Chủ quyền ở Hoàng Sa, trường Sa: Lập trường nhất quán của Việt Nam

Hồi âm kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, liên quan đến tình hình Biển Đông, Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong văn bản trả lời, Bộ Ngoại giao khẳng định, chủ trương và lập trường nhất quán của Việt Nam là khẳng định chủ quyền của ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiên quyết đấu tranh trước các hành vi vi phạm của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Với chủ trương này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới các hoạt động nghề cá của ngư dân, đặc biệt là các hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia thông qua việc ban hành các chính sách khuyến khích nghề cá, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh các vùng biển quốc gia và kiên quyết đấu tranh, bảo vệ tính mạng và tài sản cho ngư dân ta khi bị xâm phạm.

Với đề nghị của cử tri, Chính phủ cung cấp thông tin kịp thời về tình hình Biển Đông, biên giới với các nước láng giềng (đặc biệt là qua các cơ quan báo, đài chính thống của Nhà nước) để nhân dân nắm được thông tin. Văn bản trả lời cho biết, hiện Bộ Ngoại giao đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan hữu trách xây dựng những nội dung tuyên truyền thông tin về tình hình, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề biển, đảo, biên giới lãnh thổ cho người dân trong và ngoài nước; triển khai hợp tác, phối hợp với các cơ quan liên quan phát sóng các chương trình tuyên truyền về công tác biên giới, biển, hải đảo…

Đối với những trường hợp tàu cá của ngư dân ta hoạt động trong vùng biển quốc gia nhưng bị tàu lạ bắt giữ người và tài sản, sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên biển của ta (bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quân và lực lượng kiểm ngư) kịp thời xác minh thông tin, xác định rõ đối tượng tàu lạ để nhanh chóng thực hiện các biện pháp chính trị, ngoại giao thích hợp như trao đổi, giao thiệp, tiếp xúc với đại diện Đại sứ quán có liên quan, trao công hàm phản đối yêu cầu thả tàu cá và ngư dân, yêu cầu chấm dứt các hành động tương tự và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân thích hợp.

Ngoài việc triển khai các biện pháp bảo hộ ngư dân ta như hiện nay, Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thúc đẩy đàm phán với các nước có liên quan về hợp tác song phương trong lĩnh vực nghề cá cũng như xây dựng cơ chế xử lý vấn đề ngư dân hai bên bị bắt giữ nhằm tạo ra một môi trường biển an toàn và ổn định cho ngư dân tiến hành các hoạt động kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tạo điều kiện nhập tịch cho bà con từ Campuchia trở về

Về đề nghị tạo điều kiện nhập quốc tịch cho người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia trở về nước của cử tri một số tỉnh biên giới Tây Nam, báo cáo trả lời kiến nghị cử tri của Bộ Tư pháp vừa gửi đến Quốc hội cho biết, Bộ đã xây dựng báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị giao Bộ Công an (Cục A72) vận dụng Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chỉ đạo công an địa phương cấp Thẻ thường trú cho những người dân di cư từ Campuchia về Việt Nam mà không có bất kỳ loại giấy tờ nào xác định nhân thân, hộ tịch, quốc tịch… nhưng khai nhận có họ tên Việt Nam, nói tiếng Việt Nam. Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 699/VPCP-NC đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp.

H.Mai