Nguyễn Phan Chánh – Người đặt nền móng cho nghệ thuật tranh lụa Việt Nam, thấm đẫm hồn quê
Danh họa Nguyễn Phan Chánh, sinh ngày 21/7/1892 trong một gia đình nhà nho nghèo tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngay từ nhỏ, Nguyễn Phan Chánh được học chữ Nho và nghệ thuật thư pháp. Có năng khiếu và may mắn được thụ giáo thầy vẽ trong huyện, cậu bé Nguyễn Phan Chánh tập vẽ những bức tranh mô phỏng theo các tích truyện Tàu hay tranh dân gian, thủy mặc, rồi đem bán ở chợ quê, giúp mẹ nuôi các em ăn học.
Cuộc sống tuổi thơ vất vả nơi miền quê nghèo không dập tắt ước mơ, mà trái lại, khắc sâu trong tâm trí của Nguyễn Phan Chánh, để rồi sau này trở thành một “nỗi ám ảnh nghệ thuật,” in dấu trong tất cả sáng tác của ông.
Năm 1922, ông vào học và dạy tại Huế. Huế thơ mộng đã bồi đắp cho tâm hồn nghệ sĩ, và cũng từ đây, Nguyễn Phan Chánh đăng ký dự thi vào Trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương-Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay.
Trong số hơn 100 thí sinh của Trung kỳ năm 1925 đi thi, ông là người duy nhất trúng tuyển và trở thành sinh viên khóa đầu của Trường.
Cho đến năm thứ 3, cũng như bạn cùng lớp, Nguyễn Phan Chánh vẫn tập vẽ sơn dầu. Nhưng cái chất đặc sánh, dày cộm, quá vật thể của chất liệu sơn dầu dường như không hợp với tạng chất thanh đạm của ông.
Sang năm học thứ tư, ông thử vẽ màu nước trên nền lụa. Cái thanh nhẹ, mịn màng của chất lụa, cái trong trẻo bay bổng của chất màu nước khiến Nguyễn Phan Chánh như gặp một người bạn tri ân.
Thời gian này, Sở bưu chính Đông Dương mở cuộc thi mẫu tem “ruộng lúa.” Nguyễn Phan Chánh đã gửi tham dự một bức vẽ và đoạt giải. Con tem in bức vẽ “Người đi cấy” đã trở thành một trong những con tem đầu tiên của Việt Nam xuất hiện trên bì thư vào năm 1928.
Năm 1931, 4 tác phẩm tranh lụa đầu tiên của Nguyễn Phan Chánh là “Chơi ô ăn quan,” “Lên đồng,” “Cô gái rửa rau” và “Em bé cho chim ăn” được thầy Hiệu trưởng Victor Tardieu đem đi giới thiệu tại một cuộc triển lãm ở Paris.
Ngay lập tức, tài nghệ của Nguyễn Phan Chánh đã khiến những người am tường nghệ thuật ở “kinh đô ánh sáng” phải kinh ngạc. Lần đầu tiên, người châu Âu biết đến tranh lụa Việt Nam.
Giới phê bình hội họa của Pháp khen ngợi “Nguyễn Phan Chánh đã vẽ với một sự quan sát tinh tế và với một giá trị độc đáo hiếm có những cảnh sinh hoạt hàng ngày của dân chúng.”
Từ Nguyễn Phan Chánh, cách nhìn đầy kỳ thị của người Pháp về nghệ thuật tạo hình của Việt Nam đã được cải thiện. Đây cũng là những tác phẩm đưa Nguyễn Phan Chánh lên vị trí của một họa sĩ vẽ tranh lụa thành công nhất của Việt Nam.
Những bức tranh trên, được các nhà phê bình đánh giá xứng đáng đứng vào hàng những kiệt tác hội họa của thế kỷ, là một mẫu mực về thể loại tranh lụa.
Trong một bài viết in trên tạp chí L’Illustration (số ra ngày 27/6/1931), danh họa Jean Gallotti đã ca ngợi Nguyễn Phan Chánh là “Sự hài hòa của bố cục, đôi khi cái duyên dáng của các khuôn mặt luôn luôn là cái thi vị thấm đậm của đời sống Viễn Đông….”
