TTCT – Việc bị các quảng cáo “bám đuôi” đi khắp Internet sau một lần “dại dột” tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ trên mạng là điều gần như người dùng Internet và mạng xã hội nào cũng đã đều trải qua. Nhưng đấy chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm khổng lồ sẽ quy định nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Chủ nghĩa tư bản khai thác dữ liệu mô tả một thị trường trong đó hàng hóa chính yếu được giao dịch, giống như than đá của quá khứ, hay dầu mỏ ngày nay, là dữ liệu cá nhân. Ở nguồn gốc, việc có được và sản sinh ra những dữ liệu này đòi hỏi sự theo dõi ở quy mô chưa từng thấy trên Internet.
Tư bản kiểu cũ và kiểu mới
Một điều thú vị: những định nghĩa và nhận định về chủ nghĩa tư bản khai thác dữ liệu của các học giả hiện đại ở thời đại số có sự tương thích “xôi giống xôi, thủ giống thủ” với những phê phán chủ nghĩa tư bản của Karl Marx một thế kỷ rưỡi trước.
Shoshana Zuboff, người Mỹ, giáo sư tâm lý xã hội học Đại học Harvard và là học giả hàng đầu thế giới về chủ đề này (với cuốn sách vừa in tháng 1-2019 của bà: Thời đại chủ nghĩa tư bản do thám: Cuộc chiến vì tương lai nhân loại ở biên giới mới của quyền lực), viết: “Những áp lực kinh tế của chủ nghĩa tư bản thúc đẩy sự độc quyền hóa kết nối và giám sát trên mạng khi những không gian đời sống xã hội và cá nhân mở ra cho các doanh nghiệp, nhắm trước hết vào việc tạo ra lợi nhuận”.
Nghe thật giống những lý luận về “tích lũy tư bản” và “tư hữu phương tiện sản xuất” của thời Marx, chỉ khác là sự tích lũy nay là tích lũy dữ liệu, còn phương tiện sản xuất mới chính là các nền tảng mạng xã hội, máy tìm kiếm…
Joseph Turow của Đại học Pennsylvania, trong cuốn Những kệ hàng có mắt: Các hãng bán lẻ đang theo dõi việc mua sắm, tước bỏ quyền riêng tư, và định nghĩa quyền lực của bạn ra sao thì tuyên bố bản chất của mô hình kinh tế theo dõi là đối lập với những định chế dân chủ.
“Sự tập trung tối đa quyền lực doanh nghiệp là một thực tế hiển hiện ở tâm điểm của thời đại số”. Còn theo Marx, “sự tập trung tư bản đã được hình thành, phá hủy độc lập cá nhân… chiếm đoạt tư bản của tư bản, biến đổi nhiều thành phố nhỏ thành vài thủ đô lớn. […]
Vốn phát triển ở một nơi với khối lượng khổng lồ trong một bàn tay, bởi vì nó đã bị tước đoạt khỏi tay nhiều người ở những nơi khác” (Tư bản luận, chương 25). Chỉ cần thay “vốn” bằng “dữ liệu” là ta sẽ thấy được bản chất của nền kinh tế theo dõi.
Tuy nhiên, Zuboff chỉ ra sự đối lập giữa sản xuất hàng loạt của tư bản công nghiệp với tư bản thu thập dữ liệu: tư bản kiểu cũ độc lập với dân chúng, những người tiêu dùng và lao động; trong khi tư bản kiểu mới phát triển phụ thuộc vào đám đông dân chúng đó, vốn không phải là người tiêu dùng hay người lao động cho các nền tảng theo dõi trên Internet, mà chính là sản phẩm, và cũng như các sản phẩm trên băng chuyền của chủ nghĩa tư bản kiểu cũ, về cơ bản là không hề hay biết gì về quá trình mình được/bị các trang mạng xã hội “chế tạo”, “đóng gói” và “đưa ra thị trường”.
