100 năm bản Dạ cổ hoài lang: Sự chín muồi của một ý thức sáng tạo mới

Phụ nữ Nam Bộ với đàn kìm, hình in trên bưu thiếp (carte postale) đầu thế kỷ 20
  • NGUYỄN LÊ – TUYÊN
  • 21.07.2019, 06:53

TTCT – Xuất hiện khoảng cuối thập niên 1910, bài ca Dạ cổ hoài lang được xem như một hạt giống nền tảng trong quá trình hình thành vọng cổ – một thể loại âm nhạc tiêu biểu của Nam Bộ. Trải qua một thế kỷ, bài ca này vẫn tiếp tục thu hút khán giả vào câu chuyện kinh điển về người phụ nữ Việt Nam nhớ nhung chờ đợi chồng. 

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm (1919 – 2019) bản Dạ cổ hoài lang, bài viết này sẽ nhìn lại bối cảnh lịch sử xã hội, ảnh hưởng của nhạc tài tử và dân ca được phản ảnh trong bài ca này.

Đặc biệt, qua tham khảo tài liệu từ Trung tâm nghiên cứu dân tộc nhạc học thuộc Viện Bảo tàng con người của Pháp, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá một số nét tương đồng giữa Dạ cổ hoài lang và một bài ca được phổ biến từ thế kỷ 19 cùng chủ đề người phụ nữ “suốt đêm nhớ chồng”.

Ý thức sáng tạo mới 
trong âm nhạc Nam bộ

Từ cuối thế kỷ 19 đến những năm 1910, âm nhạc Nam Bộ đã chứng kiến sự nỗ lực để hoàn thiện hệ thống bản tổ và “tài tử hóa” dân ca, nhất là thể loại “lý”. Thời kỳ này cho thấy sự thi thố tài năng giữa hai khối miền Đông và miền Tây đã đem lại những kết quả sáng chói nhất trong lịch sử nhạc tài tử.

Đặc biệt nhất là một ý thức sáng tạo đã phát sinh và lan tỏa từ các nhạc sĩ hàng đầu như Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) ở Cần Đước (Long An), Lê Tài Khị (Nhạc Khị) tại Bạc Liêu và Kinh lịch Trần Quang Quờn (thầy Ký Quờn) ở Vĩnh Long. Phương hướng sáng tạo này đã làm kho tàng âm nhạc Nam Bộ thêm đa dạng và phong phú hơn.

Một ví dụ cụ thể, theo giáo sư Trần Văn Khê, từ năm 1917, Trần Quang Quờn đã “có sáng tác vài chục bài bản mới” như Hiệp điệp xuyên hoa, Cứ hổ báo nhập trọng địa và Dạ bán 
chung thinh.

Tại Bạc Liêu, sự ra đời bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu phản ánh bối cảnh chín muồi của ý thức sáng tạo mới ở đầu thế kỷ 20 và mở ra một hướng đi mới trong âm nhạc Nam Bộ, được sự hưởng ứng nhanh chóng rộng rãi từ buổi đầu.

Giáo sư Trần Văn Khê từng nhận định “nét nhạc của bài Dạ cổ hoài lang có mấy chỗ giống như nét nhạc của bài Hành Vân, lại mang hơi của cách ru em miền Nam nên dễ đi vào lòng người”.

Còn thạc sĩ Huỳnh Khải cho rằng bài Dạ cổ hoài lang là sự hòa quyện của nhạc cung đình miền Trung và âm hưởng các điệu lý Nam Bộ, sau khi trở thành vọng cổ “thì theo cấu trúc mở, mở ra con đường để người ta sáng tạo”.

Trong một thế kỷ, nhiều tên tuổi như Huỳnh Thủ Trung, Trần Hữu Trang, Út Trà Ôn, Mộng Vân, Trần Tấn Hưng, Viễn Châu và rất nhiều nhạc sĩ khác đã góp phần trong công cuộc sáng tạo, tiếp tục phát triển Dạ cổ hoài lang trở thành vọng cổ đến ngày nay.

Dạ cổ phiên bản năm 1900

Tại Triển lãm Toàn cầu Paris năm 1900, với hoài bão xây dựng một bảo tàng âm thanh đầu tiên của nhân loại, nhà nhân chủng học Léon Azoulay đã thực hiện một bộ sưu tập thu âm với khoảng 400 ống sáp (wax cylinder), với nhiều thể loại âm nhạc và tiếng nói của các dân tộc trên thế giới.

100 năm bản Dạ cổ hoài lang: Sự chín muồi của một ý thức sáng tạo mới
Ống wax thu âm

Với nhiều cơ duyên huyền diệu, một bài ca của Nam Bộ đã được thu âm trong bộ sưu tập lịch sử này với tên là Chant populaire d’amour. Qua một giọng ca nữ người Sài Gòn, lời ca phơi bày nỗi niềm thân phận của người phụ nữ Việt Nam như là một phiên bản “dạ cổ” của thế kỷ 19.

