Dù đang tất bật với các buổi biểu diễn, dự án “Một triệu bàn tay chạm tới cello” và hai album cello mới phát hành… nhưng tiến sĩ, nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân vẫn dành cho chúng tôi cuộc hẹn trong một buổi chiều đông cuối năm để chia sẻ về tình yêu với âm nhạc cổ điển, về những nốt nhạc thăng trầm trong hành trình 22 năm cùng cây đàn cello.
“Trước và sau khi nghe cô ấy đàn, tôi có hai trạng thái cảm nhận về cô. Trước thì tôi nghĩ cô gái này mỏng manh dễ tổn thương và hay cười; còn sau khi nghe đàn, tôi nghĩ mình đã nhầm, bởi có một sự kiên định và quyết tâm hiếm thấy ở cô. Tôi cảm nhận được cô có một sức mạnh đối lập với vẻ ngoài”, Giáo sư người Rumani, Razvan Suma chia sẻ.
Trở về quê hương để “gieo” tình yêu Cello
Nhìn vóc người nhỏ nhắn, giọng Huế ngọt ngào, không ai nghĩ cô gái trẻ đó lại dám chấp nhận mọi thách thức, nuôi một hoài bão mạnh mẽ – đó là đưa giai điệu tuyệt vời của tiếng đàn cello chinh phục công chúng Việt Nam.
Sau khi hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài “Biểu diễn và phổ biến cello tại Việt Nam” ở Rumani, khác với nhiều nghệ sĩ thường lựa chọn ở lại nước ngoài làm nơi phát triển sự nghiệp thì Đinh Hoài Xuân lại đau đáu trở về quê hương, bởi với cô quê hương là nơi tuyệt diệu nhất. Hoài Xuân trở về và tiếp tục hành trình thường niên do cô sáng lập: Cello Fundamento 4, chật kín khán giả Nhà hát Lớn Hà Nội… Năm 2020, nhiều chương trình bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, nhưng Hoài Xuân vẫn làm được nhiều dự án âm nhạc, đó là: đại sứ hình ảnh cho cuốn sách 800 trang “Beethoven, âm nhạc và cuộc đời”; dự án “Một triệu bàn tay chạm tới cello”; 2 album cello mới phát hành vào những ngày cuối năm…
Đinh Hoài Xuân là con út trong một gia đình đông anh em, bố là bộ đội, mẹ là giáo viên trường làng ở vùng quê Lệ Thủy, Quảng Bình. Hoài Xuân chia sẻ, cô bắt đầu với cello khá muộn, nhưng ngay khi nhìn thấy cây đàn cello, cô đã “phải lòng” dù cho không ít lời gièm pha rằng, cô sẽ không đi đến đâu với cello. Nhưng cô bé ngày đó vẫn miệt mài trong suốt một năm vào mỗi cuối tuần bắt xe đò từ Huế ra Hà Nội học thêm với giáo sư Vũ Hướng, Chủ nhật lại bắt xe đò vào Huế. Rồi cô thi đỗ vào hệ đại học Nhạc viện Hà Nội. Cô phải tự kiếm tiền để trang trải cho việc học nên cuộc sống rất khó khăn. Nhưng càng khó càng phải cố, đằng đẵng gần 15 năm trôi qua, Hoài Xuân không quên được những tháng ngày cơ hàn đó.
Trái ngược với khi ở Việt Nam vừa học vừa làm thì ở Rumani, Hoài Xuân dành trọn vẹn thời gian và hơi thở cho cello. Bốn năm chạm tay vào một trong những cái nôi của nền âm nhạc thế giới đã khiến ngón đàn của Hoài Xuân điêu luyện hơn, sâu hơn. Cô học hỏi được nhiều từ các nghệ sĩ lớn, qua những lần đi biểu diễn ở Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Hy Lạp và các nhà hát ở Rumani. Từng ấy năm tháng lớn lên cùng âm thanh vang dày, ngân, trầm ấm của cello kèm theo sự rung cảm mãnh liệt qua mỗi âm thanh tiếng đàn, cô thấy mình bị ảnh hưởng nhiều từ những âm thanh đó. “Nơi tôi sinh ra là vùng đất nắng gió và cát trắng Quảng Bình. Suốt tuổi thơ lại nghe những giai điệu hò Huế và giọng nói ngọt lịm của người xứ Huế; trưởng thành ở Hà Nội và kết thúc chặng học ở Rumani, toàn bộ con đường đó, thật tâm, nếu dùng mỗi từ mạnh mẽ sẽ không đủ để diễn tả hết…” – Hoài Xuân tâm sự.
