Người Việt Nam ở nước ngoài với việc bảo tồn và truyền bá văn hóa dân tộc – GS.TS Trần Ngọc Thêm

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là nhân tố đóng một vai trò rất đặc biệt trong việc bảo tồn truyền bá văn hóa dân tộc. Bài viết này sẽ lần lượt tìm hiểu về vai trò của NVNONN trong hai chức năng ấy, sau đó sẽ điểm qua các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước và những đề xuất của  chúng tôi.

1. Bảo tồn

Mới nhìn, có thể nghĩ rằng chỉ có người Việt trong nước, với sứ mệnh là chủ thể chính, mới có thể bảo tồn tốt văn hóa dân tộc. Song đó là một ngộ nhận. NVNONN cũng có những lợi thế riêng trong việc bảo tồn văn hóa mà người Việt trong nước không có. Ở đây có thể phân biệt hai dạng là bảo tồn thụ động và bảo tồn chủ động.

1.1. Bảo tồn thụ động

Do hoàn cảnh mà người Việt hải ngoại bất đắc dĩ phải sống xa quê, ở ngoài vùng biên của không gian văn hóa Việt Nam. Nhưng chính cái vị trí biên viễn đó lại trở thành một lợi thế bất đắc dĩ trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.

Sở dĩ như vậy là vì văn hóa tuy có tính ổn định cao nhưng cùng với thời gian, không có gì là không biến đổi. Đặt thời gian trong quan hệ với không gian sẽ nổi lên một quy luật là văn hóa của những cộng đồng nằm ở vị trí càng xa trung tâm thì càng chậm biến đổi và do vậy càng được bảo tồn tốt.

Người Việt và người Mường vốn cùng một gốc và mới chỉ tách ra thành hai tộc người độc lập vào khoảng thế kỷ VII sau công nguyên. Chính nhờ vị trí biên mà đến nay, rất nhiều phong tục tập quán, lối sống, ngôn ngữ, v.v. của người Việt trước thế kỷ VII vẫn còn đang được bảo lưu rất tốt trong văn hóa Mường.

Tương tự như vậy, cộng đồng người Việt Nam định cư ở Pháp là nơi lưu giữ rất tốt nhiều nét phong tục tập quán, lối sống, ngôn ngữ, ký ức, v.v. về văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng những năm 40-50 của thế kỷ XX. Cộng đồng người Việt Nam định cư ở Mỹ, Úc… là nơi lưu giữ rất tốt những nét phong tục tập quán, lối sống, ngôn ngữ, ký ức, v.v. về văn hóa miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng trong những năm 60-70. Cộng đồng người Việt Nam định cư ở các nước Đông Âu thuộc khối Xã hội chủ nghĩa cũ là nơi lưu giữ rất tốt những nét phong tục tập quán, lối sống, ngôn ngữ, ký ức, v.v. về văn hóa Việt Nam thời bao cấp.

1.2. Bảo tồn chủ động

Một quy luật thứ hai là con người dù là thuộc bất kỳ dân tộc nào, càng ở xa quê bao nhiêu thì càng đau đáu nhớ về cội nguồn bấy nhiêu, càng chủ động và tự nguyện đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc bấy nhiêu.

Hơn bốn triệu kiều bào sinh sống tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hiểu rõ rằng việc bảo tồn văn hóa dân tộc này là bảo tồn cho chính mình và con cháu mình. Bởi vậy mà người Việt dù sống trong không gian văn hóa nào cũng luôn cố gắng tạo ra một không gian văn hóa riêng mang đậm chất Việt Nam với những giá trị vật chất như áo dài, nón lá; rau muống, dưa cà, canh mồng tơi, đôi khi còn có cả thịt chó, tiết canh, mắm tôm…; những giá trị tinh thần như hoạt động thờ cúng ông bà, tổ chức ngày Tết truyền thống, sinh hoạt dòng họ… Đặc biệt, các cộng đồng người Việt ở nước ngoài đều quan tâm dạy tiếng Việt cho con cháu, hiều rõ rằng tiếng Việt chính là linh hồn của văn hóa Việt. Tiếng Việt luôn được cụ thể hóa qua những câu ca dao, tục ngữ, truyện kể; những làn điệu dân ca, bài hát, những trích đoạn tuồng, chèo, cải lương…

Văn hóa dân tộc không chỉ được bảo tồn chủ động theo cách tổ chức hoạt động, mà còn theo cách tìm hiểu nghiên cứu.