Quả thật, với kích thước 63x85cm, kiệt tác “Chơi ô ăn quan” tạo cho ta cảm giác nhẹ nhõm trước sự mát, mịn của chất liệu và sự trang nhã của màu sắc, sự hài hòa của bố cục.
Việc tác giả để một nhóm gồm 3 em nhỏ ngồi dồn về một bên, sát vào nhau đã tạo nên một khối hình cân bằng về sáng, tối. Cả ba em này đều hướng cái nhìn về phía bàn tay em bé chia ô quan đã tạo nên sự gắn kết giữa các nhân vật với nhau.
Trên nền lụa mịn màng, tươi mát, với những chiếc khăn mỏ quạ nâu sồng, nếp quần lụa trắng, bốn đứa trẻ chăm chú với trò chơi lặng lẽ của mình.
Nhẹ nhàng, trầm ấm, tác giả gửi tới người xem một thông điệp: Hãy giữ lấy những nét bình dị, trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ, giữ lấy một trò chơi thấm đẫm hồn xưa của dân tộc, giữ lấy sự thanh bình yên ả của hồn người.
Bằng những gam màu nâu, đen, vàng, đỏ,… nghệ thuật sử dụng màu sắc của Nguyễn Phan Chánh khiến người thưởng thức tranh có cảm giác như có sự cựa quậy giữa hình khối của nhân vật với mảng màu nền.
Từ chất liệu lụa, người xem thấy được sự thanh khiết trong tâm hồn tác giả. Đúng như nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân từng viết, “Chơi ô ăn quan” đã tạo ra bước ngoặt cho tranh lụa Việt Nam, nó “thể hiện cô đọng nhất, đầy đủ nhất tâm chất Nguyễn Phan Chánh.”
Nguyễn Phan Chánh – Người dung hòa phương pháp tạo hình phương Tây và họa pháp tranh lụa phương Đông
Trước Nguyễn Phan Chánh, người ta biết tới tranh lụa trong hội họa của người Trung Quốc, người Nhật; trong đó phô bày vẻ đẹp vua chúa đài các, kiêu sa, ước lệ với vẻ tĩnh lặng, kín đáo.
Chỉ tới Nguyễn Phan Chánh, lụa đã thực sự được giải phóng. Ông đã tạo ra một nền nghệ thuật hoàn toàn mới cho lụa. Một nền hội họa trên lụa của Việt Nam và rất Nguyễn Phan Chánh.
Ông được coi là người chiết trung phương pháp tạo hình phương Tây và họa pháp tranh lụa phương Đông. Ông đã tiếp nhận những ảnh hưởng ở nghệ thuật tạo hình phương Tây khi xây dựng tác phẩm của mình, nhưng tinh thần phương Đông vẫn thấm đượm sâu sắc trong tác phẩm nghệ thuật của ông.
Hình tượng những người nông dân mặc áo nâu sồng được ông vẽ ra trong sự phát triển đương đại của dân tộc. Tranh của ông chứa đựng sức sung mãn, biến ảo trong nét, ông rất chú ý đến cách làm dịu tan hình thể trên nền phẳng, tạo sức khái quát cao.
Ông đã vẽ hình ảnh những người đàn ông, phụ nữ, trẻ em đi hái củi, bắt cua, vo gạo, rửa rau, cho chim ăn, đi cày, đi cấy, lên đồng, chơi ô ăn quan…với những tính cách khác nhau. Trong tranh của ông, họ là những nông dân thuần chất nhất.
Nguyễn Phan Chánh yêu mến mảng mầu rất làng quê Việt Nam, gồm nâu, đen, trắng vỏ trứng gà, xám, đỏ, bã trầu… và ông rất khéo làm thay đổi những màu sắc đến độ trông chúng như chuyển động được giữa đối tượng và nền, ngăn bởi những nét buông mảnh và dịu.
Ông sử dụng nét nhuần nhuyễn đến mức nhìn thoáng tranh như không có nét mà chỉ thuần đặt mảng. Ở nhiều tranh, nét vừa như nhập, vừa như tách khỏi mảng, tạo nên một không gian trầm mặc, có sức lôi cuốn, tràn đầy tâm cảm chỉ có thể thấy ở làng quê Việt Nam.
