9.000 trái dừa xiêm xanh từ huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cập bến Bình Đông rạng sáng hôm trước.

Chỉ trong buổi sáng, họ đã may mắn bán gần hết cho bạn hàng quen, những người buôn sỉ và các xe bán lẻ.

Ghe dừa của họ từ Kế Sách lên Sài Gòn đi qua các đoạn sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn… để đến đoạn kênh Lò Gốm này mất khoảng 16 giờ. Mỗi chuyến lên thành phố cách nhau chừng 1 tuần lễ, không chỉ thời gian gom hàng mà còn dành vài ngày nghỉ ngơi ở nhà.

Trên đường về, câu chuyện xoay quanh niềm vui khi chọn được trái cây ưng ý, tươi ngon, giá lại quá rẻ vì như mua tận gốc. Anh bạn rành ngóc ngách hàng quê miền Tây ở đất Sài thành. Anh nói nếu mua nhiều thì cứ ghé chợ đầu mối Bình Điền, rau quả, cá mú tươi sống hầu như chẳng thiếu món ngon nào.

Tuy nhiên, chị vợ nói thêm: “Cách mua cũng là cái thú, đã quà quê thì cho ra quê; mua nhỏ lẻ, kiểu… bờ kênh, chợ nổi hay hẻm nhỏ thích hơn”.

Chợ quê Sài Gòn - Kỳ 3: Thương lắm con khô sặc rằn - Ảnh 3.

Cá khô các loại đầy ắp ở chợ Bình Điền – Ảnh: THÁI LỘC

Chợ hẻm quà quê

Cuối năm thư thả, chúng tôi lại theo dòng người tấp nập trên đường Cao Thắng nằm ven chợ Phú Nhuận.

Giáp tết, chợ càng vui nhộn bởi nhiều tiếng rao đặc sản miền Tây: “Bò khô Hồng Ngự đặc biệt bảy trăm ngàn”, “Bò tơ Củ Chi”, “Vú sữa Lò Rèn ba lăm ngàn”, “Lạp xưởng Gò Công quẹo lựa, quẹo lựa”…

“Tôm đất Ngọc Hiển, Cà Mau nhà làm ngon lắm chú, loại đặc biệt 1 lạng 110.000 đồng, mà 1 lạng nhiều lắm luôn chú” – lời mời nhẹ nhàng khiến tôi ngoái đầu.

Ngồi góc vỉa hè phía bên phải chợ, chị Lê Thị Dung đon đả mời chào những đặc sản nhiều màu sắc bày biện trước mặt, từ tôm khô, bò khô đến lóc khô, sặc khô, lạp xưởng…

Chị Dung chắc miệng tôm khô do người bạn thân dưới Cà Mau làm ăn không hết chuyển lên; bò khô được làm bởi người em từ Hồng Ngự (Đồng Tháp); khô sặc, khô lóc ăn ngon vét nồi cơm thì bà con chuyển lên từ An Giang…

Chị Dung ngày thường may vá bên Gò Vấp, đến giữa tháng chạp mới nhắn người thân chuyển hàng quê lên bán, vừa giúp đỡ người dưới quê, vừa hưởng không khí chợ tết đông người và đặc biệt là kiếm thêm chút đỉnh tiêu tết.

Cảnh bán hàng quê, đặc sản miền Tây tại chợ Phú Nhuận cũng tương tự như nhiều khu chợ Sài Gòn.

Và đúng như lời người bạn mách nước, rất nhiều hình thức đặc sản như tươi có, khô có, đã qua chế biến hoặc “còn sống nhăn răng, con bơi con lội” đều có và hầu hết đều nằm ngay trên các con đường ven chợ, rất phù hợp cho người bận rộn, ghé nhanh, sắm vội ngày tết…

Đi chợ Sài Gòn cho nhớ… miền Tây

Mấy người bạn Việt kiều mỗi khi có dịp về tết đều gọi điện dặn tôi mua trước… cá khô miền Tây. Người dân Hà Tiên, kẻ quê Rạch Giá, Kiên Giang xa xứ tâm sự tết nhất nhớ nhà, nhớ mùi vị cá khô đi theo suốt tuổi thơ ở quê mà… ứa nước miếng.

