TTCT – Nếu cứ nhấn mạnh quá về tầm quan trọng của tiền thì lại không tốt, khiến chúng hiểu lệch lạc về cái gì là có ý nghĩa của cuộc đời. Hãy dạy con về quản lý tiền như học lái xe, thế thôi, còn lại tập trung vào sự chân thật, chính trực, tự quản, tôn trọng con người – là những thứ quan trọng hơn tiền rất nhiều.
Một thống kê “đáng nguy”
Người ta vẫn hay nói, trước một ngoại ngữ, trẻ con học dễ hơn người lớn. Điều đó cũng đúng với chuyện tiền nong. Thế nhưng trong một bài báo, tác giả Jamie Cattanach nói nhiều bậc cha mẹ đã không dạy con từ sớm về tiền. Bà cho biết, một nghiên cứu năm 2018 của trường Đại học Illinois tại Urbana-Champaign thấy rằng, 36% người trẻ là “có nguy cơ về tài chính”.
Các nhà nghiên cứu lấy ra 3050 người từ 18-24 tuổi, khảo sát hiểu biết của họ đối với các khái niệm căn bản của kinh tế học (thí dụ lãi suất, lạm phát, v.v), cũng như cách họ tiêu tiền.
Kết quả, bị coi là “có nguy cơ về tài chính” là những thanh niên nào không có tiền tiết kiệm để khi cần vẫn tự sống được trong ba tháng; cũng vậy, họ không có tới 2.000 USD phòng khi hữu sự. Chỉ 22% người tham gia được đánh giá là ổn định về tài chính, tức biết lên kế hoạch tiêu pha, có tiền phòng thân, và ít khi dùng những dịch vụ xa xỉ.
Nhưng ngay cả những người được coi là ổn định tài chính này cũng chỉ thuộc hàng “tàm tạm” về am hiểu tài chính. Gaurav Sinha, trưởng nhóm nghiên cứu, tin rằng đó là một vấn đề có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mức độ am hiểu tài chính của các thế hệ tương lai, bởi vì rồi những người trẻ này cũng sẽ làm cha mẹ, làm sao họ dạy con thứ kiến thức quan trọng mà mình không có đủ này?
Ai dạy đây?
Hầu như mọi người đều thống nhất rằng chỉ có bố mẹ dạy về tài chính cho con, là hợp nhất, đặc biệt khi chúng ở tuổi thiếu niên. Trẻ đến trường học rất nhiều thứ để sau này lớn lên thành người có đủ năng lực mà kiếm lấy việc làm lương thiện và… có tiền. Thế nhưng chẳng trường phổ thông nào dạy về tiền.
Theo một bài báo, Đại học Michigan có một nghiên cứu cho thấy lên 5 trẻ con đã biết xúc động trước tiền, và từ đó định ra phong cách tiêu tiền một khi trẻ có tiền thực. Tuy nhiên hầu hết bố mẹ đều không nói chuyện tiền nong cho đàng hoàng với con trước khi chúng 15 tuổi. Theo kết quả khảo sát của công ty quản lý tài sản T. Rowe Price, 33% bố mẹ chỉ nói chuyện tiền với con mỗi tháng một lần, và có 4% bố mẹ không hề nói gì. Hơn một phần ba số người tham gia khảo sát coi tiền là chuyện hoàn toàn “cấm kỵ”.
“Nếu cha mẹ không nói về những chủ đề như tài chính gia đình, nợ nần của nhà mình, con cái sẽ tự âm thầm rút ra những kết luận thiếu chính xác,” chuyên gia Lynsey Romo lo lắng.
Dạy thiếu niên về tài chính
Trong một bài viết, diễn giả kiêm nhà văn John Cowan (New Zealand) bảo rằng, nói tới thiếu niên là nói tới đắt đỏ! Thứ gì chúng muốn cũng ngốn một lô tiền. Mà chúng lại muốn những thứ đắt tiền. Chúng không chịu xài đồ cũ, chúng không dùng túi mẹ cho. Chúng đòi mua những món mới ra và chưa kịp giảm giá. Chúng đặt hàng trên mạng bằng thẻ Visa của mẹ, mang về những món hỡi ôi nhưng theo chúng là rất ngầu, bạn bè sẽ rất sợ.
Cái đó có gì sai không? Có, sai về cách tiêu tiền, nhưng đúng về tâm lý thiếu niên. Theo John Cowan, bố mẹ không thể ép con tiêu tiền chín chắn như một trung niên, nhưng cũng không thể chiều con muốn gì được nấy – chiều thế, đến người giàu nhất cũng phá sản.
