Nguyễn Đình Quý: Chủ nhân kho dữ liệu Việt thời 4.0

TS. Nguyễn Đình Quý. (Ảnh: NVCC)

HOÀI AN

08/06/2019 08:46

TGVN. VietSearch – nền tảng công nghệ và dữ liệu lớn của TS. Nguyễn Đình Quý cùng các cộng sự hiện tại đã kết nối được hơn 800.000 người Việt trên toàn cầu và gần 59.000 công ty Việt…

Tốt nghiệp Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhưng khát vọng kết nối Việt đã đưa TS. Nguyễn Đình Quý đến Mỹ với những tâm huyết đặc biệt mà anh dành cho các dự án giáo dục và thiện nguyện.

Từ cây cầu thông tin kết nối Việt

Những ai quan tâm đến mạng trí thức Việt toàn cầu iVANET (International Vietnamese Academics Network) do GS. Trương Nguyện Thành ở Đại học Utah (Mỹ) sáng lập đều dễ nhận ra TS. Nguyễn Đình Quý là một trong những thành niên nhiệt tình với những trao đổi sôi nổi về giáo dục và nghiên cứu. Chính quá trình tham gia vào mạng lưới đông đảo của các trí thức Việt ở nước ngoài đã truyền cảm hứng cho anh cùng các cộng sự trong và ngoài nước nghĩ đến ý tưởng xây dựng một kho dữ liệu rộng lớn về người Việt, công ty Việt và sự kiện Việt trên khắp thế giới.

VietSearch đã ra đời có cùng mục đích với iVANET nhằm kết nối cộng đồng Việt trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, kinh tế và hoạt động xã hội dựa trên các cơ sở dữ liệu gốc từ các nguồn dữ liệu tin cậy gồm có iVANET, LinkedIn, Google Scholar, Researchgate, Yellow Page… Tính năng chính của VietSearch là tìm kiếm thông tin dựa trên các thông tin đầu vào cơ bản (tên, lĩnh vực, địa điểm…), cho phép người dùng có thể liên lạc với những người Việt xuất hiện trên kết quả tìm kiếm thông qua các trang kết nối.

Mong ước của nhóm gồm 7 thanh viên của VietSearch là xây dựng cầu nối thông tin cho kết nối cộng đồng Việt trên nền tảng công nghệ thông tin (web, khai phá dữ liệu, phân tích dữ liệu…) về hoạt động kinh doanh/giáo dục/từ thiện giữa người Việt trong và ngoài nước. Hệ thống còn có ứng dụng bản đồ được thiết kế tương tác với Google Map, cùng thống kê chi tiết về người Việt, công ty Việt, du học sinh, hội sinh viên Việt Nam tại nước ngoài. Đặc biệt, các dữ liệu mới sẽ thường xuyên được cập nhật tự động trên hệ thống theo công nghệ dữ liệu lớn và thống kê. Bên cạnh đó, người dùng có thể đăng ký và bổ sung các thông tin cá nhân trên hệ thống để thông tin được cập nhật đầy đủ và mới nhất.

…tới phát triển hệ sinh thái 4.0

TS. Nguyễn Đình Quý cho biết VietSearch sẽ phát triển thành một hệ sinh thái 4.0 (ecosystem 4.0) nhằm thúc đẩy ứng dụng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghệ 4.0 tại Việt Nam.

Bốn mũi nhọn trọng điểm của hệ sinh thái này, bao gồm: xây dựng hệ thống chuyên gia người Việt trong các lĩnh vực công nghệ cao để hỗ trợ nền công nghiệp 4.0; kết nối chuyên gia với các sự kiện kinh tế, giáo dục, nghiên cứu tại Việt Nam thông qua hội nghị, hội thảo, hội thảo trực tuyến, đào tạo…; xây dựng mô hình đào tạo và tư vấn người Việt toàn cầu; xây dựng và thu hút đầu tư cho các công ty công nghệ tại Việt Nam.

Theo anh, công nghệ thông tin và các ứng dụng mới (thu thập dữ liệu tự động, thống kê, phân tích, trí tuệ nhân tạo…) có thể tạo thành kênh thông tin và môi trường kết nối giữa người Việt trên toàn thế giới dễ dàng hơn. Đặc biệt, các bạn trẻ trong nước có thể tìm kiếm thông tin nhanh chóng và tổng hợp về giáo dục, công nghệ (học bổng, các du học sinh, các giáo sư người Việt, các chuyên gia người Việt tại nước ngoài…) để trao đổi kiến thức và hợp tác nghiên cứu từ xa.

TS. Nguyễn Đình Quý tin rằng kho dữ liệu của mình và các cộng sự mang lại nhiều giải pháp hiệu quả, tiết kiệm cho giáo dục và kinh tế tại Việt Nam trong điều kiện kết nối mạng, công nghệ internet và điện thoại thông minh đã bao phủ trên cả nước.

Tuy nhiên, anh cho rằng bất lợi của Việt Nam nằm ở chỗ thiếu nguồn nhân lực chuyên môn cao trong các công nghệ mới, chưa có hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển đủ mạnh để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn (Google, Facebook, Amazon, Apple, Microsoft…). Đặc biệt, ở trong nước cũng đang thiếu các giáo sư đầu ngành, chuyên gia nghiên cứu sâu trong trường Đại học với những ngành công nghệ mới.

Chính vì vậy, với chuyên môn và kinh nghiệm làm việc nhiều năm, anh vẫn đang tích cực kết nối với nhiều đồng nghiệp người Việt, gốc Việt thành công tại Mỹ và một số nước để cùng đóng góp trong lĩnh vực công nghệ, nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Cùng với công việc chính là Giám đốc phát triển và kỹ sư cấp cao tại Mitsubishi Electric và dự án VietSearch, anh cũng dành nhiều thời gian cho các hoạt động quản lý, giới thiệu cơ hội (học bổng, quỹ đầu tư…) cho các bạn trẻ và các hoạt động tình nguyện tại Việt Nam.

Mới đây, Nguyễn Đình Quý là khách mời tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng diễn ra tại Paris (Pháp). Tại đây, anh đã được gặp gỡ, trao đổi và kết nối thêm với rất nhiều người Việt có chung tâm huyết và sự quan tâm tới câu chuyện “Nâng tầm thương hiệu Việt”.

Với anh, đó là cơ hội tuyệt vời để có thể phát triển và mở rộng mạng dữ liệu VietSearch. Thời gian tới, chàng tiến sĩ quê Hà Nội sẽ về nước thường xuyên hơn để tham dự các hội thảo, tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức và đào tạo công nghệ và một số hoạt động từ thiện tại quê hương.