Zuboff viết rằng trong nền kinh tế theo dõi, các tập đoàn lớn vượt ra khỏi khuôn khổ định chế thông thường của các công ty tư nhân kiểu cũ, để tích lũy không chỉ tài sản và vốn, mà cả quyền riêng tư của người dùng và vận hành không hề tuân theo một cơ chế đồng thuận thực sự có ý nghĩa nào.
Đi xa hơn một bước, Christian Fuchs, nhà xã hội học ở Đại học Westminster, Anh, còn thấy rằng các doanh nghiệp chủ đạo của nền kinh tế theo dõi đang có xu hướng hợp làm một với quyền lực chính trị: các nhà nước theo dõi người dân của mình.
Trong cuốn Thời đại chủ nghĩa tư bản do thám, Zuboff chỉ ra 4 đặc điểm chính yếu của nền kinh tế theo dõi, dựa trên bốn tuyên ngôn của chính kinh tế gia trưởng Google Hal Varian: (1) động lực thu thập và phân tích ngày càng nhiều thông tin hơn nữa; (2) phát triển các hình thức thỏa thuận cho phép việc giám sát bằng máy tính và tự động hóa; (3) khát khao cá nhân hóa và chuyên biệt hóa dịch vụ cho người dùng trên các nền tảng số; và (4) sử dụng hạ tầng công nghệ để tiến hành thí nghiệm trên người dùng và khách hàng.
Cũng không lạ khi những ý tưởng khai phá xuất phát từ Google. Họ là hãng đầu tiên sử dụng các quy trình thu thập và đóng gói dữ liệu người dùng để tạo ra những thị trường mới cho loại hàng hóa này. Hiện giờ, những đại gia lớn nhất là Google, Amazon, Facebook và Apple.
Cùng nhau, họ thu thập và kiểm soát lượng dữ liệu chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người, rồi biến dữ liệu đó thành sản phẩm và dịch vụ. Theo Internet Live Stats, Google chẳng hạn, xử lý trung bình 40.000 tìm kiếm mỗi giây, 3,5 tỉ tìm kiếm mỗi ngày và 1,2 nghìn tỉ tìm kiếm mỗi năm. Không có gì lạ khi công ty mẹ của hãng này, Alphabet, hiện có giá trị thị trường là 822 tỉ USD.
Một cuộc sống bị theo sát 24 tiếng mỗi ngày giờ không còn là viễn cảnh nữa. Đồng hồ báo thức trong điện thoại của bạn reo, báo cho hãng dữ liệu biết bạn thường thức lúc mấy giờ. Tới lượt nó, ngày mới kích hoạt các lời nhắc lịch trong điện thoại.
Ngay khi bạn mở màn hình lên, những tin tức cập nhật tràn về, và từng quyết định một ấn vào hay bỏ qua các tin tức đó đều bị theo dõi. Bạn chạy bộ buổi sáng bằng một ứng dụng theo dõi chạy bộ và nhịp tim, những bài nhạc bạn nghe khi chạy, tuyến đường chạy của bạn…, tất cả đều được dõi theo kỹ lưỡng.
Những cuộc trò chuyện của bạn trong nhà, nội dung tin nhắn của bạn trong điện thoại và các ứng dụng nhắn tin, hàng hóa mà bạn mua ở siêu thị, những vé máy bay và kỳ nghỉ bạn tìm trên mạng…, tất cả được thu thập, xử lý, phân tích, đóng gói, mua, bán, rồi bán lại, như những gói bảo hiểm hay một món đồ vật chất.
Các ý định ban đầu thường là tốt đẹp. Google muốn tổ chức và lan truyền tri thức cho nhân loại. Facebook muốn kết nối mọi người. Phải công nhận là họ đều đã làm được nhiều việc lớn lao với các mục đích cao cả đó, nhưng mặt trái của nền kinh tế theo dõi vẫn là điều chưa ai biết giải quyết ra sao.
