Thứ Hai, 12/11/2018, 09:06:05
|
NDĐT – Trong vô vàn sản vật tự nhiên của mùa nước nổi miền tây, như: bông súng, bông điên điển, cá linh, cua, ốc, rắn… thì lươn đồng có giá trị kinh tế khá cao. Bởi thế, cư dân nghèo dọc miền sông nước đã nghĩ ra nhiều cách “săn” lươn dễ dàng mà hiệu quả, kiếm bạc triệu mỗi ngày… |
Xúc ụ: Làm chơi ăn thiệt Với cư dân nghèo ở vựa lúa miền tây, mùa nước nổi đã trở nên thân thiết. Mỗi năm, hàng vạn cư dân nghèo miền sông nước cứ thấp thỏm, ngóng trông con nước nổi. Bởi nước về mang theo những sản vật tự nhiên ban tặng cho vùng châu thổ Cửu Long, cho một bộ phận cư dân nghèo có thêm kế sinh nhai. Trong vô vàn sản vật tự nhiên của mùa nước nổi, như: bông súng, bông điên điển, cá linh, cua, ốc, rắn… lươn đồng có giá trị kinh tế khá cao. Bởi thế, cư dân nghèo dọc miền sông nước đã nghĩ ra nhiều cách “săn” lươn trong mấy tháng đồng ngập nước. Tờ mờ sáng, tôi theo xuồng của vợ chồng anh Lê Văn Sul thẳng tiến về cánh đồng nước nổi ven biên giới xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Hơn bốn năm làm nghề xúc ụ lươn trên các cánh đồng biên giới, anh Sul am tường từng chỗ ngập sâu, ngập cạn, nơi nào có những láng cỏ, bông súng mọc nhiều để đắp ụ xúc lươn. Mỗi ngày, vợ chồng anh phải dậy từ bốn giờ sáng rồi dùng xuồng máy đuôi tôm vượt mấy khúc sông sâu, băng qua vài cánh đồng ngập nước, từ xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lên cánh đồng biên giới Bình Phú này để mưu sinh. Anh Sul nói, cái nghề xúc ụ lươn tuy hơi vất vả nhưng không phải tốn nhiều tiền bạc để đầu tư, mua sắm đồ nghề. Chỉ cần có chiếc xuồng máy để di chuyển, mua vài thước lưới với cây tre uốn cong thành cái vợt là có thể hành nghề rồi. Bởi thế, nó được coi là “cần câu cơm” của người nghèo nơi biên giới Tây Nam này. Anh Dương Văn Vũ có hơn 10 năm đặt trúm lươn trong mùa nước nổi. Theo anh Sul, trên các cánh đồng nước cạn, chỉ cần một người là xúc được, vì có thể vừa lội nước, kéo xuồng theo, rồi luồn chiếc vợt qua đáy ụ cỏ để xúc. Còn cánh đồng này mực nước sâu hơn 3m nên anh phải đứng trên xuồng, dùng sức mạnh đôi tay luồn chiếc vợt qua đáy ụ cỏ. Sau đó dùng cây mỏ sảy để vớt cỏ ra ngoài. “Công đoạn luồn vợt xúc cả ụ cỏ vào trong đòi hỏi phải có kinh nghiệm, thuần thục, nhanh chóng, tránh làm động lươn sẽ chui xuống nước chạy trốn. Con lươn có đặc tính nhút nhát nên việc chất ụ cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật, làm sao cho chúng có cảm giác an toàn mới vào trú ngụ”, anh Sul chia sẻ. Tôi quan sát trên cánh đồng biên giới mênh mông rộng lớn, lại tiếp giáp với cánh đồng ngập nước của nước bạn Campuchia, làm sao phân định được ranh giới và vị trí những ụ cỏ của mình. Trong khi đó, trên cánh đồng này, chỉ một buổi sáng không đếm hết cũng có cả chục xuồng hành nghề như anh Sul. Nhưng anh bảo rằng, đó chính là những “quy định bất thành văn” của nghề bà cậu. Ai làm nấy ăn, chứ phá quấy hay đi xúc ụ cỏ của người khác thì cũng không thể “tồn tại” được với nghề này. “Tôi không có gì làm bằng chứng cho lời mình vừa nói, nhưng dân làm nghề hạ bạc hết thảy đều tin tưởng vậy. Đất có thổ công, sông (nước) có hà bá. Ông bà mình đúc kết rồi, hổng chạy đi đâu khỏi. Cái nghề mưu sinh trên sông nước thì trúng thất, được thua cậy hết vào bà cậu. Làm phải thì mặc sức mà ăn, còn không thì anh không thể theo nghề”, anh Sul quả quyết. Cạnh xuồng anh Sul là xuồng của vợ chồng “đồng nghiệp” Lê Phi Hùng, cũng là cư dân biên giới. Anh Hùng có kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề xúc ụ lươn trên cánh đồng ngập nước này, từ khi chưa cưới vợ. Giờ thì đã có hai con, mà cũng không thể chuyển làm nghề gì khác được. “Bởi cái nghề này không đòi hỏi vốn liếng đầu tư nhiều quá. Chỉ vài triệu đồng mua tấm lưới, chiếc xuồng rồi đốn cây tre uốn cong thành chiếc gọng vợt là có thể hành nghề”, anh Hùng giải thích. Theo cách của anh Hùng, để dễ phân biệt với các ụ cỏ của “đồng nghiệp” khác, anh làm một chiếc cờ phao đặt trên mỗi ụ cỏ đánh dấu cho mình. Còn để làm sao cho lươn chạy nhiều thì anh