Thiếu niên là tuổi của việc gì cũng “quá đà”, nhưng đó là tuổi đã hiểu biết, có lòng tự trọng, lại muốn tự chủ, do đó dạy chúng về tiền vừa khó vừa thú vị. Dạy cái gì? Và dạy thế nào? Sau đây là một số ý kiến của các chuyên gia.
Học cách “giữ ổn định về tài chính”
Có người đề xuất tập cho trẻ nhìn thấy tiền “sinh sôi” và “mất đi”. Tức là dùng một hũ đựng tiền trong veo, và bố mẹ giải thích với con rằng khi cần tiêu thì lấy tiền ở đó ra, khi có tiền thì bỏ vào. Quan trọng là cái hũ phải trong để trẻ nhìn thấy tiền sinh ra và mất đi “ngay trước mắt”. Giữ ổn định về tiền là thấy mực tiền trong hũ không có lúc nào tụt quá tận đáy!
Nói chuyện cởi mở về tài chính của gia đình
Người ta đề nghị bố mẹ nên thường xuyên bàn chuyện tài chính của gia đình với con, để con cùng tham gia ý kiến. Đừng sợ con quá bi quan (khi ta túng) hay quá chủ quan (khi ta có nhiều tiền); mọi thứ là do thái độ của bố mẹ cả.
Nên cho con tham gia các cuộc mua sắm. Trước khi đi hãy cùng nhau “nghiên cứu” các món giảm giá, lên danh sách cần mua, đặt ra ngân sách thích hợp với tình hình tài chính của gia đình… Dần dần, những việc ấy sẽ dạy trẻ con về cách vận hành của tiền, biết co kéo tùy lúc, tùy việc.
Học những thứ tưởng như to tát
Cha mẹ nên dành thời gian để dạy con các kiến thức căn bản về tài chính và kinh tế học. Đơn giản nhất là mở báo ra, lấy các bài về thị trường chứng khoán, về giá cả, về xuất nhập khẩu, về ngân hàng, lãi suất… và cùng phân tích với con. Đừng nghĩ đó là chuyện vĩ mô không liên quan đến nhà mình. Mọi quyết định về kinh tế của một đất nước đều có thể ảnh hưởng đến tài chính nhà bạn, và một trẻ thiếu niên có kiến thức về tài chính sẽ tiêu tiền biết suy nghĩ hơn những trẻ chỉ biết màu của đồng tiền.
Học đi đôi với hành
Cách tốt nhất để học là “hành”. Theo một khảo sát ở một số sinh viên Mỹ, người ta thấy sinh viên nào có tài khoản ngân hàng riêng sẽ đạt điểm về kiến thức tài chính cao hơn các bạn không có tài khoản 22 điểm. Mở cho con một sổ tiết kiệm, hoặc cho con chung phần đầu tư vào một món nào đó sẽ tập cho chúng biết nghĩ đến đường đi rất “trừu tượng” của đồng tiền.
Minh họa của getpocketbook.com |
Thỏa mãn trẻ trong chừng mực
Bố mẹ nên “cắn răng” mua cho con một hay hai món thực sự ngầu mà chúng mặc được thường xuyên. Đó có thể là một chiếc áo khoác hoặc một đôi giày rất hợp thời trang – một thứ gì đó mà chúng rất tự hào. Chỉ một, hai món thôi chứ đừng trang bị hàng hiệu từ đầu tới chân cho con, đặc biệt là những thứ bên trong như đồ lót, tất, áo thun…
Tập có trách nhiệm với những thứ mình dùng
Bạn dẫn con đi mua cái áo sơ-mi hàng hiệu mà nó muốn. Bạn bảo, “Mẹ mua cái áo, con mua nhãn hiêu”, tức là, nếu để bạn tự chọn, bạn sẽ mua cùng lắm cái áo 300.000. Nhưng cái áo gần như thế mà hàng hiệu sẽ là 800.000. Vậy thì các bạn thiếu niên nếu muốn cứ bỏ ra thêm 500.000, tiền túi.
Tập lên ngân sách và quản ngân sách: Giao hẳn một ngân sách mà bạn trù là để chúng mua quần áo, quà cho bạn bè, tiêu vặt… trong một tháng hay một quý chẳng hạn. Tất cả chỉ có chừng đó, và tùy chúng xoay sở chi tiêu.
