Tâm hồn đô thị

Thứ Sáu, 02/02/2018, 11:04:23
 NDĐT – Mỗi khi trồng hay chặt một loại cây nào đó ở phố phường, các nhà khoa học căn cứ vào lý lẽ khoa học, để phân tích giống này hợp hay không hợp… Còn phần đông cư dân, tình yêu với cây vẫn cứ đi theo lý lẽ riêng. Bất luận lý do gì, mỗi khi xe cộ máy móc ùn ùn kéo đến đào xới gốc cây, lòng người lại thấy tổn thương…

Chẳng nhất thiết phải là những niềm tự hào Hà Nội như hàng sấu trên phố Phan Đình Phùng, hàng sao đen phố Lò Đúc, thanh nhã màu trắng hoa sưa, hay bảng lảng hương hoàng lan trên phố Điện Biên… mỗi người Hà Nội đều có những hàng cây thương nhớ của mình. Có thể lắm, đó là một hàng bằng lăng, một gốc cơm nguội, hay “bình dân” như một cây trứng cá…

Cuộc sống bộn bề và phố phường bụi bặm, những hàng cây khiến lòng người thanh lại. Đôi khi, một gốc bàng gầy guộc, đen đúa đứng trước ngõ bao năm ít người để ý. Nghĩa vụ đương nhiên của nó là che nắng, che mưa. Một ngày kia bão về, cây bàng đổ gục. Lúc ấy, bỗng nhớ nôn nao những ngày đông khi cây bàng trầm mặc chuyển màu lá đỏ. Ngày xuân sang, cây bàng đồng loạt đâm chồi. Dưới ánh đèn đêm, những búp bàng non tựa như hàng trăm cánh bướm đang rập rờn. Lúc ấy mới thấy thiếu vắng, mất mát.

Người Hà Nội có vô vàn kỷ niệm với những hàng cây. Thủ đô vốn nhiều cây xà cừ. Trăm năm trước, người Pháp đã “di cư” loài cây này từ châu Phi về. Khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố Hoàng Diệu, phố Lê Hồng Phong, đường Kim Mã, đường Nguyễn Trãi… rợp bóng xà cừ. Thế rồi chính loài cây ấy lại hay đổ khi mùa bão về, do bộ rễ chùm, lại bị thu hẹp do xây dựng hạ tầng đô thị. Oái oăm, cây xà cừ càng lợi khi che nắng bao nhiêu, thì càng thiệt hại nặng nề khi gãy đổ bấy nhiêu.

Nhiều người, kể cả giới khoa học cho rằng cây xà cừ thuộc diện cần “thanh lý”. Ấy thế mà khi Hà Nội mở đường, làm đường sắt đô thị, những hàng cây xà cừ trên đường Kim Mã, đường Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng bị chặt hạ, hoặc di dời đến nơi khác, chẳng mấy ai nhớ khi nó gãy đổ gây tai nạn. Người ta thấy trống vắng, tiếc nhớ.

Mỗi khi trồng hay chặt một loài cây nào đó, các nhà khoa học cứ lên phương án, cứ phân tích, rằng giống nọ rễ cọc, giống kia rễ chùm, rằng giống này không hợp với đô thị, phải là tiêu chuẩn nọ, tiêu chuẩn kia… Còn tình yêu với cây vẫn cứ theo lý lẽ riêng, hiếm khi phân biệt sai hay đúng. Những hàng cây, rồi vẫn cứ hóa tâm hồn. Giờ Hà Nội đang trồng thêm những loài cây mới, như cọ dầu, mới đây là phong lá đỏ. Có người ngờ vực, nhất là với cây phong lá đỏ trên phố Trần Duy Dưng, Nguyễn Chí Thanh… Song, bao dung như đón nhận những dòng người từ muôn nẻo tụ về, tôi tin rằng, rồi người Hà Nội cũng đón nhận loài cây mới, rồi chúng sẽ gần gũi, thân quen.

Nhưng liệu một ngày kia, liệu chúng có bị chặt đi, hay chuyển đi không? Ai ngờ được, có lúc đi trên phố Nguyễn Trãi đường chang chang nắng? Ai ngờ được, đường Phạm Văn Đồng vốn to rộng thế, mà cũng phải chuyển cây vì mở đường. Ai ngờ được dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh xanh như một công viên thu nhỏ, cũng có ngày bị “gọt” mất một phần. Ai ngờ được, một thời, Hà Nội rất “hăng hái” trồng keo tai tượng, hoa sữa, trứng cá. Để rồi chục năm sau, mới nhận ra, đã “trồng nhầm”, phải tìm cách thay thế.

Tôi biết, nhiều người không quá quan tâm đến chuyện Hà Nội trồng cây gì trên các tuyến phố, bằng chuyện, liệu một ngày nào đó, nó có bị chặt đi hay không. Sợ nhất, là chặt vì lý do “trồng nhầm”. Mấy mươi năm trước, thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, những hàng cây khu vực đường Thanh Niên bên hồ Tây phải chặt hạ vì cản tầm quan sát của bộ đội pháo cao xạ. Chặt bớt một số cây là nhiệm vụ. Thế mà, nhà thơ Phạm Tiến Duật, khi ngang qua thấy cảnh đó đã viết thành thơ:

“Đã ngã xuống rồi hàng cây tình tự

Hơi thở yêu đương còn thơm dòng nhựa”…

Tôi nghĩ rằng, những nhà kiến thiết đô thị cần hiểu lòng người. Bất luận lý do gì, mỗi khi xe cộ máy móc ùn ùn kéo đến đào xới gốc cây, là lại thêm một lần thấy tổn thương…

TUỆ MINH