TTO – Papua New Guinea, Brazil, Ethiopia… là những đất nước có các bộ lạc được đánh giá tách biệt và gây tò mò nhất trên thế giới hiện nay.
Bộ lạc Sentinel gây sự chú ý đáng kể trên các mặt báo theo sau vụ bắn “mưa tên” khiến chàng trai người Mỹ John Allen Chau thiệt mạng. Sống ở đảo Bắc Sentinel của Ấn Độ, bộ lạc này gần như không có liên lạc với người bên ngoài và tách biệt hoàn toàn với nền văn minh hiện đại.
Vậy ngoài Sentinel, còn bộ lạc nào tương tự hay không? Tờ Business Insider cho biết hiện có hơn 100 bộ lạc trên thế giới cũng có rất ít tiếp xúc với con người hiện đại.
Theo trang slappedham.com, sau đây là 10 bộ lạc được đánh giá sống cô lập nhất với thế giới hiện đại. Một số bộ lạc thậm chí không thân thiện mấy với những kẻ lạ xâm nhập vào lãnh thổ của họ.
Sentinel
Đứng vị trí thứ 10 trong danh sách là bộ lạc Sentinel. Bộ lạc vừa có “xì căng đan” này sống ở đảo Bắc Sentinel thuộc vịnh Bengal, nằm giữa Ấn Độ và Myanmar.
Các thổ dân nơi đây sử dụng lao và cung tên để săn bắn cũng như tự vệ. Tuy nhiên, do bộ lạc Sentinel được đánh giá không thân thiện với người lạ, chính quyền New Delhi đã phải ban hành lệnh cấm ngư dân di chuyển vào khu vực 5km cách bờ biển đảo Bắc Sentinel.
Theo sau trận sóng thần kinh hoàng hồi năm 2004, một trực thăng thuộc lực lượng cảnh sát biển Ấn Độ đã bay tới khu vực để thả thức ăn cho các thổ dân Sentinel. Tuy nhiên, họ đã phản ứng dữ dội, giương cung tên đuổi trực thăng đi.
Yaifo
Bộ lạc Yaifo sống ở tỉnh Đông Sepik của Papua New Guinea. Khi nhà thám hiểm Anh Benedict Allen cố gắng bắt liên lạc với bộ lạc này vào năm 1988, ông đã được chào đón bằng một màn khiêu vũ được đánh giá là “kỳ lạ”. Sau đó, ông trải qua một nghi thức kết nạp kéo dài 6 tuần, trong đó có ăn các loại thức ăn của bộ lạc hằng ngày mà nhiều khi ông không biết là món gì.
Bộ lạc này sử dụng hai loại tên, một loại để bắt cá và một loại có nhiều ngạnh để giết heo và tự vệ. Họ có biệt tài đi trên những cành cây nhỏ.
Ông Allen là một trong rất ít người bên ngoài được tiếp xúc với bộ lạc này. Cuối tháng 10-2017, ông từng quay lại tìm kiếm bộ lạc này. Bộ lạc Yaifo thường sử dụng phụ nữ để làm lực lượng do thám khi những kẻ lạ xâm nhập vào địa phận của họ. Do có vóc người khá nhỏ, các nữ thổ dân có thể ẩn nấp trong các bụi cây.
Korowai
Chưa được biết tới cho đến năm 1974, bộ lạc Korowai ở Papua, Indonesia được xem là một trong những bộ lạc không thân thiện nhất thế giới. Người ta cho rằng bộ lạc này có thể không biết đến sự tồn tại của các cộng đồng khác trên thế giới.
Bộ lạc Korowai sống trong những ngôi nhà cây được dựng cách mặt đất 40m. Có ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, người Korowai có xu hướng tin rằng người da trắng bị ma quỷ ám.
Khi gặp người lạ, các thổ dân này sẽ nhằm thẳng mũi tên về phía đối phương cho đến khi hai bên giải quyết êm xuôi mọi chuyện.
Bộ lạc Suri
Bộ lạc Suri ở Ethiopia thường sử dụng các loại súng cầm tay nhặt được trong thời kỳ chiến tranh ở khu vực biên giới sát Nam Sudan để bảo vệ đàn gia súc. Họ có một môn đánh gậy truyền thống được gọi là sagine.