Từ giữa những năm 1950 đến những năm 1970, Nguyễn Phan Chánh sáng tác liên tục với số lượng tranh gấp nhiều lần. Tranh của ông xuất hiện nhiều nhân vật hơn, mầu được nới rộng và sáng hơn, xanh lục tươi, xanh lam, đỏ tươi xuất hiện.
Người nông dân trong tranh của ông được nhìn từ một góc độ mới, một thế giới quan mới, với bút pháp tả thực được trang bị thêm những nguyên lý của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Những tác phẩm giai đoạn sau của ông như “Trăng tỏ,” “Trăng lu,” “Chiều về tắm cho con,” “Sau giờ trực chiến,” “Bát nước giải lao,” “Đi chống hạn,” “Đan mây,” “Bữa cơm mùa thắng lợi”… có sức thuyết phục về nội dung và bố cục.
Từ năm 1973, Nguyễn Phan Chánh tập trung sáng tác các tác phẩm: “Tiên Dung tắm,” “Tiên Dung và Chử Đồng Tử,” “Lội suối,” “Kỳ lưng”… là những tác phẩm lụa đặc biệt xuất sắc giới thiệu vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ với chất quê hồn hậu và gần gũi.
Hình ảnh nàng Tiên Dung trong tranh ông với hình ảnh trong sáng, trinh bạch trong những gam màu nâu quen thuộc bên cạnh những lau lách, phên dậu. Với loạt tranh này, tranh của Nguyễn Phan Chánh trở thành niềm tự hào của nền mỹ thuật Việt Nam.
Nguyễn Phan Chánh – Người họa sỹ có tâm hồn đồng điệu với thơ ca
Không chỉ là một danh họa, Nguyễn Phan Chánh còn là một nhà thơ, một nhà thư pháp được rèn luyện từ nhỏ. Đây cũng là một điều dễ lý giải cho thắc mắc của nhiều người khi thấy trong tất cả các sáng tác của Nguyễn Phan Chánh đều có một bài thơ viết kiểu chữ Thảo rất đẹp bên cạnh.
Thơ, họa và thư pháp luôn song hành cùng nhau, hỗ trợ và tôn lên vẻ đẹp của nhau trong mỗi bức tranh của ông. Trong tranh của Nguyễn Phan Chánh thì hội họa mô tả đề tài của tranh, thi ca nói về tâm sự của người họa sỹ.
Đôi khi, thơ trên tranh của Nguyễn Phan Chánh còn mang một giá trị độc lập, không liên quan nhiều đến nội dung tranh.
Và đây cũng là một phần lý do mà hiện nay, khi thị trường tranh chép, tranh nhái lan tràn trên thị trường, tranh của Nguyễn Phan Chánh, mặc dù rất nổi tiếng, rất được ưa chuộng, vẫn rất ít “được chép,” vì người ta khó theo được cả nét bút bay bướm của họa sỹ trên tranh.
Và cũng chính điều này đã khiến ông được xem là một hiện tượng khá đặc biệt của nền hội họa Việt Nam hiện đại.
Người họa sỹ tài năng Nguyễn Phan Chánh mất vào ngày này cách đây 35 năm, ngày 22/11/1984.
Với những thành tựu trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Phan Chánh được mời tham gia giảng dạy mỹ thuật tại một số trường học như Trường Bưởi và Trường Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội, góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ Việt Nam sau này.
Trong suốt con đường nghệ thuật của mình, họa sỹ Nguyễn Phan Chánh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với số lượng ước khoảng trên 170 tác phẩm.
Ông là người đang giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Trong các họa sỹ tốt nghiệp khóa đầu tiên, theo nhà văn Phan Cẩm Thượng, “chỉ có Nguyễn Phan Chánh vẽ tranh lụa một cách chuyên nghiệp cho đến tận cuối đời và hình thành một phong cách riêng độc đáo.
Các họa sỹ trường Mỹ thuật Đông Dương và các họa sĩ về sau này không dùng màu tự nhiên giống ông nữa, mà dùng thuốc nước (water colour) vẽ trên lụa, sau khi vẽ xong thì dùng hồ và giấy bồi nền sau lưng tấm lụa….”
Với những đóng góp to lớn và mang tính tiên phong của ông trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, năm 1996, ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật./.