TTO – Hơn 20 năm trước, một cô gái trẻ được dự một sự kiện tài chính của khu vực, ở đó không khí thật bận rộn, chuyên nghiệp và sang trọng.
Cô gái ấy giờ đây được xem như là một trong những phụ nữ thuộc lớp đầu tiên của khu vực tham gia lĩnh vực tài chính với vị trí cấp cao. Đó là Trinh Proctor, người Úc gốc Việt, hiện đang làm giám đốc chiến lược một tập đoàn gia đình ở Myanmar.
Đừng bao giờ để suy nghĩ “là phụ nữ” hay “là đàn ông” làm rào cản trong công việc hay ảnh hưởng quyết định nào đó. Bởi sự phân biệt về giới sẽ tự giới hạn cơ hội thành công của một con người
TRINH PROCTOR
Cứ xây dựng thần tượng của mình
“Lúc đó, tôi không cảm thấy tự hào mà buồn. Đúng là có một cảm giác gì đó hơi thất vọng. Một cô gái mới ngoài 20 tuổi, làm việc trong mảng tài chính, mong muốn tìm một người phụ nữ khác có thể làm hình tượng để học hỏi, lấy cảm hứng cho những cô gái trẻ, nhưng tôi chỉ gặp các quý ông” – Trinh Proctor chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Và đó cũng là một trong những lý do để chị quyết định tham gia sâu hơn các hoạt động xã hội sau này, hướng về đối tượng phụ nữ, các bé gái.
“Tôi cũng từng bị mất phương hướng khi bước vào những năm 30 tuổi. Đó không chỉ là vấn đề thể trạng, mà vì mình là một phụ nữ, mình có những giằng xé không muốn an bài “vì bạn là phụ nữ” nhưng lại không biết cần làm gì, đâu là giới hạn của một phụ nữ thành công?
Những người may mắn là người tìm được “thiên thần hộ mệnh” của mình đúng lúc, truyền cho họ cảm hứng để phấn đấu, hoàn thiện con người mình, nhưng không phải ai cũng mạnh mẽ như vậy” – Trinh Proctor nói.
Từng làm việc tại ngân hàng Standard Chartered và có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng chiến lược ngân hàng, quy trình vận hành, quản lý rủi ro cũng như phát triển nguồn nhân lực, Trinh Proctor hiện là bà mẹ của một bé trai kháu khỉnh, luôn giữ được cho mình sự nữ tính, duyên dáng không lẫn vào đâu được mỗi khi xuất hiện.
Có thể nhiều người nghĩ rằng lĩnh vực tài chính khô khan, những con số không dành cho nữ giới, nhưng chị cho rằng những thành công mình đạt được chính là nhờ sự linh hoạt, uyển chuyển của một lãnh đạo nữ.
“Nhiều phụ nữ họ nhận thấy ưu thế của mình là sắc đẹp, điều đó không sao nếu họ biết cân bằng giữa mọi thứ. Nếu một bạn nữ cảm thấy lúng túng trong hiểu rõ con người mình thì hãy tìm lấy một hình tượng muốn theo đuổi. Cô gái nào cũng có giấc mơ riêng của mình” – Trinh Proctor chia sẻ trong một buổi sáng bận rộn ở TP.HCM.
Trong vòng 15 năm qua, chị đã làm việc trên 20 quốc gia trong những cương vị khác nhau để hiểu hơn những vấn đề mà một quốc gia gặp phải.
Ai cũng có thể truyền cảm hứng
Hiện đây là trang tham khảo đáng tin cậy của những vị khách quốc tế khi đến Myanmar, khi giới thiệu khá đầy đủ về các hoạt động văn hóa, xã hội diễn ra ở Myanmar, những nét đặc trưng về ẩm thực, điểm đến du lịch…
Chị nhìn thấy được những nét tương đồng trong quá trình phát triển của Myanmar và VN. Đó là sự bất cập của tốc độ phát triển kinh tế quá nhanh trong khi phát triển xã hội không bắt kịp.
Những thách thức về bình đẳng giới, người trẻ trong thời kỳ hội nhập và về cân bằng giữa phát triển xã hội, tâm lý người dân.
Những thay đổi của làn sóng đầu tư nước ngoài đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, cách sống lẫn thái độ của người trẻ với môi trường mới.
Điều làm chị thích thú và ngạc nhiều là thái độ khá điềm tĩnh của người Myanmar trước những diễn biến nhanh chóng đó. “Có thể tín ngưỡng Phật giáo đã đóng vai trò trong việc giữ bình tâm và biết cách ứng xử với sự thay đổi” – chị lý giải.
Câu chuyện “lột xác” của Singapore luôn được xem như một kinh nghiệm điển hình về sự phát triển thành công của một quốc gia trong thế kỷ 20.
Phát triển kinh tế phải luôn đi kèm chính sách xã hội hiệu quả, tăng trưởng kinh tế nhưng các chỉ số xã hội khác như tuổi thọ trung bình, giáo dục, nhà ở… đều phải tốt.
Với suy nghĩ đó, chị chọn Myanmar cho những dự án cộng đồng của mình, đặc biệt truyền cảm hứng cho những phụ nữ bản địa.
Chị kể khi đi dọc khám phá đất nước Myanmar, điều đọng lại trong chị không chỉ là cảnh người nông dân lam lũ trên cánh đồng, những khu vực khô hạn nước hay những món ngon nhất mà người dân địa phương dành cho gia đình chị, giúp chị có những trải nghiệm thú vị.
“Thứ làm tôi không thể quên là nụ cười trên khuôn mặt người dân Myanmar. Đó cũng là thứ duy nhất mà tôi muốn con trai mình luôn mang theo, dù bé sống ở bất cứ nơi đâu” – chị nói.
Nỗ lực hết mình
“Tôi nhìn thấy sự lạc quan từ những bà mẹ Myanmar, những nỗ lực của doanh nhân nước này trong giai đoạn đất nước chuyển đổi, họ chưa hẳn biết mình cần phải làm gì nhưng đã cố gắng để không bị bỏ rơi.
Họ đang truyền cảm hứng tích cực, dù có người không biết về điều đó. Tôi nghĩ dù bất cứ ai cũng có thể làm được điều này, chỉ cần bản thân luôn nghĩ tích cực và hướng tới tương lai. Và tôi cũng muốn truyền những cảm hứng tích cực đó” – Trinh Proctor chia sẻ.