TTO – Với nhiều người dân trong họ đạo Cái Mơn, chữ Cái Mơn rất giống âm phát ra khi nói Cảm Ơn. Họ cảm ơn vùng đất màu mỡ đã sinh ra nhiều giống trái cây quý hiếm, đặc biệt sầu riêng, thời tiết thuận lợi để vườn tược xanh tốt cho cuộc sống sung túc.
Từng là viện trưởng đầu tiên của Viện Cây ăn quả miền Nam, PGS.TS Nguyễn Minh Châu đã thưởng thức không biết bao nhiêu loại trái cây ngon, lạ trong nước và thế giới. Nhưng chỉ có một loại trái cây khiến nhà khoa học đầu ngành về cây ăn trái miền Nam từng phải đi xin tận vườn vì… quá thèm.
13 tuổi tạo nên giống cây “ăn ghiền”
Tháng 6-1996, Viện Cây ăn quả miền Nam (lúc bấy giờ còn là Trung tâm cây ăn quả Long Định) tổ chức Hội thi cây sầu riêng giống tốt. Ông Nguyễn Văn Hóa, còn gọi là Chín Hóa, ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre đã đoạt giải A với cây giống sầu riêng trồng ở vườn nhà mình.
Và đó cũng là lần đầu tiên ông Châu được ăn miếng sầu riêng Chín Hóa.
“Năm sau, tôi đi qua phà Đình Khao từ Vĩnh Long về Chợ Lách. Dọc hai bên đường người ta bán sầu riêng đầy nhưng hỏi hàng nào cũng không có bán sầu riêng Chín Hóa. Hết cách, đành phải dò hỏi đường vào vườn nhà ông Chín Hóa xin một trái ăn cho đỡ ghiền, vì thèm quá!”, ông Châu bật cười kể lại.
Trong các hội thảo về trái cây nhiệt đới, sầu riêng vẫn nghiễm nhiên được gọi là vua của trái cây vùng nhiệt đới.
“Vì hương vị đặc trưng của nó hơi nồng nên ai đã không ăn được thì thôi, chứ ăn được rồi thì không trái gì qua được”, ông Châu nhận xét. Còn nói theo kiểu dân dã là “thương nhớ suốt đời” cái loại trái cây xù xì mà thơm nồng nàn này.
Vườn nhà ông Chín Hóa nằm trong họ đạo Cái Mơn ở ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành, giữa vùng trung tâm cây giống lớn nhất cả nước.
Cây sầu riêng cho ra trái mà ông Châu nổi cơn ghiền phải tìm đến tận vườn năm nào cũng chính là cây giống đầu tiên, sản sinh ra thương hiệu “Cơm vàng sữa hạt lép” góp danh tiếng sầu riêng Cái Mơn vang khắp nơi.
Khi chín, trái sầu riêng này có vỏ mỏng, mềm. Múi màu vàng đồng, cơm dày mịn, béo ngọt và hạt nhỏ, lép.
“Ăn như kem, thơm nồng nàn, ngọt lịm cả vị giác”, ông Châu chép miệng kể. Vị ngon của sầu riêng Chín Hóa dường như luôn trỗi dậy đầy đủ trong vị giác nhà khoa học này mỗi khi ông nghĩ đến.
Đến nay cây sầu riêng đầu dòng đã 47 tuổi và vẫn sừng sững giữa vườn sầu riêng rộng 10 công đất (1ha).
“Mùa rồi cây vẫn cho ra hơn 200kg trái ngon lành”, ông Chín Hóa vừa bước qua tuổi 61, nhưng dáng người vẫn nhanh nhẹn và gương mặt luôn cười trẻ trung khi giới thiệu về cây giống đã đưa tên tuổi mình vang danh.
“13 tuổi, tui chiết ghép ra được cây này một cách tình cờ”, ông rổn rảng kể.
Thuở đó, sầu riêng vùng họ đạo Cái Mơn, xã Vĩnh Thành này có rất nhiều loại, được người dân gọi tên theo kiểu dân dã trực quan như sầu riêng sapo (múi mịn giống trái sapoche), sầu riêng khổ qua (do có vị nhẫn đắng), sầu riêng bí rợ (hình trái tròn giống trái bí)…
Nhưng chủ yếu mỗi nhà chỉ trồng nhiều nhất khoảng chục cây để lấy giống. Chỉ có nhà Chín Hóa là trồng nhiều sầu riêng nhứt.
Được sinh ra trong gia đình tía má truyền đời làm vườn, tạo cây giống, từ nhỏ Chín Hóa đã mê mẩn việc mày mò cắt cành, ghép cây… Và cây sầu riêng đầu dòng này là kết quả của nhiều lần cậu bé Chín Hóa lấy mắt non của cây này, dùng lá dừa bọc đất ghép sang cây khác…
Khi cây đầu dòng ra trái ngon đầu tiên, ai được thưởng thức cũng hết lòng khen ngợi. Từ đó ông Chín Hóa tiếp tục chiết cành, nhân ra trồng khắp vườn. “Vì cây có cơm vàng và vị béo, nhuyễn giống sữa nên tui đặt tên là cơm vàng sữa hạt lép”, ông kể.
