01/05/2019 17:05
Sáng 1/5, Hoàng Thái tử Naruhito lên ngôi, trở thành Nhật hoàng thứ 126 của đảo quốc Mặt trời mọc. Tại lễ đăng quang, những báu vật trong “Tam chủng thần khí” tượng trưng cho quyền uy của Nhật hoàng đã được bàn giao. Vậy những báu vật này là gì?
Theo quan niệm truyền thống, Nhật hoàng là hậu duệ của Nữ thần Mặt trời Amaterasu và ba báu vật này là do nữ thần để lại. Vì nguồn gốc xa xưa và tính chất linh thiêng của những báu vật này, không có hình ảnh hay tranh vẽ về chúng và Nhật hoàng cũng không trực tiếp nhìn thấy chúng vì chúng được bọc trong vải.
“Chúng tôi không biết chính xác các báu vật trông như thế nào”, Eiichi Miyashiro, nhà báo tại tờ Asahi Shinbun và là chuyên gia về hoàng gia, nói.
Gương thần Yata no Kagami
Chiếc gương được cho là đã có tuổi đời khoảng hơn 1.000 năm và được lưu giữ tại Đền thờ lớn Ise (vùng Kansai). Hãng BBC dẫn lời ông Shinsuke Takenaka đến từ Viện Moralogy – một cơ quan của Nhật Bản chuyên nghiên cứu về đạo đức và tinh thần nhận định, chiếc gương là báu vật quý giá nhất trong các báu vật của nước này. Đây cũng là thần khí duy nhất không xuất hiện tại lễ đăng quang năm 1989 của ông Akihito.
Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, gương được cho là có quyền năng đoán trước tương lai và tiết lộ sự thật. Tại các lễ lên ngôi, Yata no Kagami tượng trưng cho sự uyên bác của vị hoàng đế.
Theo Kojiki – bản ghi chép cổ xưa về lịch sử và truyền thuyết Nhật Bản, Yata no Kagami do vị thần Ishikoridome tạo ra.
Hình ảnh mô phỏng của gương thần Yata no Kagami. (Nguồn: BBC) |
Truyền thuyết kể rằng, sau khi Nữ thần Mặt trời Amaterasu chiến đấu với anh trai Susanoo – thần biển và bão tố, bà rút lui vào một hang động để lấy toàn bộ ánh sáng của thế gian. Thần Susanoo đã sắp xếp một bữa tiệc để dụ bà ra ngoài, và nữ thần Amaterasu đã bị lóa mắt bởi hình ảnh phản chiếu của chính mình trong gương. Họ giảng hòa và đưa ánh sáng trở lại vũ trụ.
Chiếc gương và những báu vật khác cuối cùng đã được trao cho cháu trai của nữ thần Amaterasu – Ninigi. Nữ thần đã dặn dò cháu mình: “Hãy phục vụ tấm gương như linh hồn của ta, giống như người từng phục vụ ta, với tâm trí và cơ thể trong sạch”.
Và Ninigi được biết đến là ông cố của Jimmu, người sau này trở thành hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản vào năm 660 trước Công nguyên.
Kiếm thần Kusanagi no Tsurugi
Nơi lưu giữ kiếm thần Kusanagi no Tsurugi đến nay vẫn là một ẩn số, nhưng tương truyền là thanh kiếm nằm tại đền thờ Atsuta ở Nagoya.
Hình ảnh mô phỏng của kiếm thần Kusanagi no Tsurugi. (Nguồn: BBC) |
Truyền thuyết kể rằng, thanh kiếm được mọc lên từ đuôi của một con mãng xà 8 đầu, đã nuốt chửng các con gái của một gia đình giàu có. Người cha đã kêu gọi thần Susanoo giúp đỡ, hứa sẽ gả cô con gái cuối cùng nếu như ông tiêu diệt con rắn. Thần Susanoo đã dụ rắn uống say rượu, chặt đứt đuôi của nó và tìm thấy thanh kiếm. Thanh kiếm sau đó đã được Susanoo trao cho em gái của mình là Nữ thần Mặt trời Amaterasu.
Thanh kiếm đại diện cho sự dũng cảm của hoàng đế. Có rất ít thông tin về thanh kiếm cũng như nơi nó được lưu giữ, từng có những băn khoăn về sự tồn tại thực sự của thanh kiếm.
Một linh mục sống vào thời Edo (giữa thế kỷ 17 và 19) được cho là từng nhìn thấy thanh kiếm. Người này sau đó đã bị trục xuất khỏi Nhật Bản.
Có tin đồn cho rằng kiếm thần Kusanagi no Tsurugi đã bị rơi xuống biển trong một trận chiến hồi thế kỷ 12, tuy nhiên ông Takenaka cho biết, nó có thể có bản sao, được lưu giữ tại cung điện và dùng cho lễ đăng quang.
Khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi vào năm 1989, ông đã được trao thanh kiếm Kusanagi no Tsurugi. Dù vậy, cho đến ngày nay, chiếc hộp đựng chiếc kiếm vẫn chưa được mở ra.
Ngọc thần Yasakani no Magatama
Ngọc thần Yasakani no Magatama có hình dạng cong, được cho là được làm ra tại Nhật Bản vào khoảng 1.000 năm trước Công nguyên. Viên ngọc mang giá trị biểu tượng.
Hình ảnh mô phỏng của ngọc thần Yasakani no Magatama. (Nguồn: BBC) |
Theo truyền thuyết, viên ngọc Yasakani no Magatama là một phần của chiếc vòng cổ do nghệ nhân Tamanooya-no-Mikoto chế tạo. Nó được Ame-no-Uzume, nữ thần của lễ hội và hạnh phúc đeo trên người. Chính bà đã góp phần quan trọng giúp dụ Nữ thần Mặt trời Amaterasu ra khỏi hang động. Bà đã biểu diễn một điệu nhảy tuyệt đẹp, cổ đeo chuỗi hạt ngọc lấp lánh để thu hút sự chú ý của Nữ thần Mặt trời.
Dù chưa rõ nguồn gốc từ đâu nhưng ngọc thần Yasakani no Magatama được cho là làm từ ngọc bích và rất có thể là báu vật duy nhất còn “bản gốc” được lưu giữ tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo. Viên ngọc đại diện cho lòng nhân từ của hoàng đế.
Người Nhật nghĩ gì?
Giáo sư Hideya Kawanishi (Đại học Nagoya) cho biết, trong khi nhiều người dân Nhật Bản vẫn tin vào truyền thuyết về các báu vật hoàng gia thì nhiều người lại cho rằng “chúng giống như đồ trang trí, gần giống như vương miện tại nhiều quốc gia quân chủ khác”.
Còn theo ông Takenaka, vẫn có những quan điểm trong các học giả cho rằng các báu vật đại diện cho sự hợp nhất giữa nhóm người bản địa cổ đại của Nhật Bản với những người di cư từ xa xưa. Ba báu vật mang tính biểu tượng với ý nghĩa hoàng đế cần đoàn kết các nhóm sắc tộc mà không được phân biệt đối xử.
Nhưng ông Takenaka cũng hóm hỉnh cho rằng, trong thế kỷ 20, thuật ngữ “ba báu vật” dường như mang ý nghĩa thiết thực hơn, trở thành cụm từ thường gặp để nói về 3 đồ gia dụng mà người dân Nhật không thể sống thiếu: TV, tủ lạnh và máy giặt.
Thái An