Làm thế này, theo tác giả John Cowan là có rất nhiều lợi ích. Đầu tiên, nó giúp bạn quản được quản được tiền, không để những nhu cầu “trên trời rơi xuống” của con khiến bạn bị động và dẫn đến cãi nhau. Nhưng lợi ích lớn hơn là luyện cho trẻ con cách lên ngân sách. Bạn có thể thấy chúng sắp dốc hết tiền vào mua một món nào đó, và bạn biết thế là “toi” rồi. Bạn muốn chen vào cản một câu. Nhưng bạn đừng làm thế. Cứ để chúng thấm bài học rằng vậy là suốt khoảng thời gian còn lại không còn tiền đâu mà đi chơi với bạn hay mua quà sinh nhật – điều này sẽ dạy chúng nhiều hơn là những lời trách móc hay giảng giải của bạn.
Và bạn sẽ làm hỏng bài học này nếu được nửa đường bạn bỗng mủi lòng, tìm đủ mọi cớ để con có thêm tí tiền tiêu.
Tập hoãn lại ham muốn mua sắm
Đặc trưng của thiếu niên là cái gì cũng quá đà, nên đây chính là lứa tuổi hoàn hảo để học cách “kìm cương” lòng ham muốn và biết tự quản lý mình.
Theo John Cowan, cách trẻ thiếu niên xoay sở với tiền cũng sẽ là cách chúng xoay sở với đời. Việt biết lên ngân sách dạy chúng kiểm soát sự việc, thay vì để sự việc kiểm soát. Nếu bạn thấy con mình biết để dành tiền và hoãn lại các khoản mua bán cho đến khi chúng thực sự có đủ tiền, thì bạn có thể an tâm nhiều về đường đời chúng sau này. Chúng sẽ là những người biết trì hoãn sự thỏa mãn trước mắt, có thời gian để biết mình thực sự muốn gì, và dồn sức cho một mục tiêu cao hơn. Biết trì hoãn sự thỏa mãn là một trong những kỹ năng chủ chốt để làm chủ cuộc đời.
Biết cái gì là quan trọng hơn
Theo tác giả Catherine Flax, cần dạy con rằng tiền không bao giờ được là điều quan trọng nhất, nhưng không đủ tiền để mà trang trải những nhu cầu căn bản thì cũng rất thảm. Tức là, bạn dạy con sau này lớn lên cần có một công việc đủ để chúng mua thức ăn, thuê nhà, và những nhu cầu căn bản khác. Nhưng đồng thời công việc đó không cần (và không nên) là mục đích tối cao của sự tồn tại trên đời; tức là, không có nó thì ta tìm việc khác, không đến nỗi… buồn mà chết.
Học cách quản đồng tiền thực sự là học cách quản lý chính mình. Catherine Flax ví người ta ai cũng như một hoa tiêu, lèo lái giữa các dòng chảy đến và đi của đồng tiền, nhưng đồng thời phải ý thức rằng cơ thể ta là quan trọng nhất; phải chú ý cho cơ thể nạp đủ dinh dưỡng, ngủ nghỉ tốt, và chỉ được tốn bao nhiêu năng lượng cho việc lèo lái kia… Bài học này nói mãi mà xem chừng í tai nghe – nhiều người bỏ mạng vì tiền, vật vã vì kiếm tiền.
Ảnh: bethkobliner.com |
Dạy cho người khác tiền
Ngay cả khi không có nhiều tiền, chuyên gia khuyên bạn vẫn nên dạy con hào phóng với những người không bằng mình. Con cái biết lên ngân sách, biết để dành tiền, nhưng keo kiệt quá thì cũng vẫn là một thất bại trong giáo dục. Dạy con và cho con thực hành việc cho đi, để chúng hiểu trong tiêu tiền, tiêu thích nhất là giúp được ai đó trong lúc nguy nan. Và vì thiếu niên cũng là tuổi bồng bột, dễ cảm động nhất, nên dạy chúng lúc này cũng là lý tưởng nhất.
Học cách sống tằn tiện
Bố mẹ nên dạy con tiêu ít đi và sống tằn tiện (nhưng không hành xác). Tằn tiện không phải là để có nhiều tiền mà ngắm mà là để mua được nhiều tự do hơn. Người sống tằn tiện sẽ dễ chọn được công việc mình yêu thích hơn, cho dù lương có thấp một chút nhưng mà vui, và mình tằn tiện thì mình sống được thôi! Gặp phải công việc không thích, người sống được tằn tiện sẽ dễ từ bỏ hơn người phụ thuộc vào công việc ấy để kiếm lương. Sống tằn tiện thì để dành được tiền. Tiền ấy để khi cần không phải vay mượn và nhờ vả. Dạy con tằn tiện và biết để dành là dạy con tự làm cho mình một cái tổ vững chắc trong giông bão.
