Tác phẩm Đời và tuồng của họa sĩ trẻ Nguyễn Vinh – Ảnh: MINH TRANG (chụp lại từ triển lãm)
Các họa sĩ trẻ tham gia những dự án cộng đồng để lan tỏa và truyền cảm hứng cho mọi người như thế này có tác động rất tốt. Các bạn sẽ thấy nghệ thuật tuyệt vời như thế nào khi không chỉ dừng lại ở việc vẽ tranh để thỏa mãn chính mình, mà còn giúp thúc đẩy văn hóa cộng đồng
Họa sĩ Nhựt Nguyễn
Đó là chia sẻ của NSND Đinh Bằng Phi – người được giới làm nghề mệnh danh là “Nhà hát bội học đất phương Nam” – trong một talkshow nghệ thuật Huỳnh Kim Liên tình cờ tham dự.
Câu nói chứa đựng tâm tư, nỗi lòng và thực trạng buồn về một bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời như hát bội ấy khiến Liên bị thôi thúc mạnh mẽ: cần làm điều gì đó cho hát bội.
Và đó cũng là tiền đề cho dự án của một chương trình triển lãm, talkshow, nghệ thuật đầy cảm xúc mang tên Vẽ về hát bội.
“Nếu chúng tôi không làm gì…”
Dự án Vẽ về hát bội (từ ngày 1 đến 10-2) có sự tham gia của hàng loạt họa sĩ trẻ và giới làm sáng tạo tại TP.HCM như Huỳnh Kim Liên, Nhựt Nguyễn, Phạm Quang Phúc, Sith Hiếu Châu, Phùng Nguyên Quang, Diễm Nguyễn, Cao Lê Diệu Phúc, Trần Nguyễn Trung Tín…
Chương trình diễn ra tại Nhà hát Chợ Lớn (190 Hồng Bàng, Q.5), mở cửa miễn phí.
Ngoài việc triển lãm các tác phẩm vẽ tay, vẽ kỹ thuật số, búp bê mô hình hát bội, chương trình còn có những buổi talkshow về nghệ thuật hát bội, biểu diễn các tuồng cổ, workshop vẽ mặt nạ tuồng…
Đây có lẽ là một trong những dịp hiếm hoi khán giả có cơ hội “nhìn ngắm” hát bội trong hình hài trẻ trung, gần gũi và giàu cảm xúc.
“Khi đến xem chương trình, ngắm nhìn những mặt nạ tuồng ngày xưa, những bộ trang phục được thiết kế riêng cho các vai diễn đã được dày công sưu tầm qua nhiều năm, tôi thấy nó quá đẹp! Tôi nghĩ nếu chúng tôi không làm gì và để hát bội mất đi, trách nhiệm đó thuộc về chúng tôi” họa sĩ Huỳnh Kim Liên chia sẻ.
Liên chia sẻ ý tưởng thực hiện cuộc triển lãm nhỏ cùng với khoảng 20 họa sĩ trẻ, nhằm thể hiện góc nhìn của họ về hát bội thông qua lăng kính của những người trẻ.
Nhưng thật không ngờ, ý tưởng này dường như chạm đến tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống của nhiều bạn trẻ.
Danh sách đăng ký tham gia ngày càng được nối dài. Sau hai tháng từ ngày khởi động, dự án Vẽ về hát bội đã thu hút sự tham gia của hơn 40 họa sĩ trẻ, gần 100 nhân sự đang hoạt động trong cộng đồng sáng tạo trẻ, cộng đồng nghệ sĩ mới, cộng đồng quảng cáo, sự kiện…
Họ cùng xem lại những vở hát bội kinh điển của Việt Nam như Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, San Hậu, An Tư công chúa… để lấy cảm hứng cho những tác phẩm của mình.
Và càng xem, họ càng thấy mình bị “hút chặt” vào những giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ trên sân khấu hát bội. Nhớ về những phút giây ấy, Liên kể bạn và nhiều họa sĩ vẫn không khỏi… rùng mình, nổi da gà bởi hóa thân quá xuất sắc của các nghệ sĩ hát bội Việt Nam.
Điều thú vị là bằng sự trẻ trung và máu lửa của mình, đam mê của những người trẻ này đã “cuốn” thêm rất nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác nhau cộng hưởng cùng họ, mang đến một chương trình giàu tính nghệ thuật và đậm đà bản sắc.