Trước hết phải kể đến đóng góp của giới nghiên cứu văn hóa chuyên nghiệp như giáo sư Kim Định (1915-1997), người đã viết 12 cuốn sách tìm hiểu về văn hóa Việt Nam trong thời gian 22 năm từ sau năm 1975 đến khi mất tại Mỹ (bình luận về đóng góp của Kim Định, xin xem [Trần Ngọc Thêm 2012]); các vị như giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) , giáo sư Lê Thành Khôi, giáo sư Nguyễn Thế Anh ở Pháp trong lĩnh vực sử học; giáo sư Nguyễn Đình Hoà (1924-2000), giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch (1921-2003), giáo sư Trần Ngọc Ninh ở Mỹ trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn chương. Ở California (Mỹ), giới nghiên cứu còn thành lập cả một Viện Việt học để nghiên cứu, quảng bá và giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.

Đáng nói hơn là trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có một số lượng lớn những người quan tâm nghiên cứu văn hóa Việt Nam theo kiểu nghiệp dư. So với trong nước, lực lượng nghiên cứu văn hóa nghiệp dư này ở nước ngoài đông đảo hơn nhiều, chính là bởi do họ ở xa quê nên trong tâm thức đau đáu nhớ về cội nguồn, họ đã chủ động và tự nguyện đem hết thời gian rảnh rỗi và bỏ thêm không ít tiền của đóng góp vào tìm hiểu nghiên cứu văn hóa dân tộc. Số lượng công trình loại này khá nhiều, ở đây chỉ xin đơn cử làm ví dụ một số tác phẩm như: “Nền tảng văn hóa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh” là luận án Tiến sỹ của giáo sư vật lý Lê Văn Hóa làm việc tại Đại học Y khoa Chicago (Nxb Hà Nội, 1996, 390 tr., in lần 2); “Khai quật kho tàng cổ sử Hùng Việt” của bác sĩ Nguyễn Xuân Quang ở Mỹ (Anaheim, Y học thường thức xb, 1999, 617 tr); “Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học” của luật sư Cung Đình Thanh ở Úc (Sydney, Nxb Tư tưởng, 2003, 627 tr.); tập sách “Đạo sống Việt” của nhóm Việt Thường ở Mỹ (Houston, 2000, 514 tr.), bộ “Từ điển Tiếng Huế” 2 tập dày 1.000 trang của bác sĩ Bùi Minh Đức ở Mỹ (Tp. HCM, NXB Văn Học, 2004), v.v.

2. Truyền bá

2.0. Nói đến truyền bá là nói đến việc đưa văn hóa Việt Nam giới thiệu ra thế giới. NVNONN – cả nhóm sống định cư lẫn nhóm sống có thời hạn – có bốn lợi thế rất lớn trong việc truyền bá văn hóa mà cộng đồng người Việt ở trong nước không thể nào có được:

(1) Thứ nhất là NVNONN hiểu rõ hơn người trong nước về những nhu cầu, cách nghĩ của người nước ngoài sở tại để có thể lựa chọn “thực đơn” văn hóa và cách thức truyền bá văn hóa phù hợp nhất;

(2) Thứ hai là NVNONN rất giỏi về ngôn ngữ của nước sở tại để có thể diễn đạt chính xác nội dung văn hóa, thường là rất phức tạp, cần truyền bá;

