Khi con có hành vi thiếu tôn trọng người lớn, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân, giải thích sai lầm cho con hoặc áp dụng kỷ luật tích cực thay cho đòn roi.
Pamela Li, sống tại bang California, Mỹ, chia sẻ phương pháp dạy con tôn trọng người khác trên Parenting For Brain.
1. Giữ bình tĩnh
Một hôm, con gái 5 tuổi ăn bánh quy trong phòng ngủ của tôi dù tôi đã nhắc cháu không được làm vậy. Con gái lờ đi yêu cầu của mẹ. Tôi tức giận và hét lên: “Mẹ đã bảo con không được ăn trong phòng ngủ”. Cháu quay lại nhìn tôi và rời phòng.
Các bạn đang nghĩ rằng việc la hét mới thực sự hiệu quả trong trường hợp này phải không? Thực tế rằng con gái không nghe lời vì cháu không chú tâm vào yêu cầu của tôi. Tôi ngồi ở bàn làm việc, đưa ra mệnh lệnh của mình mà thiếu sự giao tiếp bằng mắt hay để ý liệu con gái có đang lắng nghe. Trong khi đó, mọi sự tập trung của cháu đang dồn cho miếng bánh quy.
Tuy nhiên, từ góc độ của mình, tôi lại cho rằng con gái nghe hiểu mọi mệnh lệnh và đang cố tình không tôn trọng mẹ. Thay vì bình tĩnh suy xét lý do cho hành động vô lễ của con, tôi đã hét lên. Tôi đã khiến con hiểu nhầm rằng tôi chỉ quan tâm bản thân, không hiểu cho con hay kiên nhẫn với con. Đây là thông điệp sai.
Nhiều tình huống trẻ thiếu tôn trọng người khác vì chưa nắm rõ các yêu cầu hoặc chưa được hướng dẫn. Đó là lúc phụ huynh cần dạy bảo con cái nhưng việc giáo dục sẽ không thành công nếu cha mẹ cáu giận, la hét.
Để dạy trẻ tôn trọng người khác, trước tiên bạn cần giữ bình tĩnh, kiểm soát tình hình. Đây cũng là hành động thể hiện bạn đang tôn trọng con. Sau đó, hãy cân nhắc hành vi của con là cố tình hay vô ý và từ đó đưa ra lời bảo ban cụ thể.
2. Xác định nguyên nhân
Khi trẻ có hành vi thiếu tôn trọng, bạn nên tìm ra lý do để sửa đổi. Cuối tuần trước, con gái gần 5 tuổi của tôi đã nói: “Mẹ hư”. Cháu chưa bao giờ gọi tôi như vậy vì tôi chưa bao giờ gọi cháu là “con hư”. Vì vậy, cháu chắc chắn đã học cách nói đó từ bạn bè tại trường mẫu giáo.
Đối với hầu hết cha mẹ, việc bị con nói như vậy là hành động rất thiếu tôn trọng. Nhiều người tức giận, quát lên: “Sao con dám nói như thế?”, “Con không được nói chuyện kiểu đó với mẹ”.
Nhưng khi trẻ nói lời thiếu tôn trọng, có thể là các bé tức giận vì bị người lớn làm tổn thương. Bản năng mách bảo các em phải làm tổn thương ngược lại người đối diện. Tôi hỏi con: “Tại sao con lại nói thế? Có phải con đang giận mẹ không?”, cháu gật đầu. Tôi hỏi tiếp: “Con tức giận vì mẹ không cho con ăn bánh quy à?”, cháu lại gật đầu.
Tôi đã hiểu ra lý do cho sự thiếu tôn trọng của con. Tôi nói: “Mẹ hiểu con đang buồn nhưng như thế không có nghĩa là mẹ hư. Nếu bạn bè giận con vì việc con đã làm, con có trở thành bé hư không?”. Con gái tôi lắc đầu quả quyết.