Trên con đường đó, mỗi lúc khó khăn, mông lung tìm phương hướng cho mình, cô lại nhớ đến lời bố từng nói: “Con cứ học, cứ đi theo niềm đam mê và cố gắng hết sức mình. Dù có được sản phẩm hay không thì trong quá trình thực hiện mình có trải nghiệm, kinh nghiệm, đấy đã là thành công rồi”. Vì thế, trong khi hầu hết các bạn bè học cello ra thường chọn con đường làm giảng viên hoặc biểu diễn trong dàn nhạc thì cô lại khát khao mang cello từ sân khấu sang trọng đến với đám đông công chúng, làm công tác phổ cập nó. Bởi cô thấy con đường đó có ý nghĩa và bản thân phù hợp là người đi truyền cảm hứng. Chính vì thế, sau này luận văn của Hoài Xuân là “Phổ cập và biểu diễn cello tại Việt Nam”. Nhờ đề tài mới mẻ và mang tính thiết thực cho xã hội nên cô đã giành được học bổng toàn phần của 2 Chính phủ: Việt Nam – Rumani. Luận án này sẽ được in dưới dạng sách với 3 – 4 thứ tiếng.
Hằng năm, Hoài Xuân tổ chức những buổi biểu diễn kết hợp âm nhạc cổ điển với làn điệu dân ca Việt Nam; Đồng thời, thực hiện dự án phổ cập tới các trường từ mầm non đến đại học. “Đây là một khát vọng lớn, nhưng mình sẽ đi từng bước một, từng ngày một, rồi mình cũng sẽ lên một nấc thang nào đó. Hoài Xuân xác định dành cả cuộc đời cống hiến cho mục tiêu này. Giai đoạn khó khăn nhất cũng đã bước đầu vượt qua được…” – Hoài Xuân tâm sự.
Thành công có thể chạm tới được, nếu bạn tận hiến vì nó
Sẽ là cảm giác gai người, những rung cảm rất khác khi bạn nghe Ave Maria hay Hướng về Hà Nội, hay những tình khúc Trịnh Công Sơn qua ngón đàn đã từng tứa máu khổ luyện của cô. Mỗi ngày cô tập luyện ít nhất 4 – 5 tiếng, có ngày 6 – 7 tiếng. Mơ ước của Xuân là được solo với các dàn nhạc giao hưởng uy tín danh tiếng trên thế giới. Bên cạnh đó, cô phát triển chuỗi hòa nhạc Cello fundamento do cô sáng lập và tổ chức ở Việt Nam từ năm 2016 để góp phần nhỏ bé lan toả cây đàn cello cũng như âm nhạc cổ điển tại Việt Nam.
Với dự án này, hằng năm cô sẽ mời các nghệ sĩ nước ngoài về trình diễn cùng các nghệ sĩ Việt. Để làm các chương trình đó, cô từng phải đi vay lãi ngân hàng. “Sổ nợ của tôi ghi chi chít dày đặc ba cuốn… Tất cả được tôi lưu giữ một cách cẩn thận nhất, vừa làm kỷ niệm, vừa là bài học không được phép quên và vừa là minh chứng cho tuổi trẻ liều lĩnh dám nghĩ, dám làm, đi lên bằng nỗ lực không ngừng của chính mình…” – Hoài Xuân chia sẻ. Đến nay, Hoài Xuân đã có 7 lần tổ chức họp báo, từ ra mắt album Khúc phiêu du một đời cho đến 4 buổi hòa nhạc quốc tế.