(3) Thứ ba là NVNONN có tư cách khách quan hơn, và do vậy, trong nhiều trường hợp được xem là đáng tin cậy hơn, trong việc giới thiệu và truyền bá văn hóa dân tộc; một số người đảm trách những công việc rất thuận tiện cho việc truyền bá văn hóa dân tộc;

(4) Thứ tư là NVNONN không chỉ truyền bá mà luôn có thể có điều kiện để đối thoại, giải đáp mọi thắc mắc của người nước ngoài sở tại, khiến cho việc truyền bá văn hóa trở nên có hiệu quả cao.

2.1. Truyền bá chủ động

Có rất nhiều học giả là người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Giáo sư Trần Văn Khê với tư cách là thành viên của Hội đồng âm nhạc quốc tế thuộc UNESCO, Hội đồng quốc tế âm nhạc truyền thống, Hội đồng quốc tế giáo dục âm nhạc, Hội đồng quốc tế nghiên cứu âm nhạc, v.v. đã có điều kiện giới thiệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam trên khắp thế giới thông qua các bài viết, bài giảng, đĩa hát, đĩa CD do ông thực hiện. Ông là người được UNESCO giao nhiệm vụ tham gia đánh giá hồ sơ về Nhã nhạc Cung đình Huế và Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên (lần lượt được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003 và 2005), hồ sơ về Ca trù được công nhận là Di sản truyền khẩu và phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2009.

Giáo sư Trần Văn Khê có kể lại rằng vào năm 1964, ông được mời tham dự một buổi sinh hoạt thường lệ do Hội Truyền bá thơ Tanka Nhật Bản tổ chức tại Paris. Diễn giả hôm đó đã mở đầu bài thuyết trình của mình bằng câu: “Tôi là thủy sư đề đốc, đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang Nhật Bản, chỉ trong vòng một – hai năm, tôi đã thấy cả một rừng văn học, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp”. Cuối buổi họp, GS Khê đứng dậy đặt câu hỏi: “Thưa ngài, chẳng biết khi ngài qua nước Việt, ngài chơi với ai mà ngài không biết một áng văn nào của Việt Nam?… Phải chi ngài chơi với ông giáo sư Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục mà giáo sư [này] đã in ra trong Tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient) số 1-1934, một thư mục gồm có trên 1.500 sách báo về văn chương Việt Nam. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand, thì hẳn ngài đã có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông Durand đã cất công sưu tập… Nếu ngài làm bạn với những người như vậy, ngài sẽ biết rằng, nước tôi không phải chỉ có một áng văn mà hàng ngàn áng văn kiệt tác”. Nghe xong, ông thủy sư đề đốc đỏ mặt, đến trước mặt giáo sư Khê cúi đầu xin lỗi [Trần Văn Khê 2007]. Trong những tình huống như vậy, nếu không có những người Việt Nam ở nước ngoài đứng ra bảo vệ, giải thích và truyền bá thì văn hóa Việt Nam đã thiệt thòi biết bao nhiêu!

Một nhà nghiên cứu âm nhạc lớp sau là GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong, tốt nghiệp tiến sĩ dân tộc học âm nhạc tại Paris năm 1984, rồi sang Mỹ giảng dạy âm nhạc châu Á ở hơn 20 trường đại học, là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia Mỹ, nhờ những nỗ lực đưa âm nhạc Việt Nam trở thành một phần di sản văn hóa Mỹ mà đã được Chính phủ Mỹ vinh danh là Tài sản quốc gia của nước Mỹ [Tiền Phong 2009].

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích ở đại học Georgetown, là chuyên gia về văn học – văn hoá Việt Nam và về giáo dục song ngữ. Ông đã được Tổng thống George Bush chỉ định vào chức Phó, rồi Quyền Tổng giám đốc Giáo dục Song ngữ trên toàn nước Mỹ giai đoạn 1991-1993. Là một dịch giả có uy tín, ông đã có công dịch và giới thiệu nhiều tác giả thơ ca cổ điển Việt Nam như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều; cuốn sách “A Thousand Years of Vietnamese Poetry” (Một nghìn năm thi ca Việt Nam, Knopf, 1975) là một tác phẩm có giá trị [Viện Việt học 2011].