Bộ lạc này biết chăn nuôi gia súc. Khi các bác sĩ người Nga đến tiếp xúc với bộ lạc này vào thập niên 1980, những người trong bộ lạc nghĩ rằng nhóm bác sĩ là xác sống do màu da khác biệt.
Bộ lạc Korubo
Bộ lạc này có khoảng 150 thành viên, sống ở lưu vực phía tây Amazon của Brazil. Người Korubo được gọi là “caceteiros”, nghĩa là “những người đàn ông của gậy gộc”, do họ dùng những cây gậy lớn để tự vệ.
Chính phủ Brazil từng cử nhân viên đến tiếp xúc với bộ lạc này, 7 người bị họ dùng gậy đánh chết. Sau đó, chính phủ Brazil đã lập ra một khu vực riêng dành cho họ. Không ai được phép đi vào khu vực này.
Mashco-Piro
Bộ lạc Mashco-Piro (hay còn gọi là Cujareño) là một bộ lạc sinh sống chính bằng hình thức săn bắn và hái lượm ở vùng Madre de Dios của Peru. Năm 2012, trong một chuyến đi để bắt liên lạc bất thành, một nhà thám hiểm đã chết vì mũi tên xuyên tim.
Bộ lạc này thường hay tiếp cận các bộ lạc lân cận để xin thức ăn. Năm 2015, chính phủ Peru đã thực hiện những nỗ lực đầu tiên nhằm tiếp xúc với bộ lạc Mashco-Piro. Họ tin rằng bộ lạc này đang muốn tiếp xúc với con người hiện đại, do các thổ dân được thấy xuất hiện ở khu vực bìa rừng thường xuyên.
Totobiegosode
Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu chính phủ Paraguay bảo vệ bộ lạc Totobiegosode hồi năm 2011 trước tình trạng phá rừng. Những tiếp xúc đầu tiên của bộ lạc này với người bên ngoài diễn ra vào thập niên 1940 và 1950, khi nông dân khai hoang để trồng trọt và chăn nuôi.
Trong khi một số thành viên bộ lạc Totobiegosode gia nhập xã hội hiện đại, một số người vẫn sống cuộc sống du mục sâu trong khu rừng Chaco. Họ vẫn tuân thủ nghi thức cổ xưa, như khi một thành viên bộ lạc sắp chết, bộ lạc này sẽ đào hố và chôn người này mặc người này vẫn còn sống.
Mursi
Mursi là một bộ lạc nhỏ sống du mục bằng việc chăn nuôi gia súc ở thung lũng Omo, tây nam Ethiopia. Bộ lạc này nổi tiếng với những phụ nữ khoét môi gắn đĩa đánh dấu sự trưởng thành.
Khi muốn kết hôn, người đàn ông phải đấu với những người đàn ông khác cùng yêu người phụ nữ đó. Bên cạnh việc dùng gậy, bộ lạc này còn sở hữu súng tự động nhặt được trong thời kỳ chiến tranh.
Fleicheros
Bộ lạc Fleicheros sống dọc con sông Jandiatuba ở phía tây Brazil. Bộ lạc này nổi tiếng với biệt tài thổi phi tiêu tẩm độc.
Bộ lạc này có khoảng 30 thành viên. Tuy nhiên, họ hoàn toàn không có tiếp xúc với người ngoài gần đây, sau khi một mỏ vàng được tìm thấy gần nơi họ sinh sống. Dân địa phương đã đổ xô đến khu vực này để tìm vàng.
Năm 2017, hai thợ mỏ vàng đã bị các thành viên bộ lạc Fleicheros tấn công. Trong cuộc chạm trán, các thợ mỏ được cho đã giết chết khoảng 10 thành viên của bộ lạc này.
Moken
Đứng đầu danh sách những bộ lạc sống tách biệt nhất thế giới là bộ lạc Moken, có nghĩa “người biển”. Họ sống ở khu vực quần đảo Mergui nằm giữa Myanmar và Thái Lan, với đa số thời gian trên những con thuyền gỗ. Họ sống theo lối nửa du cư trên biển, thường sử dụng xiên giáo và lưới để bắt cá.
Mặc dù chính phủ Thái Lan và Myanmar muốn bộ lạc này hòa nhập xã hội hiện đại, hầu hết thành viên bộ lạc đều từ chối. Họ được xem là một trong những bộ tộc sống tách biệt nhất thế giới vì ít khi xuất hiện trên đất liền.