Tôi tiếp tục giải thích: “Vì vậy, không phải mẹ hư bởi vì con đang tức giận đúng không?”. Cháu gật đầu chậm chạp như thể đang tiếp thu lời giải thích của tôi.
Tại thời điểm đó, tôi xác định nguyên nhân cho sự thiếu tôn trọng và giải thích cho con hiểu lý do hành vi của con là sai. Tôi giải thích rằng con không thể làm tổn thương người khác để “hạ hỏa”.
Bằng cách này, tôi giúp con hiểu rõ lý do tức giận, cách mô tả cảm xúc và cách thức giải quyết vấn đề mà không xúc phạm người khác. Tôi cũng đang làm gương rằng trong tình huống xung đột, tôi vẫn giữ tỉnh táo và tôn trọng con. Hướng tiếp cận này hiệu quả hơn việc la hét mà chỉ giải quyết nhu cầu được tôn trọng của phụ huynh.
3. Làm gương
Phụ huynh hãy hướng dẫn con tôn trọng người khác bằng cách làm gương. Đầu tiên, bạn nên tôn trọng trẻ, không phải bằng cách xưng hô trang trọng hay cúi chào. Bạn chỉ cần đối xử với con như cách đối xử với những người trưởng thành khác.
Chẳng hạn, hãy tôn trọng sở thích của con. Tôi từng biết một người cha la mắng con vì bỏ phần kem, chỉ ăn cốt bánh và cho rằng đấy là cách ăn bánh không đúng cách. Một số phụ huynh muốn kiểm soát hoàn toàn hành vi của con mình. Nhưng nếu bạn muốn con tôn trọng bạn, sau đó là mọi người xung quanh, hãy bắt đầu bằng việc tôn trọng lựa chọn của chúng.
Tôi cho phép con gái tự đưa ra quyết định trong những trường hợp như trang phục đi học. Khi sự khác biệt được chấp nhận, trẻ em cảm thấy được lắng nghe và học cách tôn trọng mọi người.
4. Không đòn roi
Khi trẻ không tôn trọng người khác, phụ huynh nên kỷ luật con đúng cách. Kỷ luật có nghĩa là giáo dục, đào tạo, không đồng nghĩa với trừng trị. Các nghiên cứu chỉ ra kỷ luật tích cực nghĩa là không dính đến bạo lực thể xác và tinh thần có hiệu quả lâu dài hơn kỷ luật trừng phạt.
Nhưng kỷ luật tích cực không có nghĩa là lỏng lẻo, thỏa hiệp. Các quy tắc kỷ luật cần vững vàng, thống nhất. Đặc biệt, bố mẹ nên thống nhất phương pháp kỷ luật.
5. Xin lỗi khi làm sai
Dù tuân thủ quy tắc kỷ luật tích cực, không ít lần vì quá bực tức, tôi đã la hét, quát nạt con. Tôi hiểu rằng nhiều ông bố bà mẹ cũng không thể tránh khỏi cáu giận khi nuôi dạy trẻ.
Tuy nhiên, phụ huynh không nên bỏ qua những hành động này mà nên giải thích cho con, thậm chí xin lỗi vì đã hành xử sai. Sau khi nổi giận, tôi dành thời gian bình tĩnh lại, rồi giải thích cho con hiểu tại sao tôi cáu giận. Tôi giải thích rằng việc có cảm xúc tiêu cực là bình thường nhưng quát vào mặt người khác là sai. Tôi cảm thấy có lỗi và nói xin lỗi con. Một người tôn trọng người khác không phải lúc nào cũng giữ thái độ đúng mực mà biết sai và sửa chữa sai lầm đã gây ra cho người khác.
Nhiều phụ huynh cho rằng việc xin lỗi làm giảm uy quyền trong mắt trẻ nhưng ngược lại, bạn đang củng cố niềm tin, phẩm chất tốt đẹp cho trẻ.
Tú Anh (Theo Parenting For Brain)