Từ quốc lộ 1 đến chân cầu Cần Thơ phía Vĩnh Long nay đã có hẳn đường để ôtô bon bon vào trung tâm xã. Quanh chợ trung tâm, không khí mua bán bưởi luôn nhộn nhịp với hàng chục nhà xưởng nằm san sát sẵn sàng mua, đóng thùng, chuyên chở bưởi đi buôn khắp nơi.
Muốn nhìn thấy trái bưởi đang lúc lắc trên cây cũng không cần đi vào tận vườn. Chỉ cần từ trung tâm xã men con đường bờ bao lát bêtông sạch sẽ đi sâu vào phía ấp Mỹ Thới dọc sông Đông Thành, bưởi đã treo lủng lẳng trước mặt.
Những trái bưởi thon thả phình dần từ cuống đến thân như những giọt nước xanh biếc khổng lồ vươn ra từ các nhành cây vắt ngang qua đường. Người đi kìm không được, đôi khi phải đưa tay ra ve vuốt làn da bưởi mát rượi mà cảm nhận sức sống, nét đẹp sung túc của thiên nhiên.
“Xã Mỹ Hòa có diện tích đất tự nhiên hơn 2.345ha thì có đến 1.161ha trồng bưởi, chiếm gần như trọn vẹn đất nông nghiệp của xã. Toàn giống bưởi năm roi. Năm rồi cả xã có giảm diện tích 2ha bưởi, mà nguyên nhân là vì người ta phải đốn bưởi để… xây nhà” – ông Nguyễn Văn Phi, chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, giới thiệu.
Rồi ông Phi nhắc lại câu chuyện nguồn gốc bưởi năm roi với nhiều giai thoại khác nhau. Một giai thoại là chuyện ông Trần Văn Bưởi – thương lái người làng Mái Dầm, nay thuộc xã Phú Hữu A, Châu Thành, Hậu Giang – vô tình nhặt được trái cây trên thượng nguồn nơi sông Cửu Long vừa đổ vào đất Việt.
Ông Bưởi xé vỏ ăn thì thấy ruột trái mọng nước, ngọt ngon nên đã lấy hạt đem về chợ Mái Dầm ở nhà mình trồng. Và đó được xem là những cây bưởi ngon đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng trên một vùng đất bên sông Hậu phía dưới cù lao Mỹ Hòa chỉ chừng chưa đầy 20km theo đường chim bay. Cây nhà ông Bưởi vừa lạ vừa ngon, hay bị trẻ em trong xóm đến quấy phá, bẻ trộm. Ông Bưởi hay đe là đứa nào trộm trái thì ông đánh cho năm roi. Từ đó người ta gọi luôn là bưởi năm roi.
Nhưng dân Vĩnh Long còn có một giai thoại thứ hai gần gũi hơn. Đó là giai thoại về ông Bùi Văn Tước, người làm nông nổi tiếng ở đất Thuận An, thị xã Bình Minh. Theo câu chuyện này, chính ông Tước là người đã chịu đòn 5 roi vì “táy máy” đến cây bưởi ngon của ông hội đồng gần nhà. Sau đó, ông Tước đã xin con ông hội đồng cho nhân giống, trồng được thứ bưởi năm roi đem lại tiếng tăm cho đất Vĩnh Long.
Cù lao mang duyên bưởi
Dù có giai thoại nào thì khi về với đất Mỹ Hòa, giống bưởi năm roi cũng như… cá gặp nước. “Trước đây vùng này chuyên canh lúa. Từ năm 1996, người dân Mỹ Hòa được Nhà nước khuyến khích chuyển đổi sang trồng bưởi năm roi. Đầu những năm 2000, người dân bắt đầu thấy hiệu quả của việc trồng bưởi nên bỏ ruộng, lên liếp trồng rầm rộ, trở thành xã chuyên canh bưởi có tỉ lệ trồng cao nhất nước đến nay” – ông Phi nói thêm.
Nhưng trước khi trở thành giống chuyên canh trên cù lao Mỹ Hòa, bưởi năm roi đã được trồng trên đất này từ hơn 35 năm trước. Năm nay đã 63 tuổi, ông Nguyễn Thành Chua, chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã Bưởi năm roi Mỹ Hòa, vẫn còn nhớ rõ những ngày đầu tiên ông đem giống bưởi năm roi về trồng. “Đó là năm 1983, lúc ấy cả cù lao mới có 4 vườn bưởi. Tui nữa là vườn thứ 5” – ông Chua nói.