Mấy chục năm gần đây, dòng phim do các đạo diễn Việt kiều được đào tạo một cách bài bản thực hiện, với các cảnh quay đẹp, kỹ thuật dàn dựng công phu, âm thanh chuẩn mực, đã góp phần rất quan trọng trong việc đưa văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới. Thuộc dòng này, có thể kể đến các bộ phim nổi tiếng như: “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng sản xuất năm 1993, đoạt Giải Camera Vàng cho phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes (Pháp); “Xích lô” của cùng tác giả, sản xuất năm 1995, đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venezia (Ý); “Ba mùa” của đạo diễn Tony Bùi, sản xuất năm 1999, đoạt Giải thưởng lớn (Grant Prize) tại Liên hoan phim quốc tế Sundance (Mỹ); “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh – một tiến sĩ vật lý tại Mỹ, sản xuất năm 2003, đoạt bốn giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế, trong đó có Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Amiens (Pháp); “Thời xa vắng” của đạo diễn Hồ Quang Minh, sản xuất năm 2004, đoạt Giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế tại Singapore, giải Âm thanh tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải; “Áo lụa Hà Đông” của đạo diễn Lưu Huỳnh, sản xuất năm 2006, đoạt Giải thưởng do khán giả bình chọn tại Liên hoan phim quốc tế Pusan (Hàn Quốc), giải Cánh diều vàng (Việt Nam) hạng mục phim truyện nhựa xuất sắc nhất; “Dòng máu anh hùng” của đạo diễn Charlie Nguyễn, sản xuất năm 2007, đoạt Giải khán giả tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế, Giải thưởng lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Visual Communications (Los Angeles). Năm nay, đáng chú ý có bộ phim tài liệu “Chợ tình” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Phillipe Rostan dự tranh giải “Xích lô vàng” tại Liên hoan phim châu Á Vesoul 2012 (Pháp).

Không chỉ giới thiệu văn hoá nghệ thuật Việt Nam ra thế giới, người Việt Nam ở nước ngoài còn thành công trong việc đưa văn hoá vật chất, trong đó đáng kể nhất là văn hoá ẩm thực của Việt Nam ra thế giới. “Phở Hòa” hình thành ở Sài Gòn (260C Pasteur) từ thập niên 60-70, đã đăng ký thương hiệu ở Mỹ và phát triển thành một hệ thống lan tỏa khắp thế giới. Bên cạnh Phở Hoà, món phở Việt Nam truyền thống với hàng loạt tên gọi khác như Phở Bảy, Sài Gòn, Little Sài Gòn, Little Hà Nội, Hoa Sen, Hòa Bình, Xích Lô, Áo Dài… xuất hiện ở khắp các thành phố trên thế giới. Thủ đô Manila của Philippines có ít nhất 16 quán phở, trong đó riêng mạng lưới Phở Hòa đã có 11 nhà hàng. Tại Seoul (Hàn Quốc), mạng lưới Phở Hoà hiện đã có 24 tiệm, có giá gấp đôi một bữa ăn bình dân và được người Hàn Quốc rất yêu thích. Ở một thành phố vệ tinh của Seoul là Ansan còn có cả tiệm “Phở Việt Nam truyền thống” của một người Thái Lan [Quang Thi 2007].

2.2. Truyền bá thụ động

Bên cạnh những nỗ lực truyền bá văn hóa Việt Nam một cách chủ động, thì bản thân những con người Việt Nam ở nước ngoài đã là những vật mang văn hóa dân tộc, bởi vậy mà mọi công việc, hành động, cùng sự thành đạt của họ chính là cách truyền bá giới thiệu hình ảnh con người và văn hoá Việt Nam một cách trực quan nhất, mang lại hiệu quả có sức thuyết phục nhất.

