Biển Đông: Vì một nền an ninh bền vững

Ảnh: The New York Times
  • DANH ĐỨC
  • 22.07.2019, 07:00

TTCT – Chủ đề “An ninh bền vững” của Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 13 diễn ra tại Bangkok tuần rồi nói lên nhu cầu đối phó những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng bức bách, không chỉ với các nước ASEAN mà với khu vực Đông Á và cả thế giới.

Chủ đề Biển Đông cũng đã được quan tâm ở diễn đàn này, và quan trọng không kém, nhóm các cường quốc công nghiệp G7 cũng đã nêu ra điểm nóng đó trên bàn nghị sự.

Trong cuộc họp báo hôm 11-7 tuần rồi, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon, người chủ trì hội nghị, cho biết ADMM lần này được tổ chức từ ngày 10 đến 12-7, kết thúc không chỉ bằng tuyên bố chung được ký kết, mà còn có thêm sáu văn kiện: “Hướng dẫn đánh giá các sáng kiến ADMM”, “Vai trò của các cơ sở quốc phòng ASEAN trong hỗ trợ quản lý biên giới”, “Mở rộng cơ sở hạ tầng truyền thông trực tiếp ASEAN tới các nước tham gia ADMM+”, “Công tác tham khảo tin tức tình báo qua cơ chế ASEAN – Con mắt của chúng ta”, “Mở Hội nghị quân y ASEAN” và “Bộ hướng dẫn tương tác hàng hải”.

Các cơ chế kIềm chế xung đột chậm được xây dựng

Phát biểu khai mạc hội nghị, đại tướng Prawit, chủ tịch ADMM-13, cho biết hội nghị lần này sẽ tập trung vào thúc đẩy hợp tác quốc phòng ASEAN; đồng thời khẳng định ADMM và ADMM+ là cơ chế chính để tăng cường hợp tác và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.

Thông qua đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, ASEAN đã thúc đẩy tăng hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh ADMM-13 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới, khu vực đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, phát huy tính tự lực, tự cường và nêu cao vai trò trung tâm, dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác khu vực mới đảm bảo được an ninh bền vững tại khu vực…

Quả là tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực Biển Đông đã và đang “diễn biến nhanh chóng và phức tạp”, ngay trong thời điểm các bộ trưởng quốc phòng ASEAN đang hội họp, thậm chí ngay trong thời khắc các bộ trưởng thông qua tuyên bố chung có câu “Chúng tôi… nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên cùng hợp tác một cách xây dựng và hòa bình để Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, thịnh vượng, qua thực thi trọn vẹn và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002 và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử duy nhất ở Biển Đông (COC) vào một thời điểm được các bên cùng nhất trí”.

Đến đây, không thể không đặt câu hỏi về tiến độ của công cuộc này. Từ tháng 10-2010 đã nghe nói tới chuyện thảo luận về COC, mà tới nay là tháng 7-2019, vẫn mới đang ở giai đoạn hi vọng “thực thi trọn vẹn và hiệu quả” DOC 2002 và “sớm đạt được COC”! 10 năm đã trôi qua mà không đạt được bước tiến cụ thể nào về việc xây dựng một cơ chế ngăn ngừa xung đột leo thang trên vùng biển then chốt này thực sự là điều đáng tiếc và đáng lo ngại.

Nội bộ ASEAN vẫn đang có những nỗ lực rất đáng ghi nhận trong phạm vi ảnh hưởng và tiềm lực của mình để xây dựng một Biển Đông hòa bình.

Tuyên bố chung còn có đoạn các nước cam kết “tăng cường nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh bền vững thông qua cải thiện năng lực và hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng như với các quốc gia đối tác để ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và xuyên quốc gia trong khu vực nhằm mang lại hòa bình, ổn định và an ninh cho ASEAN”.

Theo thời gian, một số vấn đề trước kia ít được đại chúng quan tâm, nay đã trở thành chuyện cần kíp. Tỉ như chuyện đánh cá dẫn tới va chạm mà xung đột không chỉ là giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, mà cả trong nội bộ các nước ASEAN nữa.

Tuyên bố chung viết: “Các bộ trưởng cũng đã thảo luận vấn đề đánh bắt cá trái phép không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing), một trong những sáng kiến của Thái Lan nhằm nâng cao nhận thức về tác động an ninh của vấn đề này”.

Vấn đề này cũng thuộc phạm vi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng có một bộ quy tắc ứng xử với nghề cá có trách nhiệm ấn hành năm 1995 và trên thực tế là nhiều ngư dân ở các nước trong khu vực còn chưa ý thức về các trách nhiệm pháp lý tương ứng này.

Chính do không biết những quy định đó, bên cạnh thực tế là nhiều ngư dân gần đây buộc phải dạt xuống các vùng biển phía nam – vùng mà họ tưởng là bớt nguy hiểm hơn, đã xảy ra một số trường hợp sử dụng vũ lực liên quan tới IUU Fishing. Từ đó dễ dẫn đến một sự đánh giá sai tình hình, làm căng thẳng leo thang lên mức nguy hiểm.

Tuyên bố chung ADMM-13 vì thế cũng nói tới “các cam kết của chúng tôi tuân thủ Bộ Quy tắc về chạm trán không dự liệu trên biển (CUES), Bộ Quy tắc về các cuộc chạm trán không dự liệu trên không (GAME), cùng luật lệ và quy định quốc tế có liên quan để tăng cường an toàn vận hành và tránh sự cố không mong muốn trên biển…”.