Lựa chọn nào cho người dùng?
Việc người dùng thiếu hoặc không ý thức gì về quá trình thu thập dữ liệu đó là một yếu tố then chốt khiến nền kinh tế theo dõi có thể bùng nổ thời gian qua. Câu khẩu quyết mà mọi người dùng mạng xã hội và Internet đều luôn nên tâm niệm, theo Medium, là “họ biết về chúng ta nhiều hơn chính chúng ta biết về mình và chắc chắn nhiều hơn chúng ta biết về họ”.
Có sự khác biệt rõ ràng và quan trọng giữa dữ liệu được thu thập với sự cho phép của người dùng vì mục đích cải thiện sản phẩm hay dịch vụ và những dữ liệu khác để nuôi sống chính hệ thống mà hầu hết chúng ta hiện không quan tâm.
Nhưng gác sang một bên những tranh luận lý thuyết, thậm chí là siêu hình, thì lựa chọn còn lại của người dùng là gì? Việc hướng dẫn người tiêu dùng và giúp họ đưa ra các lựa chọn duy lý thật sự để tác động lại lên hệ thống được thiết kế để thu thập dữ liệu của họ là một trong hai cách quan trọng để giúp chúng ta đối phó (cách kia là trông cậy vào hệ thống luật lệ đang ngày càng trở nên chậm chạp của nhà nước).
Thứ nhất, bạn không nên sử dụng các dịch vụ – nền tảng mà bạn không hiểu điều gì sẽ xảy ra với dữ liệu mà bạn sẵn sàng chia sẻ. Nếu bạn thực sự đánh giá cẩn trọng mọi ứng dụng và nền tảng bạn đang sử dụng hiện giờ, rất nhiều trong số đó sẽ không vượt qua được bài trắc nghiệm này.
Thứ hai, bạn cần quan tâm nhiều hơn tới quyền riêng tư của mình: các ứng dụng chặn quảng cáo, các ứng dụng tin nhắn không lưu dấu vết, không cung cấp thông tin địa điểm hiện tại một cách tùy tiện…
Thứ ba, hãy bỏ lá phiếu người dùng của mình, tưởng thưởng cho những công ty có lập trường rõ ràng nói không với mặt trái nền kinh tế theo dõi, bằng tiền của bạn, bằng dữ liệu, hoặc cả hai.
Nhưng theo giới xã hội học, tương lai vẫn là u ám, trong một cuộc chiến không cân sức giữa một bên là quảng đại quần chúng “vô tri” và một bên là nguồn lực và công nghệ tối tân tập trung chỉ ở một số ít đại tập đoàn.
“Với họ (các tập đoàn công nghệ), việc tự động hóa dòng chảy thông tin về chúng ta không còn đủ nữa; mục tiêu bây giờ là tự động hóa chúng ta” – Zuboff nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Anh The Guardian vào tháng 1-2019.
“Những quy trình trên mạng được thiết kế tỉ mỉ để tạo ra sự vô tri bằng cách đi đường vòng qua nhận thức cá nhân và qua đó loại bỏ mọi khả năng tự quyết… Quyền lực định hình hành vi của người khác vì lợi nhuận hay quyền lực này là một quyền lực hoàn toàn tự trao, không hề có cơ sở dân chủ hay pháp lý nào cả. Nó tước bỏ quyền ra quyết định và làm xói mòn quyền tự trị cá nhân vốn là nền tảng để vận hành một xã hội dân chủ. Thông điệp thật rõ ràng: Tôi từng là ‘của tôi’, giờ thì tôi là ‘của họ’”.■
Có một thời chúng ta tìm kiếm Google, giờ thì Google tìm kiếm chúng ta. Có một thời chúng ta nghĩ những gì các nền tảng số cung cấp là miễn phí, giờ thì các nền tảng số nghĩ rằng chúng ta là món hàng miễn phí. Shoshana Zuboff |