Thay vì đổ lỗi cho Big C, hàng Made in Vietnam ta hãy tự vấn mình

Đại diện các doanh nghiệp may mặc Việt Nam phản đối việc ngưng nhận hàng của Big C. Ảnh: baodautu
Hiệu Minh
Thứ Sáu,  12/7/2019, 09:37 

(TBKTSG) – Vụ siêu thị Big C tạm ngưng nhập hàng may mặc của các doanh nghiệp Việt Nam đã gây bão, Chính phủ vào cuộc, dân chúng đòi tẩy chay. Nhưng có ai trong người Việt chúng ta tự hỏi vì sao nên nỗi?

Nhớ thời bao cấp với hàng hóa tem phiếu, cái gì mậu dịch bán ra cũng quý như vàng, từ thếp giấy tới cái bút chì, bánh xà phòng đen ngòm…, chưa kịp lên kệ đã hết bay, nói chi quần áo bán sẵn như bây giờ vì vải mỗi người chỉ được 3-4 mét/năm. Những cái bát sứ méo mó của Hải Dương không có mà ăn, mua bên ngoài thì đắt khủng, chất lượng nội địa nhưng giá như ngoại nhập. Cầu cao hơn cung nên chả cần kêu gọi người Việt dùng hàng Việt.

Đổi mới, toàn cầu hóa, hội nhập, bức tranh trên thay đổi. Hàng hóa thừa mứa, hàng Việt Nam không phải ở ngôi thứ hạng cao nên nhiều doanh nghiệp ngoắc ngoải. Khó mà tìm được sứ Hải Dương hay dệt kim Đông Xuân, ka ki Nam Định, bắt mắt trong siêu thị.

Người viết quen anh Christopher Dinh chuyên làm phim ngắn cho nhiều hãng truyền hình quốc tế như anh quảng cáo “Chất lượng ngoại, giá nội”. Nói là làm và anh không hết việc thật, lúc nào cũng quay quay như máy chiếu phim. Hàng hóa Việt Nam làm được như thế thì Big C, Fivimart, Vinmart hay Metro tới van nài xin bán hộ.

Vụ siêu thị Big C tạm ngưng nhập hàng may mặc của các doanh nghiệp Việt Nam gây ra bão mạng. Chuyện phân biệt đối xử với người thì đáng lôi pháp luật ra trị vì mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Hàng hóa cũng được bình đẳng nhưng là do người tiêu dùng quyết định và người bán phải lựa sao cho lợi nhuận cao. Đạo đức thường bị quên bên ví túi trái khi họ rút ví túi phải.

Thu nhập dăm ba triệu đồng mỗi tháng, dân chọn hàng Trung Quốc cho rẻ. Hàng Việt giá cao hơn nhưng chắc gì đã 100% hàng Việt. Những người có thu nhập trên 20 triệu/tháng vào siêu thị có mua hàng may mặc Việt Nam hay chỉ nhăm nhăm loại táo, nho nhập ngoại, rượu ngoại, và những gì “Made not in Vietnam”?

Người đẹp, tỉ phú, quan chức vào Big C có mua hàng Việt không? Hay trên người từ trong tới ngoài đều là hàng ngoại?

Hàng Việt ế nên mới bị phân biệt đối xử. Thay vì lên án Big C hay các doanh nghiệp không chịu bán hàng Việt thì nên xem lại hàng Việt Nam có xứng đáng nằm trên kệ hàng, vừa ra đã hết veo như thời bao cấp hay không.

Nếu người giàu, thu nhập hàng tỉ đồng/tháng, vào Big C tìm quần áo Made in Vietnam cho dù Make cho thương hiệu Mỹ hay EU, đảm bảo Big C tự tìm đến doanh nghiệp Việt, chẳng cần tới Bộ Công Thương phải can thiệp với Đại sứ Thái Lan và ông chủ Big C.

Nếu tất cả chúng ta mặc đồ Việt, đeo túi Việt, đi giày Việt… do chất lượng tốt như Made in Japan và giá cả hợp với túi tiền đại đa số dân chúng thì Big C sẽ không phân biệt đối xử với hàng ta.

Dân ta mê hàng Made in Japan nội địa vì hàng nội địa của họ tốt như hàng ngoại và nhiều mặt hàng trong nước còn tốt hơn xuất khẩu. Các nhà sản xuất tôn trọng chính người dân mình thông qua hàng hóa tốt nhất và làm nên thương hiệu Japan cả thế giới tôn trọng.

Mahatma Gandhi là một nhà hiền triết của Ấn Độ và được dân tộc này tôn làm thánh. Ông nói một câu giản dị nhưng có giá trị trường tồn: “Be the change you want to see in the world – Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn được thấy trên thế giới này”.

Gandhi để lại “10 nguyên tắc thay đổi thế giới” theo cách rất riêng của ông.

Hai ví dụ sau có thể áp dụng cho hàng Made in Vietnam:

1. Thay đổi bản thân. “Muốn thế giới thay đổi, mình phải thay đổi trước làm gương. Tính vĩ đại của loài người là khả năng thay đổi bản thân, chứ không phải thay đổi thế giới”. Việt Nam hãy sản xuất hàng chất lượng tuyệt vời như nước Nhật đi.

2. Chính bạn là người chủ! “Không ai có thể làm cho tôi tổn thương, nếu tôi không cho phép”. Khó có ai có thể làm tổn thương hàng hóa Made in Japan.

Thay vì lên án Big C, mỗi chúng ta hãy mua hàng Made in Vietnam và cố giúp cho doanh nghiệp Việt sản xuất hàng hóa “chất lượng ngoại, giá nội” như anh chàng làm phim Christopher Dinh. Còn kiểu hàng hóa “chất lượng nội, giá ngoại” hay “treo đầu dê bán thịt chó” thì “chuyện Big C” sẽ còn dài dài.

Người Việt vào Big C nhớ mua hàng Việt và nhà sản xuất phải nghĩ đó là sự sống còn của doanh nghiệp, cộng với đạo đức kinh doanh, sẽ làm ra hàng hóa tốt cho người Việt. Đó là một thay đổi dẫn tới thay đổi quốc gia. Tẩy chay khi người ta bỏ hàng của nước mình ra khỏi kệ trong siêu thị không giúp cho hàng của mình cải thiện chất lượng.

Thay vì đổ lỗi cho Big C, hàng Made in Vietnam ta hãy tự vấn mình.