25 năm quan hệ Việt – Mỹ: Từ những điều bình thường

Các bạn trẻ ở câu lạc bộ đọc sách của Trung tâm thông tin Hoa Kỳ. Ảnh: Trung tâm thông tin Hoa Kỳ
  • HỮU NGHỊ
  • 11.07.2020, 10:00

TTCT – Nền móng cho mối quan hệ giữa hai bờ Thái Bình Dương không chỉ là các chuyến thăm cấp nhà nước hay hợp tác quốc phòng, mà trên hết phải xuất phát từ các hoạt động “ngoại giao nhân dân” – hay “tư nhân” cũng được.

Tháng 1-1995, một người hỏi tôi: “Năm nay Mỹ vô Việt Nam, điều gì sẽ diễn ra?”. Tôi trả lời rằng sẽ có những sự ra vô tòa đại sứ hay lãnh sự Mỹ, hội thảo, diễn thuyết, tiếp tân, biểu diễn nhạc, sẽ có một Trung tâm thông tin Hoa Kỳ chức năng giống như Thư viện Abraham Lincoln ở tầng trệt khu khách sạn Rex đầu thập niên 1960 (sau cải biên thành rạp chiếu bóng mini-Rex và cafeteria), những chuyến đi thăm Mỹ, du học, tu nghiệp…, nghĩa là những sinh hoạt rất bình thường bên cạnh những công to việc lớn nổi bật lúc đó là tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích hay việc đầu tư, kinh doanh.

Tới nay thì Trung tâm thông tin đã chuyển địa chỉ, sang tòa nhà Diamond Plaza, từ địa chỉ đầu tiên ở số 65 Lê Lợi. Những người làm việc dạo ban đầu hầu như cũng đã ra đi hết vì tuổi tác. Những tiếp xúc mới kế tiếp những tiếp xúc đã cũ, như “những bức ảnh nhạt màu giờ phủ kín nếp nhăn”, như lời ca khúc Traces của Classic IV từng vang lên ở Sài Gòn hồi cuối những năm 1960.

Song, quan hệ hai nước không nhạt màu, thật ra là ngày càng thắm thiết. Có những diễn biến không ngờ, như phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo: “Hai thập kỷ qua, thương mại song phương đã tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 7.000%”.

Hoặc chuyện “gần 30.000 công dân trẻ Việt Nam hiện đang học tập tại các trường đại học ở Hoa Kỳ. Họ đóng góp cho chất lượng học thuật xuất sắc ở các trường đại học của chúng tôi, và sẽ trở về Việt Nam với nền tảng giáo dục mang đẳng cấp thế giới”.

Còn một thực tế khác, có thể mượn lời bài hát California Dreamin’ (The Mamas and Papas năm 1965) nói thay: Giấc mơ tới Mỹ, tới Cali. Báo cáo “Nhìn lại sự di dân ra nước ngoài” của Vụ Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, công bố năm 2012, có nêu: “Một thế hệ trí thức mới người Việt đã hình thành và được phát triển chủ yếu ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Úc trong các lĩnh vực khoa học và kinh tế quan trọng như công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, vật liệu mới, sản xuất máy móc, điều khiển học, sinh học, quản lý kinh tế và chứng khoán…” (trang 31). Cũng là một điều rất bình thường, là sự thể hiện quyền tự do đi lại, sinh sống, học hành và cả đầu tư, làm giàu của người dân.

Do lẽ quan hệ hai nước cơ bản vẫn là quan hệ giữa người dân nước này với nước kia và ngược lại, ngoài quan hệ chính thức của nhà nước. Quan hệ hai nước bình thường, tốt đẹp thì quan hệ giữa người dân hai bên mới tốt đẹp.

Đang trong cao điểm đại dịch ở Mỹ, song vẫn thấy rao trên website của Tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội những thông tin về “Chương trình định hướng dành cho du học sinh 2020”, đề ngày 16-6-2020. Lời rao rất “có nghề quảng cáo”: “Bạn là sinh viên Việt Nam sắp du học tại Hoa Kỳ? Hãy tham gia chuỗi chương trình định hướng dành cho du học sinh của chúng tôi để tìm hiểu thông tin quan trọng cho hành trình của bạn…

Các viên chức lãnh sự sẽ giải đáp thắc mắc liên quan đến quy định về thị thực sinh viên quốc tế. Các diễn giả nhiều kinh nghiệm là đại diện các trường đại học Mỹ, học giả Fulbright, các sinh viên xuất sắc đang học tập và cựu sinh viên từng học tập tại Mỹ cũng sẽ hướng dẫn bí quyết học tập hiệu quả ở các bậc học, dù là trực tuyến hay trực tiếp”. Đại dịch, và ngay cả những xôn xao về thị thực sinh viên mới đây, về lâu dài cũng không thể cắt đứt dòng chảy đó.

Còn có thể kể ra những hoạt động như dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp (VCCI) và Tổng cục Hải quan Việt Nam. Dự án thực hiện khảo sát nhằm đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia.

“Các phân tích và khuyến nghị từ báo cáo khảo sát được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động cải cách thực chất từ các bộ, ngành hiện đang xử lý thủ tục hành chính trên cơ chế một cửa thông qua cắt giảm chi phí, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu quả tổng thể” (trích thông báo ngày 22-6-2020).

Cũng phải nhắc tới những gói viện trợ như thỏa thuận trị giá 42 triệu đôla với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam qua tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và các hệ sinh thái khởi nghiệp, cũng như củng cố nguồn nhân lực, mà USAID và Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam đã ký trực tuyến hôm 15-4-2020.

La Mã không dựng lên trong một ngày, và không chỉ do các chính trị gia.■