Thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng: ”Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước” đòi hỏi phải có những giải pháp đấu tranh đồng bộ cả trên thực địa, cả trong lĩnh vực chính trị, pháp lý, ngoại giao để tránh xung đột vũ trang hoặc chiến tranh.
Trong đó, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển, đảo của Việt Nam bằng các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, và các chuyên gia nguyên cứu về biển Đông đã có những đóng góp tích cực trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ Quốc trên mặt trận pháp lý.
Nhà sử học Hoàng Sa-Trường Sa
Một trong những nhà nghiên cứu về Hoàng Sa-Trường Sa là tiến sỹ Nguyễn Nhã sinh ngày 14/3/1939 tại Ninh Bình, với những đóng góp bền bỉ suốt hơn 50 năm, ông được mệnh danh là ”người chép sử về Biển Đông.”
Nguyên là một nhà giáo, ngay từ những năm trước năm 1975, ông đã có những bài khảo cứu về Hoàng Sa và Trường Sa công bố trên tập san Sử Địa ở Sài Gòn. Sau 1975, ông vẫn miệt mài và thầm lặng nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một trong những thành quả khảo cứu đó là quyển sách ”Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” do Nhà xuất bản Giáo Dục phát hành vào năm 2013. Cuốn sách khảo cứu đó nhận được đánh giá rất cao từ giới sử học ”cung đình” và giới sử học chuyên nghiệp.
Cố giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, viết rằng ”đây là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, dựa trên những tư liệu phong phú, chứng cứ và lập luận rất khách quan. Tôi tin rằng cuốn sách sẽ đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tôi cũng hy vọng từ cuốn sách này, nội dung về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa sẽ được đưa vào trong sách giáo khoa lịch sử các trường phổ thông.”
Thời còn là Chủ Nhiệm kiêm Chủ bút Tập san Sử Địa tại Đại học Sư Phạm Sài Gòn trước 1975, ông đã ấn hành ”Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa,” được đánh giá là một tài liệu rất có giá trị. Năm 2003, ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ sử học ”Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.” Luận án này hệ thống hóa nhiều bằng chứng lịch sử minh xác chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng biển đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc và một số quốc gia khác trong khu vực.
Chia sẻ về những công trình nghiên cứu Biển Đông của bản thân từ năm 1975 đến nay, tiến sỹ Nguyễn Nhã cho biết, từ năm 1974 khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, trên cương Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tập San Sử Địa, ông đã quyết định ra số đặc biệt về Hòang Sa để tìm sự thật lịch sử chủ quyền, trong đó riêng ông viết tới bốn bài.
Năm 1988 khi trung Quốc dùng vũ lực chiếm các bãi đá như Gạc Ma ở Trường Sa, tiến sỹ Nguyễn Nhã quyết theo học nghiên cứu sinh để làm luận án tiến sỹ về ”Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trưòng Sa.” Luận văn được công bố rộng rãi năm 2000, tạo tiếng vang lớn trong giới học giả Việt Nam và quốc tế, đưa ra những sử liệu xác tín về quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo tiền tiêu này.
Tiếp đó ông đã dành nhiều năm đầu tư hoàn thành ba cuốn sách: ”Hoàng Sa và Trường Sa, Mảnh Đất Thiêng của Việt Nam”, cuốn ”Chủ Quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” và cuốn ”Những Bằng Chứng về Chủ Quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.” Hiện cuốn cuối cùng đã được nhà xuất bản giáo dục ấn hành năm 2013 và đã tái bản nhiều lần.
Ngoài các công trình nghiên cứu đồ sộ rất có giá trị về Biển Đông ông còn tham dự nhiều hội thảo quốc tế về biển Đông do Học viện Ngoại giao cùng với Luật gia Việt Nam tổ chức và tham gia rất nhiều hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Sử học Thừa Thiên-Huế, một số trường đại học như Đại học Phạm Văn Đồng ở Quảng Ngãi, Đại học Đà Nẵng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cùng Hội Nghiên Cứu và Phát triển Kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Tiến sỹ Nguyễn Nhã cũng từng dự hàng chục hội thảo quốc tế được tổ chức tại Mỹ, Canada, Australia, các nước châu Âu như Pháp, Séc, Đức… Ấn tượng nhất đối với ông là tại hội thảo tổ chức trường Đại học Harvard năm 2012 và trường Đại học New South Wales ở Australia năm 2013.
Tại các cuộc hội thảo này, ông đã có những đóng góp mới gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu về Biển Đông. Ông đi sâu nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử dẫn tới đến sự tranh chấp ở Biển Đông hay tập trung vào phản bác những luận điểm về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước luận điểm năm 1909 Chính quyền Quảng Đông cho Paracel là đất vô chủ, ông đã công bố nhiều cứ liệu cho thấy từ đầu thế kỷ 17 các chúa Nguyễn đã thành lập Đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải đi khai thác các sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Tiến sỹ Nguyễn Nhã cho biết đến năm 1816 triều Nguyễn bắt đầu cho thủy quân đi đo đạc, vẽ bản đồ, trồng cây, đào giếng, dựng miếu và cho cắm mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông cũng công bố nhiều phát hiện mới về Châu bản, các văn bản nhà nước về chủ quyền của Việt Nam trước năm 1909 khi chính quyền Quảng Đông cho Paracel là đất vô chủ, những phát hiện mới về nhiều bản đồ trước năm 1909 của Phương Tây cũng như của Trung Quốc ghi rõ Paracel là của Việt Nam hay biên giới tận cùng của Trung Quốc là đảo Hải Nam…
Không chỉ là một trong những người tiên phong nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa, tiến sỹ Nguyễn Nhã còn đề xướng nhiều phong trào hướng về biển đảo. Ông giúp cư dân huyện đảo Lý Sơn (quê hương đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải về Trường Sa) làm hồ sơ đề nghị ”Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” cuối tháng Hai âm lịch là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại; tặng bia cho suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đi cắm mốc chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa; trao tặng học bổng khuyến học ”Hoàng Sa học” của Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã cho học sinh phổ thông ở huyện đảo Lý Sơn hoặc cố vấn cho trang web: www. hoangsa.org…
Trong hơn 40 năm tháng nghiên cứu, giảng dạy, ông đã đào tạo được hàng chục nghìn học trò, trong đó có những người hiện đã thành danh và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục trong nước và ngoài nước.
Tiến sỹ Nguyễn Nhã hiện là chủ nhân của Tủ sách Hoàng Sa-Trường Sa đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những tài liệu quý mà ông sưu tầm, nghiên cứu là sự đúc kết của hơn 40 năm trăn trở với một sự thật quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Đó cũng là một minh chứng về lòng yêu nước của một người con đất Việt.
Tiến sỹ Nguyễn Nhã rất mong thế hệ trẻ Việt Nam nhất là tại 28 tỉnh thành Việt Nam hãy khởi nghiệp làm kinh tế biển góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc biển, song luôn luôn có tinh thần ” win- win” cùng thắng như các doanh nghiệp hiện đại trên thế giới. Đồng thời, ông cũng mong tuổi trẻ Việt Nam quảng bá rộng rãi trên thế giới trong đó có thanh niên Trung Quốc biết sự thật lịch sử chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, cùng chung tay xây dựng môi trường hòa bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thạc sỹ trẻ với những công trình nghiên cứu về biển Đông
Thạc sỹ, luật sư Hoàng Việt – giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, được biết đến như một chuyên gia, nhà nghiên cứu nổi danh về biển Đông, đặc biệt, anh là một trong những nhà nghiên cứu Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về Đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu trẻ này chuyên viết và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ đó tìm những biện pháp pháp lý để bảo vệ cũng như góp phần bảo vệ và phát triển chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, rộng hơn nữa là những quyền lợi mà Việt Nam được hưởng trên biển Đông.
Năm 2007 khi Trung quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm để quản lý hai quần đảo Hòang sa và Trường Sa, Hoàng Việt bắt đầu nghiên cứu về Biền Đông. Anh là tác giả của một loạt các công trình nghiên cứu như ”Đi tìm một giải pháp hòa bình hợp công lý cho Biển Đông Nam Á”; ”ASEAN và việc giải quyết tranh chấp biển Đông”; ”Yêu sách đường lưỡi bò trên biển Đông của Trung Quốc – Lịch sử ra đời và các luận điểm pháp lý”…
Ngoài ra, anh còn tham gia biên soạn nhiều cuốn sách, trong đó cùng với tiến sỹ Trần Công Trục biên soạn cuốn “Vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp biển Đông – Lịch sử và các luận điểm pháp lý.”
Luật sư Hoàng Việt tập trung nghiên cứu nhiều trên mặt pháp luật quốc tế cũng như những vấn đề liên quan đến địa chính trị quốc tế, trong đó có việc làm thế nào để Việt Nam có thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia trong bối cảnh thế giới đầy bất định như hiện nay.
Với mục tiêu bác bỏ các luận điểm sai trái của Trung Quốc về cái gọi là chủ quyền của họ trên biển Đông, tìm kiếm một giải pháp công bằng, hợp lý cho các bên trên biển Đông, thạc sỹ Hoàng Việt đã tham gia nhiều hội thảo về Biển Đông trong và ngoài nước. Trên các diễn đàn đó, Hoàng Việt đã thể hiện quan điểm của Việt Nam về Biển Đông với các học giả quốc tế, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh về pháp lý bảo vệ chủ quyển đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặt khác, trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, Hoàng Việt thường xuyên tham gia các cuộc giao lưu, hội thảo về chủ đề Biển Đông tại trường học. Trong các sự kiện đó Hoàng Việt đã có nhiều tham luận, phát biểu có giá trị, góp phần truyền nhiệt huyết cho giới trẻ nghiên cứu về Biển Đông.
Những năm gần đây, các hoạt động hướng về Hoàng Sa, Trường Sa được tổ chức rầm rộ trên phạm vi toàn quốc. Dưới góc độ nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm về Biển Đông, luật sư Hoàng Việt cho rằng, những hoạt động này mới chỉ dừng lại ở việc phát triển theo chiều rộng ít có sự phát triển về chiều sâu.
Điều quan trọng hơn là làm thế nào để tất cả giới trẻ Việt Nam hiểu được bản chất thực sự, vị trí của Việt Nam trong tranh chấp này, diễn biến của tương lai thế giới như thế nào cũng như vai trò của Biển Đông đối với tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam?
Theo Hoàng Việt, khi được tuyên truyền đầy đủ, giới trẻ sẽ có cách hiểu đúng, có những thái độ đúng đắn và chủ động đóng góp. ”Nếu cung cấp thông tin một cách đầy đủ và toàn diện sẽ tạo nên sức mạnh lớn hơn rất nhiều, từ đó giúp cho mọi người hiểu và đoàn kết hơn trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,” Hoàng Việt nhấn mạnh./.