Nghĩ gì từ hình ảnh cậu bé miền núi ngẩn ngơ trong hiệu sách thủ đô?

Các bạn trẻ tham gia dự án Vườn Mơ, tìm kiếm những trải nghiệm mà trẻ em vùng dân tộc chưa có – Ảnh: V.M.
24/05/2020 20:37 GMT+7

TTO – Những trẻ em vùng cao huyện Mù Cang Chải lần đầu đến thủ đô đã ngẩn ngơ không thể bước chân rời khỏi hiệu sách đẹp như mơ và đầy kiến thức mới lạ mà các em chưa bao giờ nhìn thấy.

Đây là câu chuyện mà Khang A Tủa mang đến diễn đàn thanh niên trực tuyến với chủ đề Tương lai mà chúng tôi mong muốn do Liên Hiệp Quốc tổ chức cho các thanh niên Việt Nam vào ngày 24-5, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hiệp Quốc.

Diễn đàn thảo luận các vấn đề mà giới trẻ quan tâm do chính các bạn trẻ lựa chọn, bao gồm biến đổi khí hậu và môi trường; bình đẳng và kiến tạo một tương lai mà các bạn trẻ mong muốn; sức mạnh của âm nhạc.

Trang Nguyễn và một số bạn trẻ đang tiên phong trong những hành động thiết thực và hiệu quả để bảo vệ môi trường chia sẻ những câu chuyện và thông điệp về trách nhiệm bảo vệ môi trường của con người.

Trong khi đó, phần thảo luận về bình đẳng xã hội là những câu chuyện xúc động của bạn trẻ khuyết tật dạng lùn Lê Hồng Hạnh và cậu sinh viên nổi tiếng của Đại học Fulbright Khang A Tủa – một bạn trẻ người Mông đến từ huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái.

Lê Hồng Hạnh (quê Quảng Bình) kể về bình đẳng cơ hội từ câu chuyện của chính mình. Hạnh là người khuyết tật dạng lùn nhưng đã có được tuổi thơ may mắn khi em không hề bị kỳ thị, mà luôn được yêu thương, chở che ở làng quê mình.

Đến khi Hạnh tốt nghiệp trung học phổ thông, nộp hồ sơ dự tuyển vào một trường đại học với chuyên ngành dược sĩ mơ ước nhưng em đã bị từ chối vì ngoại hình, sức khỏe của mình và được khuyên tìm kiếm một ngành nghề phù hợp hơn với người khuyết tật.

Lúc ấy, nhìn bạn bè ngồi vẽ bức tranh tương lai xán lạn, Hạnh cảm thấy rất u tối.

Nhưng Hạnh cố gắng vượt qua cảm xúc tiêu cực, lên mạng tìm kiếm thông tin các khóa học và tìm được một trung tâm chuyên đào tạo và định hướng việc làm cho người khuyết tật. Ở đây, gặp nhiều bạn bè khuyết tật khác, Hạnh thấy mình còn may mắn hơn nhiều người nên càng quyết tâm học.

Hiện nay, Hạnh đã tìm được một việc làm tốt trong một công ty gồm cả người không khuyết tật. Tại đây, Hạnh không mất tự tin trước những đồng nghiệp “bình thường” và không ngừng nỗ lực. Cô được giao vị trí công việc khá quan trọng trong công ty là chuyên viên kiểm tra chất lượng sản phẩm và trưởng ca, mỗi ca quản lý 10-15 người.

Hạnh còn hỗ trợ cơ hội việc làm cho một số bạn trẻ khuyết tật khác. Cô hi vọng các cơ quan, doanh nghiệp sẽ có sự đánh giá bình đẳng hơn và tạo cơ hội học tập và việc làm bình đẳng hơn cho người khuyết tật.

Nghĩ gì từ hình ảnh cậu bé miền núi ngẩn ngơ trong hiệu sách thủ đô? - Ảnh 2.

Khang A Tủa và cộng sự hướng dẫn các em trong dự án – Ảnh: V.M.

Còn Khang A Tủa thì kể câu chuyện bình đẳng cơ hội từ một câu chuyện mà bạn nhìn thấy.

Mùa hè năm 2019, Tủa chạy xe ôm để chi trả chi phí sinh hoạt của mình trong thời gian thực hiện dự án Vườn Mơ đưa 22 trẻ em vùng cao Tây Bắc quê hương Tủa đến Hà Nội để được mở rộng tầm mắt, nuôi dưỡng trong các em những giấc mơ về một tương lai tốt đẹp.

Một trong những địa điểm tại thủ đô mà Tủa dẫn các em đi tham quan chính là một hiệu sách lớn. Và tại đây, Tủa đã rất xúc động khi nhìn những ánh mắt núi rừng đang ngây dại trước biển sách tuyệt đẹp và đầy tri thức mới lạ mà các em chưa bao giờ được biết.

Vài em vấn vương mãi không muốn rời khỏi hiệu sách. Các em vừa phát hiện một điều quá lớn lao: Những cuốn sách thật quá đỗi thú vị và đáng khao khát. Các em đã không hề được biết tới điều đó trước đây bởi các em đã không được sờ vào cuốn sách nào khác ngoài mấy cuốn sách giáo khoa ở trường. Thậm chí sách giáo khoa nhiều khi cũng không được đủ đầy cho các em học tập.

“Trong khi các bạn trẻ ở thành phố có smartphone, máy tính, Internet và nhiều phương tiện khác để hỗ trợ học tập thì nhiều bạn trẻ vùng cao không có gì ngoài mấy bài giảng ở trường và những cuốn sách giáo khoa tối thiểu. Bình đẳng trong giáo dục vẫn còn là một khoảng cách rất xa”, Khang A Tủa nói.

THIÊN ĐIỂU