Tiền đi đôi với lao động
Ngay lúc còn thiếu niên, phải tập cho con cái lao động chăm chỉ; thậm chí để có trải nghiệm về lao động, có khi bố mẹ phải cho chúng đi làm không lương, chủ yếu học lấy thói quen làm việc. Sẽ có những việc rất mệt, rất nhem nhuốc (như phụ hồ, quét sơn…), nhưng thế là tốt. Lại có những việc đôi lúc gặp chuyện bực mình (như phục vụ quán, dọn nhà…), nhưng thế cũng rất tốt. Tất cả những công việc vất vả – chừng nào còn là việc lương thiện – đều tốt cho tâm hồn thiếu niên. Tuy nhiên, việc huấn luyện này phải là có một thời gian đủ dài, tránh tình trạng cưỡi ngựa xem hoa, làm cho có trải nghiệm một tí chỉ để đắc chí thấy mình đang… rất sung sướng!
Chung ý kiến trên, chuyên gia John Cowan nói, bố mẹ đừng sợ mình khắc nghiệt với con, và cũng đừng ảo tưởng tiền sẽ mua được tình yêu của chúng. Ông hay dẫn một câu nói, một thiếu niên được nuông cũng đáng thương ngang một thiếu niên túng quẫn. Trẻ thiếu niên có hơi phải vật lộn tí và làm việc nhiều về sau lòng tự tôn sẽ cao hơn và có nhiều kỹ năng tốt trong cuộc sống hơn hơn là trẻ được dâng mọi thứ tận miệng.
Dạy biết rằng tiền không phải là thước đo
Cái này nghe có vẻ lý thuyết sáo rỗng mà không phải. Tác giả Catherine Flax kể rằng cha cô có một tiệm pizza nhỏ. Ông muốn hai chị em cô ra làm thêm ở đó để được tiếp xúc với nhiều loại người. Có người từ tế, vui vẻ, thú vị nhưng chỉ là một tài xế taxi; lại có người cáu kỉnh, bần tiện, cư xử không ra gì mặc dù khá giả. Hai chị em học được rằng đánh giá người ta là qua phẩm chất làm người; tiền thực sự không được dùng để đánh giá.
Ngoài ra, ta nên dạy con tránh xa tâm lý dùng tiền làm thước đo “như đúng rồi”, kiểu giàu thì ắt là ác và keo, nghèo thì ắt là hiền và thảo. Đó cũng lại là một kiểu “lấy tiền đo người”, nhiều khi còn tệ hại hơn tâm lý hễ thấy người giàu là nể phục lăn lóc!
Mô hình chữ V
Tuy nhiên (với thiếu niên thì bao giờ cũng phải có “tuy nhiên”), mặc dầu bạn đã dạy đủ các bài học rồi, đã cấp ngân sách và cho phép tự do chi tiêu rồi, nhưng vì vẫn là thiếu niên nên theo John Cowan, cái tự do đó vẫn phải được quản lý theo cách nào đó. Chúng không thể mua cả két nước ngọt về và uống trong ba ngày, hoặc một cái điện thoại và tha hồ vào internet. Ông nhắc lại mô hình dạy con kiểu chữ V, một khái niệm của nhà tâm lý học và giáo dục học Sylvia Rimm.
Hãy hình dung ra chữ V. Cái khoảng không nằm giữa thể hiện mức độ của lựa chọn, tự do và trách nhiệm mà bố mẹ ban cho con. Trẻ bé tí nằm ở đáy chữ V với ít lựa chọn, ít tự do và trách nhiệm, tương ứng với thân hình bé con của chúng. Con trưởng thành hơn, bố mẹ cho nhiều lựa chọn hơn, kèm theo nhiều tự do và trách nhiệm. Tuy nhiên giới hạn vẫn là hai cạnh của chữ V. Lên tới trên cùng, con cái đã hoàn toàn tự do và tha hồ lựa chọn, nhưng đó là cuộc đời của chúng, tiền của chúng!
Tóm lại, sau tất cả mọi thứ dạy dỗ, nếu cứ nhấn mạnh quá về tầm quan trọng của tiền thì lại không tốt, khiến chúng hiểu lệch lạc về cái gì là có ý nghĩa của cuộc đời. Hãy dạy con về quản lý tiền như học lái xe, thế thôi, còn lại tập trung vào sự chân thật, chính trực, tự quản, tôn trọng con người – là những thứ quan trọng hơn tiền rất nhiều. Dĩ nhiên, những thứ ấy rất dễ bị sứt mẻ hoặc mất đi, nếu ta thậm chí không kiếm được đủ tiền để sống một cuộc sống sạch sẽ và giản dị!
(*) tổng hợp và dịch từ nhiều nguồn)