Có thể nói, hơn 20 năm kể từ ngày “phải lòng” cây đàn cello đến giờ Hoài Xuân vẫn bền bỉ, nhiệt huyết và tràn đầy hy vọng cùng với sự trưởng thành và độ chín của bản thân, cô tin rằng các dự án sẽ lớn lên cùng cô, người trẻ sẽ biết tới vẻ đẹp của cello, của những âm thanh đa sắc và lấp lánh… Và như thế, với nghệ sĩ Hoài Xuân, sống là để trao tặng những món quà lấp lánh, những vẻ đẹp, những ước mơ, khát vọng, chứ không chỉ cho riêng mình. Cô luôn muốn người trẻ thấy, mọi sự thành công đều có thể chạm tới được, nếu bạn tận hiến vì nó…
Khát vọng lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển
Đinh Hoài Xuân trên con đường hướng ra thế giới, không quên gửi gắm khán giả Việt Nam thông điệp với nguồn năng lượng tích cực đến mọi người thông qua âm nhạc cổ điển, kết hợp với những làn điệu dân ca để lan tỏa rộng lớn ở cả Việt Nam và thế giới.
Trước khi sáng lập Cello Fundamento, Hoài Xuân được biết đến với các dự án nhạc nhẹ hóa cello, dẫn lối để nhạc cụ cổ điển này đến gần hơn với công chúng. Đó là MV “Hướng về Hà Nội” (2014), là thành quả làm việc của ekip 130 người trong 10 tháng. Cùng năm đó, cô khiến những người yêu nhạc Trịnh phải ngỡ ngàng với bản phối “Sóng về đâu” trên thanh âm trầm ấm của cello, trả lại vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên của âm nhạc Trịnh Công Sơn… Và ở các Cello Fundamento hằng năm, sau khi trình diễn tác phẩm của các thiên tài âm nhạc cổ điển trên thế giới, bài cuối bao giờ cũng là một tiết mục dân ca Việt Nam như Trống cơm, Lý ngựa ô… chuyển soạn cho các nghệ sĩ tham dự Cello Fundamento biểu diễn, vừa như một món quà đặc biệt dành tặng khán giả Việt Nam, vừa giới thiệu ra bạn bè quốc tế.
Tháng 9/2020, tham dự diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại Huế, TS Cello Đinh Hoài Xuân đã trình bày ý tưởng đưa làn điệu dân ca Huế ra với bạn bè quốc tế bằng việc kết hợp nhạc cụ phương Tây cổ điển cello Huế tại các buổi hòa nhạc trong và ngoài nước. Ví dụ: Lý ngựa ô Huế được phối khí chuyển soạn cho 8 nhạc cụ cello trong hòa nhạc CF3. Dự án “Dân ca Huế trong hoà tấu nhạc cổ điển” này của cô đã đoạt giải Ba. Cô chia sẻ: “Tôi đưa ra dự án với đầy tâm huyết của người con xa quê lâu năm, của người con gái yêu Huế tha thiết và có 12 năm tuổi thơ lớn lên tại Huế. Tôi mong muốn tổ chức thường niên hòa nhạc cổ điển ở Huế, với hình thức biểu diễn kết hợp giữa âm nhạc giao hưởng cổ điển với làn điệu dân ca Huế. Hoà nhạc diễn ra trong 3 năm tới: 2021-CF6, 2022-CF7, 2023-CF8…”.
“Mỗi năm tôi cố gắng thực hiện một chương trình hòa nhạc chất lượng, công phu kỹ càng và gần gũi. 20 năm nữa sẽ là CF26, như thế nó sẽ đi theo, gắn liền với cuộc đời mình. Tôi tin rằng, chỉ vài năm nữa sự lan tỏa của nó sẽ càng lớn, góp phần truyền cảm hứng yêu nhạc cổ điển đến mọi người, giúp nâng cao đời sống âm nhạc tinh thần văn hóa trong cộng đồng, tăng cảm nhận và hiểu biết về âm nhạc cổ điển. Truyền cảm hứng, động viên các tài năng âm nhạc trẻ, kết nối cộng đồng…” – TS Đinh Hoài Xuân chia sẻ./.