Trong lĩnh vực chính trị, có ông Philipp Roesler 38 tuổi, người Đức gốc Việt (sinh tại Khánh Hưng, Sóc Trăng), tháng 5-2011 đã được bầu làm chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (FDP) và giữ chức Phó thủ tướng Đức [VTC News 2011]. Ở Mỹ có luật sư Joseph Cao là người Việt Nam đầu tiên đắc cử nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ, đại diện cho vùng New Orleans, bang Lousiana, được báo chí Mỹ đánh giá là ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa [VietNamNet 20].

Trong lĩnh vực khoa học, ước tính có khoảng trên 300 nghìn NVNONN có trình độ từ đại học trở lên. Trong đó có hơn sáu nghìn tiến sĩ và hàng trăm trí thức có tên tuổi được đánh giá cao, nhiều người đã nắm giữ những vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty và các tổ chức quốc tế. Riêng tại Mỹ số trí thức ước tính đã tới khoảng 150 nghìn người. Riêng ở Cục Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia (NASA = National Aeronautics and Space Administration), đã có chừng 200 nhà khoa học người Mỹ gốc Việt làm việc [Trần Trọng Đăng Đàn 1997: 125]. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt đã nhận giải Kalinga của UNESCO năm 2011 về công lao phổ biến khoa học.

Trong lĩnh vực công nghệ, Phó Chủ tịch phụ trách nhóm điều hành kinh doanh toàn cầu của tập đoàn máy tính IBM hiện nay là ông Dzung T. Bùi (Bùi Tiến Dũng), người Mỹ gốc Việt [VTC News 2011]. Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Yahoo! toàn cầu hiện nay là ông Lương Vĩnh Tước quê ở Vĩnh Long [Tuổi Trẻ 2008]. Ông Nguyễn Văn Sơn sinh ở Sài Gòn, làm cho hãng máy tính IBM từ năm 1981 đến nay đã có trên 100 phát minh, 44 bằng sáng chế và đã giành được 12 giải thưởng của IBM, trong đó có bằng sáng chế về bộ nhớ máy tính đem về cho IBM hàng chục triệu đô la lợi nhuận [Tiền Phong 2008].

Trong lĩnh vực truyền thông, có nhiều gương mặt sáng giá là phụ nữ gốc Việt. Thúy Vũ là nữ phóng viên gốc Việt của Đài truyền hình CBS, từng đoạt giải Nữ phóng viên phát thanh và truyền hình xuất sắc nhất, được độc giả tuần báo châu Á (Asia Week) bình chọn là Phóng viên truyền hình người Mỹ gốc Á được yêu thích nhất [Dân trí 2008]. Betty Nguyễn là nữ phóng viên gốc Việt của Hãng truyền thông CNN, chuyên dẫn các sự kiện quan trọng, được mệnh danh là người của những điểm nóng. Năm 2007, cô được gaio làm giám đốc một chương trình tin tức phủ sóng khắp nước Mỹ; năm 2008 tạp chí Maxim bầu chọn cô là một trong 10 giám đốc chương trình truyền hình “hot” nhất tại Mỹ. Sau 6 năm làm việc tại CNN, Betty chuyển sang làm việc tại Đài CBS, năm 2011, báo The Huffington Post bình chọn Betty Nguyễn là một trong 10 “phóng viên và người dẫn chương trình phong cách nhất” [Hoàng Đình 2012]. Leyna Nguyễn sinh năm 1969, từng là hoa hậu người Mỹ gốc Á (Miss Asia) năm 1987, là người dẫn chương trình thời sự và phóng viên truyền hình tại Los Angeles (California), năm 2000 cô được bình chọn là một trong 25 người Mỹ gốc Việt có ảnh hưởng nhất tại Mỹ; với những đóng góp trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và cộng đồng, năm 2011 cô được Nghị viện bang California trao tặng giải thưởng “Phụ nữ của năm 2011” (Woman of the Year 2011) [vi.wikipedia.org/wiki/Leyna_Nguyễn]. Cô Natalie Trần ở Úc (tên Việt là Trần Đình Tố Hân), sinh năm 1987, nhiều năm qua được thế giới biết đến nhờ hàng trăm đoạn phim video do cô sản xuất và chia sẻ trên YouTube. Đến nay, những đoạn phim của cô đã thu hút số lượt người xem kỷ lục là hơn 320 triệu lượt người. Cô được báo chí Úc mệnh danh là “Nữ hoàng YouTube” (Queen of YouTube) [Huy Ngọc 20].