Trong một hợp tác nghiên cứu, tôi và Huỳnh Khải đã ký tự và tạm đặt tên cho bản thu âm này là Vọng Lang. Điều thú vị là trong khi chữ “lang” không hề được sử dụng trong ca từ của Dạ cổ hoài lang thì lại xuất hiện nhiều lần trong bản thu âm năm 1900 với các cụm từ như “vọng lang”, “bạn lang” và “nữ lang”.

Giữa hai bài có một số ca từ hoàn toàn giống nhau, chứa đựng ẩn dụ văn học hay điển tích Hán – Việt như “luống trông”, “tào khang”, “ong bướm” và sắt/duyên “cầm”.

Phân tích chất liệu âm nhạc về thang âm, giai điệu và tiết tấu cho thấy Vọng Lang chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của nhiều bài nhạc tài tử. Huỳnh Khải đã đưa ra bằng chứng cho thấy một số nét nhạc của Vọng Lang hoàn toàn giống hay tương tự các bài Tây thi, Cổ bản và Ú liu ú xáng (Thiên bất túc).

Với nhiều nét tương đồng, bài ca Vọng Lang trong bộ sưu tập Triển lãm Toàn cầu Paris đã kết nối với Dạ cổ hoài lang, mở ra một khung cửa quá khứ mới trong câu chuyện kinh điển người phụ nữ Việt Nam đợi chồng, đồng thời soi sáng thêm một phần hành trình phát triển bản sắc văn hóa của vùng đất mới phương Nam.

Ngọn lửa ý thức sáng tạo ở đầu thế kỷ 20 hình như vẫn tiềm ẩn, chưa bao giờ tắt trong trái tim, khối óc của Nam Bộ và tiếp tục phát huy các di sản văn hóa thành những giá trị mới. Trải qua một trăm năm, ý thức đó vẫn luôn tồn tại trong quá trình phát triển Dạ cổ hoài lang trở thành một di sản hiện hữu đa dạng trong hàng ngàn bài ca vọng cổ được trình diễn và thưởng thức bởi nhiều tầng lớp xã hội trong và ngoài nước đến ngày hôm nay. ■

DẠ CỔ HOÀI LANG

                                         Cao Văn Lầu

Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phán lên đàng

Vào ra luống trông tin nhạn

Năm canh mơ màng

Em luống trông tin chàng

Ôi! Gan vàng thêm đau

Đường dầu sa ong bướm

Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang

Còn đêm luống trông tin bạn

Ngày mỏi mòn như đá Vọng Phu

Vọng phu vọng luống trông

tin chàng

Lòng xin chớ phụ phàng

Chàng là chàng có hay

Đêm thiếp nằm luống những

sầu tây

Bao thuở đó đây sum vầy

Duyên sắt cầm đừng lợt phai

Nguyện, là nguyện cho chàng

Nguyện cho chàng đặng chữ an – bình an

Mau trở lại gia đàng

Cho én nhạn hiệp đôi.

——————————————–

VỌNG LANG

                                                                Bản gốc: Chanson populaire d’Amour

                                                               Thu âm: Leon Azoulay [Paris 1900]

                                                               Ký tự: Nguyễn Lê-Tuyên & Huỳnh Khải [2017]

Tình mối tình thêm mà thêm tơ liễu

Tơ kiến diệc sư hao

Đờn ca chẳng có để thêm

Thâu đêm, thâu đêm, thấu canh tàn

Men đắng thêm càng, mơ màng vọng lang

Băn khoăn tư bề đêm khuya

Ra vô ra vô tư lự guồng tơ cũng là

Tơ tình chỉ mình cưu mang

Bịt bùng mây gió niệm chi

mà gió rét tê rét tê như vậy

Ôi trời Đông đã lại

cũng bởi dây tơ hồng

Xui khiến xui khiến xui căn nợ

Chi trong căn nợ

Mối sầu, mối sầu bởi do trăm đàng

tình nợ ngửa nghiêng

Lá thắm ra dòng sông

Ngỡ ai nương gió mát bên bờ trăng thanh

Tiếng trống canh lầu trở canh

Giấc mơ còn kìa ai

Trông luống trông thề nguyền chưa cạn

Duyên kia chưa còn thay lòng

Chút ân tình tri ngộ bạn lang

Chim Ô thước bắc cầu sông Ngân

Nỡ lòng nào cách phân

Đứt giấc mơ đau lòng Nữ Lang

Ủ liễu ủ liễu ủ mai tàn

Ong bướm bay nhộn nhàng

Càng hổ phận cảnh hường nhan

Ngờ ai ngờ sắp giờ Đông Tây

Lá thắm chỉ hồng gió may

mối duyên cầm lợt phai

Thôi thế thôi thế thôi cho đành

Cũng thôi cho đành chuyện chồng vợ vỡ tan

Sầu là sầu tương tư, mối căn sầu tương tư

Cái duyên lỡ làng

Hương lửa hương lửa hương không thành

Non sông không thành là thời tính sao?

Nghe vẳng nghe vẳng nghe canh gà

Canh vắn trăng tàn, lạnh lùng vọng lang

Khuya sớm khuya sớm khuya nương dựa

Không nơi nương dựa, vào thở ra than

Nguyện cũng chờ, dẫu tử sanh

cho trọn niềm như tào khang