Được thuyết phục bởi ý tưởng nhân văn, sáng tạo của những người trẻ này, nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã tham gia chương trình bằng một bộ sưu tập áo dài cùng tranh thảm lấy cảm hứng từ nghệ thuật hát bội.
Diễn viên Hồng Ánh không ngần ngại trở thành cầu nối giúp các bạn trẻ gặp gỡ với những nghệ sĩ hát bội nổi tiếng của miền Nam.
Thật ngạc nhiên khi nghe họ chia sẻ dự án Vẽ về hát bội, một loại hình nghệ thuật không dành cho người trẻ và đang có nguy cơ biến mất. Tuổi trẻ, có khát vọng, có nền tảng tri thức mà lại biết trân quý những giá trị truyền thống thì không lý gì mình không hỗ trợ họ.
Đạo diễn – diễn viên Hồng Ánh
Họa sĩ Nhựt Nguyễn (Lài) giới thiệu Mặt nạ hát bội, loại mặt nạ dành cho những gian thần – Ảnh: M.TRANG
Để hát bội không bị lãng quên
NSƯT Hữu Danh – một trong những “cây đa cây đề” của làng hát bội phía Nam – có lẽ lâu rồi mới lại có cảm giác… trẻ ra nhiều tuổi đến vậy khi các họa sĩ trẻ mời anh cùng tham gia trò chuyện về nghề hát bội, về những chiếc mặt nạ cầu kỳ mỗi lần lên sân khấu trang điểm không dưới một tiếng đồng hồ…
Anh tâm sự: “Lúc các em đến tìm tôi, tôi mừng lắm chứ! Lâu rồi không còn ai nhắc đến nghệ thuật hát bội nữa. Ngay cả việc tìm lớp truyền nhân tiếp theo về hát bội, chúng tôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì khoa hát bội ĐH Sân khấu điện ảnh TP không có người theo học.
Nghề này không dễ, phải học 10 năm may ra mới làm được nghề, mà nhu cầu xã hội lại không còn đất cho hát bội… Mọi người hay hỏi tôi là hát bội liệu có mai một không?
Tôi nghĩ là có đó, nếu như thế hệ trẻ không còn quan tâm đến nó nữa. Tôi hay NSND Đinh Bằng Phi không làm được mãi, chỉ có các bạn mới là tương lai sau này của bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này”.
Anh cũng vui mừng nói thêm: “Từ năm ngoái, sau khi chuyển địa điểm Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP từ đường Lý Tự Trọng (rạp Long Phụng) về rạp Thủ Đô (125A Châu Văn Liêm, Q.5), chúng tôi đang bàn bạc với nhau về việc diễn định kỳ mỗi tuần một vở, dù ít dù nhiều khán giả cũng phải diễn để duy trì rạp hát sáng đèn.
Hiện nay, các nghệ sĩ của nhà hát chủ yếu đi diễn ở đình, ở miếu, diễn các suất phục vụ công tác tuyên truyền cho sở mỗi tháng, nhưng để nói là có suất diễn cho khán giả xem, bán được vé thì không có”.
Khát khao của anh chắc cũng là mong mỏi của những người trẻ khi bắt tay tham gia lần này, đó là làm sao để hát bội không bị lãng quên!
Làm sao để lớp nghệ sĩ trẻ mạnh dạn ghi tên vào những nghệ sĩ kế cận của bộ môn nghệ thuật này. Một khao khát lớn, nhưng chẳng phải đã bắt đầu được nhen lên những tia hi vọng từ chương trình lần này hay sao?
Xem một số bức tranh tại triển lãm – Minh Trang chụp lại:
Bức Đào Tam Xuân của hoạ sĩ sinh năm 1993 Cao Lê Diệu Phúc
Người trẻ đã thắp lên những niềm vui nhỏ cho nghệ thuật hát bội trong dịp cuối năm 2018
Bức Lưu Kim Đính chiêu phu của hoạ sĩ Nguyễn Quỳnh Phương
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Minh Đức cho triển lãm Vẽ về hát bội
Một tác phẩm tham dự triển lãm Vẽ về hát bội lần này của hoạ sĩ Phùng Nguyên Quang
Hồ Nguyệt Cô hóa Cáo, tranh kĩ thuật số họa sĩ Phạm Quang Phúc
Quan Công của họa sĩ Huỳnh Kim Liên – tranh màu gouache