Báo chí nước ngoài từng nhiều lần ca ngợi tài năng thần đồng của các em học sinh gốc Việt. Gần đây, vào năm 2011, cậu bé người Mỹ gốc Việt 12 tuổi Nguyễn Tường Khang vừa được Trường đại học ở bang Virginia mời làm giáo viên thỉnh giảng về môn thuyết trình hùng biện mỗi tuần 4 giờ. Còn cô bé người Australia gốc Việt 6 tuổi Jacquelyn Ngô được đánh giá là thần đồng hội họa nhí qua những cuộc triển lãm tranh cá nhân tại Liverpool và Sydney và đang được các nhà phê bình mỹ thuật quốc tế đặt rất nhiều kỳ vọng [VTC News 2011].

3. Các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước và đề xuất

3.1. Trở lên, bài viết này đã chỉ ra những khả năng và cách thức mà cộng đồng NVNONN đã tham gia đóng góp trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc và thực hiện xuất sắc sứ mệnh là người đại sứ nhân dân, làm cây cầu nối không thể thay thế được trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng thế giới. Phần lớn các cộng đồng và cá nhân NVNONN thành đạt có lẽ đều hiểu rõ rằng nguồn mạch văn hóa Việt Nam không chỉ là động lực tinh thần tiếp sức cho họ nơi đất khách, mà còn là nguồn sức mạnh đặc thù tạo nên cái thế riêng giúp họ giao lưu và hội nhập có hiệu quả với nền văn hóa sở tại. Bởi vậy, làm tốt việc bảo tồn và truyền bá văn hóa dân tộc chính là cách tốt nhất để củng cố và nâng cao địa vị của chính mình.

Để hỗ trợ cho cộng đồng NVNONN bảo tồn văn hóa dân tộc, hiện có thể quan sát thấy ba loại hoạt động nổi bật. Thứ nhất là hoạt động truyền thông với kênh Truyền hình đối ngoại VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam và chương trình phát thanh “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” của Đài tiếng nói Việt Nam. Thứ hai là hoạt động hỗ trợ dạy và học tiếng Việt với đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho NVNONN” do Bộ Giáo dục – Đào tạo chủ trì thực hiện từ năm 2005 với kinh phí 60 tỷ đồng, và đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với NVNONN từ nay đến năm 2020” của Ủy ban Nhà nước về NVNONN. Thứ ba là các hoạt động về nguồn có tính thường niên chủ yếu do Quỹ Hỗ trợ, vận động cộng đồng NVNONN (thành lập năm 2002, thuộc Uỷ ban Nhà nước về NVNONN) tổ chức như Trại hè Việt Nam dành cho thanh niên, sinh viên NVNONN; các chuyến kiều bào tiêu biểu về thăm đất nước nhân các sự kiện quan trọng như Tết cổ truyền dân tộc, Giỗ Tổ, các ngày lễ lớn… [Nguyễn Hà Linh 2012; Vũ Hoàng Anh 2012].