Ngay tại mảnh đất nhà cuối cù lao ở ấp Mỹ Thới 2 mà ông Chua đang ngồi kể chuyện năm xưa gọi là đất “tử địa”, ít người lai vãng. Sau khi hòa bình lập lại, ông Chua là một trong những người khai phá khu vực đất này đầu tiên để trồng mía, và chỉ trồng vài cây bưởi năm roi để nhà ăn chơi.
Đến năm 1983, khi cây mía không đem lại nhiều hiệu quả, lại thấy những cây bưởi trước nhà lúc nào tới mùa cũng bẻ rớt đặc đất, ông Chua đánh bạo sang một nhà vườn ở Cái Vồn, thị xã Bình Minh mua hơn 200 cây bưởi giống về trồng trên 8 công đất (0,8ha) mà mình có.
“Thuở đó chưa biết cách chăm sóc nhiều, cứ để nước ngập tự nhiên. Cũng chưa phân biệt được cây giống bưởi, đợi hơn 4 năm, đến lứa đầu tiên ra trái mới biết bị quá trời cây bưởi lai chứ không phải toàn bưởi năm roi” – ông Chua cười nhớ lại. Vốn dĩ trái bưởi năm roi múi mọng nước, ngọt sắc và gần như không hạt thì giống bưởi lai lại cho ra trái có vị rất chua và chi chít hạt.
Ông Chua phải đốn bỏ những cây giống bưởi lai, giặm lại giống bưởi năm roi thay thế. Hiện tại, vườn bưởi hơn 30 năm tuổi của ông Chua cũng đang là lứa bưởi lâu đời nhất đang cho trái trên đất Mỹ Hòa.
“Tui đi ăn bưởi nhiều nơi rồi, không phải vì đất nhà mà khen chứ thiệt tình chưa thấy nơi nào cho vị bưởi năm roi ngọt được như ở Mỹ Hòa” – ông Chua nhận định. Cũng theo ông Chua, bưởi năm roi chỉ trồng ngon nhất ở đất thịt cù lao được tôn tạo từ nhiều đời. Còn nếu đem trồng ở phần đất cồn mới được bồi đắp ven sông cũng không cho được trái ngon, dù thân và lá trồng trên đất cồn luôn xanh tốt.
Chưa kể lúc xưa đất cù lao gần như ngập nước lênh láng mỗi mùa thủy triều lên, dù người dân có tự đắp bờ bao quanh vườn thì vẫn bị nước tràn vào. Nhưng những mùa nước ngập qua vậy, trồng theo kiểu tự nhiên thì bưởi lại ít sâu bệnh, cho trái rất sung, tới mùa bẻ xuống chất đặc cả đất. Những năm sau có bờ bao quanh xã, đất không được rửa nước thường xuyên nên cây có vẻ cho trái ít hơn, dễ sâu bệnh, nhà vườn phải thường xuyên chăm phân bón đất mới giữ được sản lượng như cũ.
Các loại bưởi giống hiện nay khoảng cỡ 4 năm là bắt đầu đâm hoa kết trái, khoảng 5 năm gặp điều kiện thuận lợi là bắt đầu oằn cành, người dân có thể kiếm thu nhập đến khi cây hơn 30 năm tuổi. Bưởi cứ ra bông hơn 3 tháng là có trái. Giờ kỹ thuật tiến bộ, người ta xử lý để có trái bẻ bán quanh năm. Một công đất (0,1ha) trồng trung bình 40 cây bưởi, mỗi năm có thể cho ra sản lượng chừng 4 tấn trái.
Điều lạ kỳ sau nỗi đau thương
“Cây bưởi cứu vớt cái cù lao này dữ lắm” – ông Chua tâm sự. Cũng như nhiều người dân quê này, câu chuyện lại lướt qua vụ đau thương năm 2007 khi một dầm cầu công trình cầu Cần Thơ đổ sập xuống. Cù lao gánh nặng những mất mát, tang thương khi có đến 34 người nằm trong danh sách 55 nạn nhân tử vong.
“Nhưng kỳ lạ là mấy năm sau đó bưởi lại được mùa đặc biệt” – ông Chua với tay hái một trái bưởi vàng đang đu đưa trên cành. Trái xé ra, hương bưởi thanh dịu phảng phất về hướng cầu Cần Thơ, công trình gây nỗi đau khôn nguôi cho nhiều gia đình ở cù lao Mỹ Hòa nhưng đã giúp nối liền đôi bờ, góp phần đưa thương hiệu bưởi năm roi Mỹ Hòa nức danh khắp chốn…
Cây nhãn cổ mà chúng tôi thưởng thức hương vị được đính bảng 100 năm, nhưng có cụ già 82 tuổi khẳng định phải trên 140 năm vì được… ông nội cụ trồng.
_____________________________________
Kỳ tới: Trăm năm giồng nhãn Bạc Liêu