Thứ gì chứ món đó thì dễ. Tôi có thể nhanh chóng kiếm loại ngon hảo hạng giúp bạn ở khắp nơi trong thành phố này.

Khỏi phải ra đến vựa cá ngoại thành Bình Điền, chỉ cần tạt qua các chợ nội thành như Phú Lâm (quận 6), Xóm Chiếu (quận 4) hay Phạm Văn Hai (Tân Bình) cũng có thể gom được… cả tạ cá khô trong “một phút 30 giây”.

Mấy thương lái ở Bình Điền kể ngày xưa khô sặc nổi tiếng Cà Mau phải đi ghe suốt mấy ngày đêm mới lên đến Sài Gòn, còn giờ chất xe tải chỉ 6, 7 tiếng đồng hồ đã về đến thành phố. Cho nên xưa cá khô miệt dưới lên đều muối rất mặn để giữ không hư, nhưng ngày nay đa dạng hơn với cả khô muối lạt, khô một nắng nhờ tốc độ và cái thùng đông lạnh của xe tải.

Dân hạp khẩu vị miền Tây dân dã, còn gì “đã miệng” hơn mấy dĩa cá khô này nướng thơm lừng đưa cay ba ngày tết.

Tuy nhiên, cá mú miền Tây lên đô thị Sài Gòn này đâu chỉ có khô có mắm. Dù đã rất hiếm hoi so với ngày trước nhưng dân sành ăn vẫn có thể kiếm được những thau cá “sống nhăn răng, con bơi con lội”. Đó là cá chụp đìa U Minh, Miệt Thứ ở Cà Mau, Kiên Giang đưa lên.

Gần hơn thì có cá dưới các kênh, các đìa, lỗ bom dưới các rừng tràm Thạnh Hóa, Mộc Hóa, tỉnh Long An. Những con cá lóc, cá trê, cá rô chắc thịt, thơm ngon kho tiêu hay nấu canh chua cho ba ngày tết thì “thôi rồi hết cơm”.

Tuy nhiên, giờ mua cá đồng ở Sài Gòn cũng phải rất kinh nghiệm, biết nhìn, biết chọn, bởi chúng đã quá hiếm hoi mất rồi.

Nhưng có cá có mú thì phải có rau rác hợp khẩu vị dân dã miền Tây. Và ba cái thứ đó thì đất Sài Gòn đến thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 này cũng lềnh khênh.

Chỉ trong cái chợ nhỏ lụp xụp ven đường Đất Mới giao với tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, tôi tạt qua một chút đã dư kiếm mấy chục loại rau quê mùa mà không thể thiếu cho nồi lẩu mắm xì xụp ngày tết.

Từ rau nhút, rau đắng cọng lớn đến rau đắng đất lá nhỏ, bông so đũa, bông điên điển, cọng bông súng đến đậu rồng, rau má bờ ruộng và rau choại, rau hẹ nước miệt bưng ê hề…

Mà thôi, chắc tạm dừng ở đây để đợi bạn về tiếp tục lang thang chợ tết. Còn gì thân thương hơn khi dạo phố chợ Sài Gòn mà như sống lại cả tuổi thơ miệt miền Tây sông nước…

Có người nhớ quay quắt mùi vị củ nén trong chén canh bầu thuở ấu thơ mẹ nấu mà lặn lội từ Bình Dương lên Sài Gòn chỉ để mua lạng nén. Có người mấy chục năm tới lui chợ này chỉ để mua trái vả, hũ mắm đậm hương vị Trung…

THÁI LỘC – Q.M.