bảo… có trời mới biết. Vì lươn thường đi theo con nước, lúc mới chụp đồng là chúng cũng men theo để tìm kiếm thức ăn. “Trên đường đi săn, con lươn thấy chỗ nào nhiều cỏ, ấm và có mồi thì nó sẽ chọn làm nơi trú ngụ. Biết rõ tập tính này nên tụi tui mới gom cỏ trôi dạt trên đồng chất thành từng giề, từng ụ lớn. Bên trong ụ bỏ thêm mấy con cua, con ốc để làm thức ăn, nhử lươn tới ở. Hồi đầu mùa nước nổi, tui xúc trúng thấy mắc ham, mỗi ngày mười mấy gần hai chục ký, bán mấy triệu đồng, giống như làm chơi ăn thiệt vậy”, anh Hùng bật mí. Đặt trúm cuối mùa Một cách “săn” lươn phổ biến nữa là đặt trúm. Thuở trước, người ta dùng một khúc tre gai dài hơn một thước để làm ống trúm. Nhưng bây giờ, trúm được đan thành hình tròn từ những nan tre, như chiếc lọp, có chiều dài chừng bảy tấc. Một đầu trúm đặt một chiếc hom tre chừa kẽ hở đủ để con lươn to nhất có thể chui vào nhưng không ra được. Còn đầu kia thì đan kín, nhưng có chừa một “cửa” nhỏ cỡ hai ngón tay, rồi dùng một chiếc nan tre đóng lại. Loại trúm lươn mới này rất được ngư dân ưa chuộng vì vừa gọn nhẹ, lại thu hút lươn chạy nhiều hơn. Giá một chiếc trúm lươn kiểu này trung bình khoảng 30.000 đồng. Với kinh nghiệm hơn 10 năm xúc ụ lươn, anh Lê Phi Hùng có thu nhập vài triệu đồng mỗi ngày. Nghề đặt trúm lươn “thịnh hành” nhất là dọc theo hai bên dòng kênh K.H6, thuộc ấp Đông Lợi, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Dọc theo dòng kênh này có hàng chục gia đình làm nghề đặt trúm lươn trong mùa nước nổi. Điển hình như anh Dương Văn Vũ, không ruộng đất, chuyên sống bằng nghề làm thuê trong mùa khô, tới mùa nước nổi là anh mua năm chục ống trúm để đặt lươn. Anh Vũ nói, mỗi mùa chỉ tốn khoảng một triệu rưỡi là đã có ngư cụ hành nghề rồi. Còn mồi đặt lươn là các loại cua, ốc, có sẵn ngoài đồng. Thời gian đặt trúm thường là vào cuối buổi chiều và đi thăm giở trúm vào sáng hôm sau. Sau hơn hai giờ đồng hồ quần thảo trên cánh đồng nước nổi để tìm vị trí đặt 50 chiếc trúm lươn thì cũng là lúc trời sụp tối. Đốt điếu thuốc lá rít mấy hơi liền để chống cái lạnh của gió, của nước mùa thu, anh Vũ lại thong thả bơi xuồng về nhà và chờ kết quả. Năm giờ sáng, mặt trời còn chưa thức dậy, ông Hai Đen, nhà bên cạnh đã sang tìm “đồng nghiệp” trẻ uống nước trà. Đó là thói quen của hai ngư dân này hàng chục năm qua. Ông Hai Đen cũng là một tay lão làng trong nghề đặt trúm lươn ở xứ này. Trà nước xong, mỗi người một hướng, tỏa ra cánh đồng nước nổi. Tôi lại theo chân anh Vũ ra đồng thăm trúm. Vừa giở ống trúm đầu tiên lên, Vũ phán chắc nịch: “Có lươn, hai con, một con trọng trọng và một con lươn nhỏ”. Rồi những chiếc trúm tiếp theo cũng có từ một đến hai con lươn. Có chiếc còn dính cả rắn trun. Con rắn này giở thói háo ăn, chui vào trong trúm nuốt liền tù tì ba con lươn vô bụng. “Nay nước chớm đồng nên lươn lên cạn kiếm mồi, chạy bộn. Còn hai ba chục ống trúm nữa, chắc được tầm năm bảy ký”, anh Vũ đoán. Một ngày thu hoạch khấm khá của anh Vũ. Ở phía bờ đê bao bên cạnh, tôi thấy ông Hai Đen liên tục giơ những ống trum lên cao, với vẻ phấn khích lắm. Anh Vũ bảo: “Ổng trúng luồng lươn lớn rồi nên khoe vậy. Dọc theo chân con đê này cứ cách một hai đêm lại có một luồng lươn chạy. Anh em tụi tui trong nghề cứ chia nhau mỗi người đặt ở đó một ngày”. Sau khi kiểm tra kỹ tất cả các địa điểm đặt ống trúm từ chiều tối hôm qua, chúng tôi trở về kênh K-H 6 cũng là lúc mặt trời lên khỏi đọt dừa. Cánh “thợ săn” lươn trong xóm cũng bắt đầu đem chiến lợi phẩm của một đêm vất vả ra “khoe” với nhau và bàn tính địa bàn đặt cho cữ mới. Anh Vũ níu tay tôi nán lại, ăn bữa cơm trưa với món lươn đồng hảo hạng. Cạn mấy chén rượu nồng, tôi phải chia tay chú Hai Đen và anh Vũ. Dẫu chỉ sơ giao, nhưng tôi cảm nhận được sự ấm áp của những người bạn mới và nhớ hoài hương vị quê hương qua món canh chua lươn nấu với rau muống đồng, bông điên điển. Càng thêm yêu người dân quê lam lũ mưu sinh nào quản ngại nắng mưa, gian khổ mà vẫn thấm đượm nghĩa tình. Cái nghĩa tình chân chất miền tây… |
Bài vả ảnh: BÙI QUỐC DŨNG |