Một cơ chế đáng chú ý mới là việc lần đầu tiên cả khối chuẩn bị chia sẻ thông tin tình báo qua hệ thống “ASEAN-Con mắt chúng ta” (ASEAN-Our eyes). Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu giải thích hôm 11-7: “Chúng tôi đã nhất trí… bắt đầu từ hợp tác tình báo với sáng kiến của chúng tôi và các bước hợp tác ba bên…

Chúng tôi đã tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không, tiếp nối là các hoạt động trên bộ giữa Indonesia, Malaysia và Philippines. Đây là những ví dụ cụ thể về sự thành công của hợp tác ASEAN”.

G7 và Biển Đông

Trong khi ASEAN, cả ở thượng đỉnh ASEAN hạ tuần tháng 6 và ADMM tuần rồi, đều không trực diện hay gay gắt về vấn đề Biển Đông, thì nhóm G7 (Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ và Canada) đã lên tiếng mạnh mẽ, và có cả hành động thực tế để đối phó với sự mở rộng trái phép ngày càng thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuyên bố chung của các lãnh đạo G7 tại thượng đỉnh Charlevoix (Canada) tháng 10-2018 có đoạn: “Chúng tôi vẫn lo ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Hoa Nam (tức Biển Đông), và nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ với bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm leo thang căng thẳng và suy yếu sự ổn định khu vực và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên theo đuổi phi quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp”.

Tháng 5-2017, Trung Quốc từng lên tiếng sau khi G7 đưa ra một thông cáo chung tương tự, và ngay sau khi chiến hạm USS Dewey vừa thực hiện xong chuyến đi thực thi tự do hàng hải (FONOP) đầu tiên dưới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump bên trong 12 hải lý dải Mischief (đá Vành Khăn).

Từ đó đến nay, đã có thêm nhiều chuyến FONOP khác của Mỹ và cả một số nước trong và ngoài G7, tuy có thể không mang tên FONOP. Anh đang triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông và trước đó từng đưa tàu chiến HMS Albion qua các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trên đường đến Việt Nam vào năm 2018.

Các quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Canada và Pháp cũng đang tăng cường hoạt động tại Biển Đông, trong sự hợp tác với Hoa Kỳ. Úc, Ấn Độ và Nhật Bản gần đây hợp tác với Mỹ trong các cuộc diễn tập và tự do hoạt động hàng hải trên Biển Đông, cũng như giúp xây dựng năng lực hải quân cho các quốc gia liên kết nhỏ hơn trong khu vực như Philippines. Đầu tháng 5-2019, tàu hải quân Mỹ, Nhật và Philippines cùng diễn tập trong một tuần.

Asia Times ngày 19-6-2019 khi loan báo các chi tiết vừa nêu và gọi đó là một “Liên minh tình nguyện”, đồng thời đã đặt câu hỏi: “Phải chăng các hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc, bao gồm cả việc đâm và đánh chìm một tàu cá Philippines vào ngày 9-6 tại Reed Bank (bãi Cỏ Rong) là lời cảnh cáo nhắm vào sự hợp tác hải quân Philippines – Mỹ?”.

Quốc vụ khanh đặc trách châu Âu và ngoại giao Pháp Jean Baptiste Lemoyne hôm 28-6, trong lễ ký kết hợp tác của Ủy ban Kinh tế chung (JEC) Philippines – Pháp ở Manila, cũng đã nói: “Pháp cam kết thúc đẩy và bảo vệ luật pháp quốc tế. Đó là lý do tại sao hải quân của chúng tôi rất thường xuyên tuần tra, bay trên Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục”.

Nhưng tất nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cũng đòi hỏi việc đối phó thận trọng một cách thích đáng, và nước thực sự có đủ tiềm lực để thách thức lâu dài ý định độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc chỉ còn lại là Hoa Kỳ.

Hôm 11-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố chính thức: “Ngày mai, 12-7, đánh dấu ba năm kể từ khi một tòa án phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử ở Biển Đông là bất hợp pháp. Phán quyết của tòa đã bác bỏ yêu sách hàng hải đường chín đoạn của Trung Quốc.

Tòa nói rõ rằng việc vẽ đường cơ sở xung quanh các nhóm đảo ở Biển Đông là bất hợp pháp. Ngoài ra, tòa còn khẳng định các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến xây dựng đảo nhân tạo và tập quán của ngư dân Trung Quốc vi phạm các yêu cầu của UNCLOS… Phán quyết của tòa là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc về pháp lý đối với cả hai bên chịu sự phân xử của tòa trọng tài này, Trung Quốc và Philippines”.

“Bằng cách thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp, quyết định này là một chiến thắng của pháp luật ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Lợi ích chung của Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực nằm ở việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp, để mỗi quốc gia có thể đạt tới tiềm năng của mình mà không phải hi sinh lợi ích quốc gia hoặc quyền tự trị…

Chúng tôi phản đối mạnh mẽ những nỗ lực của Trung Quốc để khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế khi đưa ra những tuyên bố chủ quyền, như được phản ánh trong UNCLOS, đồng thời giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Đó cũng có thể là lời chung cho rất nhiều nước đang chật vật đối phó với vấn đề Biển Đông.■