TTO – Trở thành nghiên cứu sinh của ĐH Harvard (Mỹ) có lẽ là mơ ước của biết bao người trẻ và mỗi một hành trình tới đó đều mang dấu ấn riêng, lan tỏa nhiều cảm hứng.
Với Cao Bảo Anh, nghiên cứu sinh ngành miễn dịch học tại ĐH Harvard, đó thực sự là một cột mốc trưởng thành trong nhận thức, thấu hiểu hơn mục đích sống cũng như ý nghĩa tuyệt vời khi được cho đi, được chia sẻ với mọi người những gì có thể.
“Định mệnh” từ một câu nói
* Cơ duyên nào dẫn Bảo Anh tới ĐH Harvard, nơi được mệnh danh là thánh đường của học thuật trên thế giới?
– Khi đang học lớp 12 và làm tình nguyện viên cho phòng thí nghiệm tế bào gốc của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), tôi nghe một anh tiến sĩ học ở Hàn Quốc về nói rằng “miễn dịch học là chìa khóa của y học hiện đại”.
Câu nói ấy cứ ở lại mãi trong tôi từ khi ấy. Sang Canada, học xong năm nhất, lần đầu tiên trường tôi mời về một giáo sư chuyên ngành miễn dịch học là cô Bebhinn Treanor. “Định mệnh rồi”, tôi tự nói với mình, bởi lâu nay tôi vẫn đau đáu muốn học ngành này. Tôi bắt đầu theo chuyên ngành miễn dịch học từ đó.
Sau khi học với cô Bebhinn Treanor ở Canada, tôi xin được học bổng làm nghiên cứu sinh tại ĐH Harvard. Cơ duyên có lẽ là sự quyết liệt. Một khi đã muốn làm gì, tôi sẽ cố gắng thực hiện bằng được. Tôi cũng học được rằng luôn có giải pháp cho mọi vấn đề. Bởi vậy tôi không ngại hỏi và tìm trợ giúp nếu gặp chuyện vượt quá sức mình.
* Cuốn sách Hệ miễn dịch – kiệt tác của sự sống của Cao Bảo Anh được nhiều người nhắc tới trong mùa dịch COVID-19 bởi cách chia sẻ kiến thức khoa học giản dị, hấp dẫn. Bạn đã viết nó thế nào?
– Khi đọc những cuốn sách của cộng đồng tâm lý học Oopsy, từ trải nghiệm cá nhân, tôi nhận ra một cuốn sách giá trị hoàn toàn có thể làm thay đổi cuộc đời một người. Tôi đã bày tỏ nguyện vọng viết sách với các anh chị ở Oopsy.
Họ gợi ý tôi viết về cơ thể và hệ miễn dịch. Mỗi chúng ta đều có ba phần: thân thể – tâm lý – lý trí. Khi thân thể không khỏe, tâm lý không vững vàng thì lý trí cũng không thể sáng suốt. Khổ nỗi chúng ta ít khi nghĩ về thân thể mình một cách cẩn thận.
Những hành động ngược đãi thân thể như uống rượu, hút thuốc… không chỉ đẩy cơ thể đến bệnh tật, mà cả những bất ổn trong tâm lý và suy nghĩ. Do đó, tôi muốn viết một cuốn sách về miễn dịch học dành cho tất cả mọi người, kể cả những người “thù” môn sinh học.
Đã có lúc bế tắc, đau đớn…
* Được biết trong thời gian học ở ĐH Toronto, đã có một học kỳ Bảo Anh chọn sống trong khu vô gia cư để có tiền trang trải học phí cho một khóa học ngoài kế hoạch?
– Chuyện ở trong khu người vô gia cư là một giải pháp tạm thời của tôi sau khi học xong năm nhất. Giáo sư Bebhinn Treanor có lớp miễn dịch học đại cương cho các sinh viên năm ba.
Khi tôi hỏi làm sao để được học lớp đó vào năm hai, cô nói tôi phải học một số môn của năm hai vào mùa hè để đủ chuẩn học môn của cô trong năm tới.
Nhưng khóa học này nằm ngoài dự định và không có trong số tiền học bổng Bộ GD-ĐT cấp cho tôi. Tôi tính toán gom sinh hoạt phí trong sáu tháng thì đủ tiền học. Nhưng điều đó cũng có nghĩa sẽ không có chỗ ăn, ở.
Khi gọi vào đường dây nóng xin tư vấn, tôi được giới thiệu vào một khu gần trường nhất dành cho thanh thiếu niên vô gia cư dưới 22 tuổi. Tôi ở trong này tầm ba tháng và hoàn thành tốt các khóa yêu cầu cho bộ môn miễn dịch học.