Để hỗ trợ cho cộng đồng NVNONN truyền bá văn hóa dân tộc, hiện có thể quan sát thấy ba loại hoạt động nổi bật. Thứ nhất là việc tổ chức các đoàn nghệ thuật đi giao lưu, biểu diễn tại những địa bàn có đông kiều bào sinh sống như Bắc Mỹ, Châu Âu, Thái Lan… Thứ hai là việc tổ chức các “Tuần lễ Văn hóa”, chương trình “Duyên dáng Việt Nam”, phối hợp với nước sở tại tổ chức các Lễ hội văn hóa Việt Nam, “Ngày Văn hóa Việt Nam”… Thứ ba là việc thành lập các trung tâm văn hoá Việt Nam tại các nước (đến nay mới có hai trung tâm tại Viêng Chăn (Lào) và tại Paris (Pháp) do Bộ VHTTDL quản lý) [Nguyễn Hà Linh 2012; T.H. 2012].

3.2. Sáu loại hoạt động kể trên do Nhà nước thực hiện là cần thiết, song phần lớn thiên về những hoạt động mang tính bị động và nhất thời (kể cả các hoạt động mang tính thường niên như trại hè hay ngày văn hóa / tuần văn hóa), do vậy hiệu quả không cao. Thuộc loại hoạt động thường xuyên chỉ có hoạt động truyền thông phục vụ chủ yếu cho bảo tồn, hoạt động thành lập các trung tâm văn hoá phục vụ chủ yếu cho truyền bá, song còn quá yếu.

Để tăng cường tính chủ động và tính hiệu quả trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc trong cộng đồng NVNONN và cùng với họ truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, chúng tôi đề xuất năm biện pháp mang tính thường xuyên sau đây:

(1) Cần sớm thành lập hệ thống các Nhà văn hóa Việt Nam có tầm vóc tại các nước và vùng lãnh thổ có đông NVNONN cư trú; tổ chức này phải vừa có chức năng xúc tiến trao đổi ngôn ngữ và văn hoá theo mô hình như Viện trao đổi văn hoá Pháp, Hội đồng Anh, hay Học viện Goethe của Đức, Học viện Khổng Tử của Trung Quốc, vừa là nơi hội tụ trí tuệ và tình cảm của NVNONN;

(2) Cần thành lập một dạng “tạp chí DVD” chuyên sưu tập các chương trình TV, các phim tài liệu, phóng sự giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, v.v.  mỗi quý ra một số, cung cấp định kỳ cho các loại đối tượng như  ngành Việt Nam học của các trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài; các tổ chức, của NVNONN; các tổ chức ngoại giao, lưu học sinh, lao động xuất khẩu, v.v.

(3) Đồng thời, quảng bá rộng rãi ra bên ngoài các ấn phẩm văn hóa Việt Nam có giá trị cao và tăng cường xuất bản các ấn phẩm văn hóa Việt Nam bằng tiếng nước ngoài để vừa quảng bá cho bạn bè quốc tế, vừa giúp các thế hệ trẻ kiều bào có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với văn hóa Việt Nam;

(4) Nên lập một giải thưởng (có thể là 2 năm một lần) dành cho các tập thể và cá nhân kiều bào có đóng góp lớn trong việc bảo tồn văn hóa Việt Nam và tiếng Việt, những công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa Việt Nam của giới trí thức kiều bào;

(5) Nên có hình thức tập hợp và khai thác trí tuệ của kiều bào đóng góp cho đất nước trong những vụ việc quan trọng như vấn đề biển Đông (tạp chí “Thời Đại Mới” đã công bố nhiều bài viết rất có giá trị của các trí thức Việt kiều trong các số 11 (tháng 7-2007), 18 (tháng 3-2010), 19 (tháng 7-2010), 20 (tháng 11-2010); tiềm năng của đội ngũ trí thức NVONN còn rất lớn chưa được tận dụng khai thác). Về hướng hoạt động này, Trung Quốc đã làm tốt hơn ta rất nhiều.

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm