Sơn mài Hạ Thái

Công đoạn dát bạc đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và khéo léo. Ảnh: Phương Linh
Nghề thủ công truyền thống sơn lên vật dụng ở làng Hạ Thái, Thường Tín, Hà Nội có từ thế kỷ XVII. Đến khoảng năm 1930, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) đã tìm tòi, phát hiện kỹ thuật sơn mài và ngay lập tức được các nghệ nhân trong làng ứng dụng làm đẹp hơn cho những sản phẩm của mình. Sơn mài Hạ Thái là một sản phẩm tiêu biểu của chương trình OCOP trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Đến nay, làng nghề càng ngày càng phát triển do nhu cầu sử dụng những sản phẩm tinh xảo của thị trường trong nước và quốc tế. Hiệp hội Sơn mài Hạ Thái cũng được thành lập với 125 hội viên. Tính chung cả làng nghề Hạ Thái có 800 hộ dân, trong đó có tới gần 90% hộ dân làm nghề sơn mài với khoảng 1.600 lao động và hàng ngàn lao động vệ tinh tại các làng lân cận. Mỗi năm, Hạ Thái sản xuất hàng triệu sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao, mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.


Công đoạn bọc vải voan để tiến hành vào sơn. Ảnh: Phương LInh

Công đoạn dát bạc cho sản phẩm phải được thực hiện tỉ mỉ ở trong phòng kín gió. Ảnh: Phương LInh


Người thợ sơn mài Hạ Thái thực hiện công đoạn đánh bóng lớp sơn cho sản phẩm. Ảnh: Phương LInh

Sau khi sản phẩm được dát bạc thì sẽ được kiểm tra và căn chỉnh lại kỹ lưỡng. Ảnh: Phương LInh

Làng Hạ Thái hiện còn rất nổi tiếng với những sản phẩm tượng sơn mài với kích cỡ lớn. Ảnh: Phương LInh

Làng Hạ Thái hiện có nhiều cửa hàng lớn nhằm giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Ảnh: Phương Linh

Nhờ quá trình tìm tòi sáng tạo của nhiều họa sĩ, bảng màu của sơn mài làng Hạ Thái ngày nay đã phong phú hơn. Màu của sơn mài lộng lẫy mà đằm thắm, ẩn hiện lớp lớp tầng tầng. Các sản phẩm sơn mài với những hình dáng thanh thoát, những mẫu vẽ đậm đà sắc thái dân tộc như: bến nước cây đa, con đò lá trúc, vịnh Hạ Long, chùa Một Cột… được khách nước ngoài ưa chuộng.

Đặc biệt, người Hạ Thái có một kỹ năng đó là biết sử dụng cách khắc trên sơn để tạo ra những đường nét mềm mại, uyển chuyển, sinh động.

Công nghệ sơn mài chỉ có nguyên lý chung, nhưng khác biệt của làng sơn mài Hạ Thái chính là kinh nghiệm, kỹ thuật của từng cá nhân, từng gia đình, cũng như nó được ứng dụng  kỹ thuật này vào các sản phẩm truyền thống của Việt Nam.

Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống ông cha để lại,  những nghệ nhân làng sơn mài Hạ Thái càng ngày càng phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau là nâng tầm giá trị cho sản phẩm của mình./.

Các sản phẩm sơn mài Hạ Thái:

Bài và ảnh: Phương Linh