Giờ nghĩ lại tôi cũng thấy hồi ấy mình “liều” thật. Nhưng có lẽ tôi “liều” vì hai nguyên nhân, một là tôi tin mình sẽ làm được và hai là những điều kiện lúc ấy “vừa đủ” để tôi có thể làm được những điều đã đặt ra.
* Có vẻ như bạn có “số học hành” và cũng luôn quyết chí đạt được những mục tiêu đã đặt ra. Nhưng đã có lúc nào bạn tuyệt vọng về mình?
– Sau khi tốt nghiệp thủ khoa bậc ĐH, tôi chọn tiếp tục học lên thạc sĩ với cô Bebhinn Treanor mà không học tiến sĩ dù được lựa chọn vì tôi vẫn luôn hướng tới Harvard. Nhưng hóa ra đó lại là khoảng thời gian khó khăn nhất, tăm tối nhất của tôi. Làm nghiên cứu thực sự rất khó khăn và vất vả. Những giây phút Eureka thì ít, mà đổ bể hay sứt đầu mẻ trán thì nhiều.
Đáng lẽ mỗi “thất bại” ấy là một dấu chỉ bảo rằng hãy cẩn thận hơn, hãy suy nghĩ theo cách khác, tôi lại coi đó là một sự thất bại của chính mình. Tôi thấy bế tắc, đau đớn. Ngay cả những lúc tăm tối nhất, tôi cũng mơ hồ biết cái chết không giải quyết được vấn đề.
Trong bóng tối, tôi bắt đầu tìm đến những cuốn sách tâm lý và gọi tên được khủng hoảng của mình. Tôi dần lấy lại thăng bằng. Giữa khủng hoảng, tôi vẫn cố gắng hoàn thành hồ sơ nộp vào Harvard bởi đó là cái đích đã ở trong đầu từ rất lâu.
Tôi nghĩ đây là câu chuyện rất ít khi được kể và không hẳn nhiều người muốn nghe. Chúng ta được lập trình để tụng ca những giây phút thành công, nhưng tôi tin tất cả mọi người, dù là các bạn trẻ hay những người đã xem mình là trưởng thành, vẫn hằng ngày phải đi trên con đường tìm ra mình là ai, mục đích của đời mình là gì.
Cao Bảo Anh (hàng sau, giữa) tại buổi tổ chức hội thảo Sức khỏe cảm xúc do Cộng đồng tâm lý học Oopsy tổ chức tháng 1-2020 tại Hà Nội – Ảnh: OOPSY2
Cao Bảo Anh sinh năm 1992 tại Đồng Nai, sống ở TP.HCM từ nhỏ, từng nhận học bổng của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2011-2015 du học tại ĐH Toronto (Canada).
Năm 2015, Bảo Anh tốt nghiệp thủ khoa ĐH Toronto với số điểm tuyệt đối 4.0 chuyên ngành tế bào và phân tử.
Từ cuối năm 2017, Bảo Anh bắt đầu theo học chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành miễn dịch học tại ĐH Harvard (Mỹ) sau khi nhận được học bổng toàn phần tại đây.
Lắng nghe
Khi tôi gặp Bảo Anh tại Boston, chia sẻ với cậu ấy về sứ mệnh của Oopsy “Cùng nhau trưởng thành, chữa lành trái tim” thông qua những cuốn sách, cậu ấy đã đón nhận rất chân thành.
Tôi nói với Bảo Anh: “Cuốn sách này nếu vì mình mà viết thì giá trị sẽ giảm. Chúng ta viết không vì danh, mà vì cộng đồng”. Cái đáng quý của Bảo Anh là cậu ấy thực sự lắng nghe. Cậu ấy đã dồn tâm huyết, tiếp nhận những góp ý để hoàn thiện cuốn sách Hệ miễn dịch – kiệt tác của sự sống.
Tác giả, dịch giả Nguyễn Thị Nhàn (Tổ chức Oopsy, một trong những người hỗ trợ Bảo Anh viết cuốn Hệ miễn dịch – kiệt tác của sự sống)
Mang quốc kỳ Việt Nam lên nhận bằng tốt nghiệp
Giáo sư miễn dịch học Bebhinn Treanor từng chia sẻ với báo The Star (Canada) rằng bà đã rất kinh ngạc khi Bảo Anh (lúc đó đang là sinh viên năm hai) gửi bà ý tưởng để phòng thí nghiệm của bà có thể giải quyết một vấn đề nghiên cứu nan giải mà bà mới mô tả cho cậu trong buổi chiều.
“Tôi đã thực sự lặng người. Cậu ấy đã đi thẳng được vào tâm điểm của các vấn đề và cậu ấy quá nhiệt tâm” – bà giáo sư nói. Trong lễ tốt nghiệp ĐH Toronto năm 2015, tờ The Star cũng đã rất ấn tượng với hình ảnh Cao Bảo Anh choàng lá quốc kỳ Việt Nam trên vai khi bước lên sân khấu nhận bằng.