Bánh hỏi là món ăn quen thuộc ở nhiều tỉnh, thành như Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định…
Chưa rõ cái tên “bánh hỏi” ra đời trong hoàn cảnh nào, nhưng một số người dân ở Phú Yên kể rằng, loại bánh này có từ rất lâu, khi mới nhìn ai cũng thấy lạ nên hỏi bánh tên gì. Thấy vậy người làm bánh trả lời là “bánh hỏi”. Từ đó, người dân quen gọi là bánh hỏi. Ngày nay, bánh hỏi là món ăn phổ biến, tại Bình Định, Nha Trang có nơi chuyên phục vụ món bánh hỏi với hơn 10 món như: bánh hỏi chả giò, bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi thịt nướng, bánh hỏi chạo tôm, bánh hỏi tôm càng, bánh hỏi thịt bò nướng, bánh hỏi bò lụi, bánh hỏi gà lụi…
Để làm món bánh này cần chuẩn bị khuôn. Khuôn bánh hỏi là khối ống bằng inox, đường kính khoảng nhỏ khoảng 7-8 cm, to thì khoảng 20 cm, chiều cao khoảng 50 cm. Phần miệng ống hơi loe để tựa vào bàn gỗ. Đáy ống có một rá dày chừng vài ly, có nhiều lỗ nhỏ, vừa cỡ kim may luồn qua được. Bánh hỏi ngon hay không phụ thuộc nhiều vào khuôn bánh to hay nhỏ. Lỗ nhỏ quá, bột không qua, lỗ lớn quá sợi bánh sẽ lớn ăn không ngon.
Nguyên liệu chính để làm bánh hỏi gồm gạo và nước lọc. Theo đó, gạo vo kỹ, ngâm nước một đêm, rồi vớt ra xay nhuyễn và tiếp tục rọng bột qua 1 đêm. Pha bột với nước thành một hỗn hợp sền sệt được cho vào nồi, khấy đều bằng máy cho đến khi bột đặc lại rồi mới lấy ra tạo thành cây bột dài bằng với đường kính của khuôn. Dùng khuôn ép thành bánh. Các khối bột đã nhào nặn sẵn, người ta bỏ vào khuôn, dùng máy thủy lực ép cho bột chảy ra. Cần một người dùng tay hứng bánh chảy ra từ khuôn bánh, sau đó cho vào tấm vỉ, đưa vào nồi hấp cách thủy một lần nữa mới đem ra.
Bánh hỏi thường thêm gia vị mỡ hành, ăn kèm với thịt quay, thịt nướng, lòng lợn… Tiêu chuẩn của một đĩa bánh hỏi ngon là cọng bánh phải nhỏ bằng que tăm tre, các miếng bánh không bị rời ra hay vón cục, khi cắn vào miệng người ăn không thấy bở, lúc nhai kỹ thì cảm nhận được vị ngọt của bột gạo, vị béo của dầu dừa và mùi thơm của rau hẹ.
Dùng kèm bánh hỏi là các loại rau sống và chuối chát non được xắt lát mỏng. Một đĩa lòng heo dọn kèm đĩa bánh hỏi, cộng thêm đĩa rau sống tươi xanh và chén mắm pha gia vị vừa phải sẽ tạo nên hương vị đậm đà đặc biệt. Đặc biệt món bánh hỏi không thể thiếu lá hẹ. Người Bình Định có câu: “Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ/ Em thương một người có mẹ không cha/ Bánh xèo bánh đúc có hành hoa/ Bánh hỏi thiếu hẹ như đám ma không kèn”.
Bởi thế, ta có thể ăn bánh hỏi bất kể buổi nào. Bánh hỏi nổi tiếng nhất là ăn kèm với lòng lợn luộc và một bát cháo loãng, nấu bằng huyết và thịt nạc băm. Đĩa lòng lợn luộc rất khéo, đủ tim, gan, cật, phèo non và thịt ba chỉ, vừa giòn lại vừa mềm, ngọt.
Người Phú Yên, Bình Định vẫn thường nói rằng, ai đã đến xứ Nẫu Phú Yên hay đất võ Bình Định mà chưa thưởng thức bánh hỏi thì coi như chưa đặt chân đến vùng đất này.
Xuân Hoa