Cây sầu riêng đầu dòng sau đó được rất nhiều nhà khoa học quan tâm. Chín Hóa cười tít nhớ lại: “Hồi cơn bão số 5 (1997) tràn qua miền Tây, sáng ra mấy thầy ở Viện Cây ăn quả đã gọi điện hỏi thăm cây có bị làm sao không. Mỗi lần nó bị bệnh, các thầy ở viện đều ghé lại kiểm tra, bày cách chữa kỹ càng”.
Đất lành sinh giống tốt
Theo “sự tích trái sầu riêng” trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, loại trái này do một vị quan trẻ nhà Tây Sơn bị triều Nguyễn truy bắt, ông trốn chạy về hướng đất Campuchia ngày nay rồi kết duyên với một cô gái người Khmer xinh đẹp.
Người vợ đưa ông ăn thử loại trái gai góc xấu xí, có mùi hôi nhưng vị ngọt bùi ăn mãi không chán. Sau đó ít lâu thì cô vợ mất. Người chồng trẻ buồn bã đem giống cây này về lại Việt Nam trồng, gọi tên là “sầu riêng” để tưởng nhớ đến mối tình buồn vì người vợ mất sớm.
Sự tích trên có nhiều điểm tương đồng về câu chuyện giống sầu riêng xuất hiện tại vùng Cái Mơn.
Theo đề tài “Sự hình thành và phát triển nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng Cái Mơn”, do UBND huyện Chợ Lách thực hiện vào năm 2012, thì giống sầu riêng tại Cái Mơn được ông Nguyễn Duy Lưu, còn gọi là thầy Phó Lưu (1857-1947) đi dạy học tại Campuchia và đem về cây sầu riêng vào những năm đầu của thế kỷ 20.
Thầy Phó Lưu từng trồng được một cây sầu riêng cho ra trái rất béo, ngọt, nên được ông đặt tên là sầu riêng “sữa bò”, thơm ngon nổi danh khắp vùng đồng bằng.
Nhưng hạt cây “sữa bò” do bị lai nên không còn sản sinh ra giống tốt như cây mẹ. Mãi cho đến khi có cây đầu dòng của ông Chín Hóa, nhiều người già trong vùng mới nhớ lại hương vị sầu riêng “sữa bò” của thầy Phó Lưu năm nào.
Được giống ngon, giai đoạn đầu những năm 2000, ông Chín Hóa tập trung làm thương hiệu rất uy tín, chất lượng vươn xa đến nhiều tỉnh miền Đông.
Những người nhận giống sầu riêng Chín Hóa đều được đích thân ông hướng dẫn tường tận, chi tiết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch giống sầu riêng thơm ngon đặc biệt này. Nhiều hội nông dân liên tục mời Chín Hóa đi chia sẻ tại các lớp làm vườn, trồng sầu riêng.
Không những thế, những “cuộc đấu xảo” tuyển chọn trái cây ngon, trái sầu riêng Chín Hóa dễ dự là gom giải.
Cả một bức tường phòng khách nhà ông giờ chi chít những bằng khen từ trung ương đến địa phương.
Nhiều lãnh đạo cấp cao của Nhà nước khi ghé ngang Bến Tre đã đến tận vườn chiêm ngưỡng cây sầu riêng Chín Hóa đầu dòng, thưởng thức múi sầu riêng “gây ghiền” đặc biệt này. Bởi những vùng khác trồng sầu riêng Chín Hóa dù có đạt cỡ nào cũng khó có độ ngon “đỉnh” như những cây trồng ở mảnh đất Cái Mơn.
Nguồn gốc từ Cái Mơn đến nay vẫn còn nhiều giả thuyết. Có giả thuyết cho là đọc trại từ Kh’mun, nghĩa là “tổ ong” trong tiếng Khmer. Có giả thuyết cho là đọc trại từ Caiman, nghĩa là cá sấu mõm dài trong tiếng Pháp…
Nhưng với nhiều người dân trong họ đạo Cái Mơn như ông Chín Hóa thì chữ Cái Mơn rất giống với âm phát ra khi họ nói Cảm Ơn. Họ cảm ơn vùng đất màu mỡ đã sinh ra nhiều giống trái cây quý hiếm, thời tiết thuận lợi để vườn tược xanh tốt cho cuộc sống sung túc…
Đến nay, ông Chín Hóa vẫn giữ cách chăm sóc vườn tự nhiên. Không ép nước, không ép nghịch vụ, không nhúng thuốc. Sầu riêng thu hoạch rồi sẽ được ghi rõ ngày sử dụng ngon nhất lên từng trái mới giao cho khách.
Cả vườn hơn 40 cây ra trái nào đều được mua sạch sẽ. Nhiều khách hàng còn đặt trước cả mấy tháng, cứ hễ trái chín là ông Chín Hóa giao tận nơi cho họ thưởng thức.