TTCT – Năm 1965, André-François Raffray, luật sư 47 tuổi ở miền nam Pháp, đạt được một thỏa thuận tưởng chừng rất khôn ngoan. Ông thuyết phục được một góa phụ 90 tuổi sống trong một căn hộ ở thành phố Arles là ông sẽ trả cho bà 2.500 franc (khoảng 500 USD lúc đó) mỗi tháng tới khi bà qua đời. Đổi lại, ông sẽ là người thừa kế căn hộ đó.
30 năm sau, Raffray đã chết, còn bà góa phụ Jeanne Louise Calment vẫn sống khỏe. Phải tới năm 122 tuổi bà mới qua đời, được ghi nhận là người sống lâu nhất thế giới và gia đình Raffray đã trả bà số tiền gấp đôi giá trị căn nhà.
Tư duy già
Đánh giá thấp tuổi thọ một người có thể dẫn tới nhiều rắc rối như thế và không chỉ trong các hợp đồng cá nhân, mà cả với chính quyền và các tổ chức bảo hiểm hưu trí, quỹ lương hưu và bảo hiểm y tế.
Các quỹ hưu trí và bảo hiểm xã hội hứa hẹn một khoản tiền lương hưu cố định đang ngày càng trở thành những dự án rủi ro lớn khi tuổi thọ kỳ vọng của dân chúng ngày một cao.
The Economist, trong chuyên đề đặc biệt về người cao tuổi số ngày 8-7-2017, chỉ ra rằng “để thích nghi với những thay đổi đó, cả ngành tài chính sẽ cần một cuộc cách mạng”.
Tờ báo nhận định trước tiên, những nhà hoạch định sẽ phải tư duy lại về mô hình chu kỳ cuộc đời ba giai đoạn cứng nhắc từ trước tới giờ mà hầu hết các sản phẩm tài chính cũng như chính sách với người cao tuổi dựa vào.
Thứ hai là việc giải bài toán khó của hai vấn đề đối lập và phức tạp như nhau: tiết kiệm không đủ khi còn làm việc và tiết kiệm thái quá trong tuổi già. Việc chủ lao động và người lao động tiết kiệm không đủ cho “hưu kỳ” gây ra sức ép lớn lên nguồn lực công, nhất là ở những nước còn nghèo và già hóa dân số nhanh – như VN. Trong khi tiết kiệm thái quá lúc về hưu, một khi lượng người nghỉ hưu đủ lớn trong nền kinh tế có thể tác động tiêu cực lên tăng trưởng tiêu dùng.
Cuối cùng, các kế hoạch tài chính hưu kỳ cần cách tiếp cận sáng tạo hơn với tài sản mà người cao tuổi tích tụ được trong quá trình lao động, bao gồm căn nhà mà họ sống, điều cho tới giờ hầu như chỉ có vai trò duy nhất: để ở.
“Trong một cuộc đời nhiều giai đoạn, ý tưởng nghỉ hưu ở tuổi 65 và sống nhờ tiền hưu trí giờ đã lỗi thời” – Alistair Byrne thuộc Công ty quản lý tài chính State Street Global Advisors nói với The Economist.
Khách hàng của Byrne, nhiều người có ý định sẽ làm việc sau tuổi hưu, giờ đều cần một kế hoạch linh hoạt và thu nhập chắc chắn hơn với các khoản hưu bổng. “Điều này vẫn chưa rõ ràng với lĩnh vực bảo hiểm xã hội và hưu trí truyền thống, vốn vẫn nhìn nhận một đời người như ba giai đoạn cố định” – Andrew Scott của Trường Kinh doanh London phân tích.
Rất nhiều người đơn giản là tiết kiệm không đủ. Khoảng 40% người Mỹ sắp tới tuổi hưu không hề có một khoản tiết kiệm nào. Ở Anh, 20% phụ nữ và 12% nam giới tuổi 55-65 không có tài khoản tiết kiệm hưu trí, theo Aegon.
Trong hoàn cảnh đó, hầu hết người lao động ngày nay lại cần nhiều tiền tiết kiệm hơn so với cha mẹ của họ, vì tính trung bình họ sẽ sống lâu hơn. Một thực tế trớ trêu: một cách nhất quán, họ đánh giá quá thấp việc họ sẽ sống lâu ra sao và đánh giá quá cao việc khoản tiết kiệm của họ sẽ duy trì được lâu tới mức nào. Tình hình căng thẳng tới mức một số nước có dân số già, như Đan Mạch, Anh hay Hà Lan, đã ít nhiều quy định một khoản tiết kiệm hưu trí là bắt buộc.
Phụ thuộc vào việc người ta sống ở đâu, kiếm được bao nhiêu và có người thân sẵn sàng chăm sóc mình khi xế chiều hay không, một trong những rủi ro tài chính lớn nhất với người cao tuổi là chi phí y tế vào cuối đời.
Một người Mỹ 50 tuổi có hơn 50% khả năng sẽ kết thúc cuộc đời trong một nhà dưỡng lão, theo ước tính của Tổ chức nghiên cứu RAND. Ở Anh, 10% những người trên 65 tuổi có nguy cơ đối mặt với chi phí y tế 100.000 bảng (gần 3 tỉ đồng) trở lên vào cuối đời.
Hầu như mọi quốc gia đều cần một chương trình công tư hợp tác cho những chi phí chăm sóc y tế kiểu đó, nhưng các lựa chọn với mỗi cá nhân cụ thể nhiều khi lại rất hạn hẹp. Một trong những công cụ rất rõ ràng và đã được áp dụng ở nhiều nước phương Tây là một khoản “trả góp ngược”.
Tại các quốc gia phát triển, một phần rất lớn tài sản của những gia đình thu nhập trung bình và thấp là căn nhà, điều khiến khi chủ sở hữu căn nhà đó bước sang tuổi già, họ có thể không hề nghèo về tổng tài sản nhưng vẫn khó khăn kiếm các khoản tiền mặt chi phí hằng tháng.
Khoản trả góp ngược cho phép họ biến căn nhà thành một dòng thu nhập nữa lúc về hưu. Nhưng ngay cả ở Mỹ, công cụ này vẫn còn ít được dùng tới: không tới 49.000 các khoản trả góp ngược được bán ra vào năm 2016 và chỉ khoảng 10 ngân hàng có dịch vụ này.
Với tư duy coi trọng đất đai, nhà cửa và quyết chí phải để lại căn nhà cho con cháu ở hầu hết gia đình VN hiện giờ, có thể hình dung phương pháp này còn khó triển khai ra sao ở VN.
Nhưng sống trẻ
Xếp đặt các kế hoạch tài chính linh hoạt hơn cho tuổi già, ở những quốc gia xem trọng các truyền thống gia đình, đặt nặng sự hi sinh của cha mẹ cho con cái và lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ – như VN, bởi thế, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy.
Sự tự do và linh hoạt của cả hai phía sẽ lớn hơn nhiều nếu con cái không nghiễm nhiên coi tài sản của cha mẹ cũng là của mình (chiều ngược lại, cha mẹ không nghiễm nhiên coi con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc, là điều còn khó chấp nhận ở VN, nhưng cũng đã đến lúc nêu ra một cuộc tranh luận như thế).
Một thế hệ người Việt trưởng thành và lao động trong giai đoạn sau đổi mới, khi kinh tế tăng trưởng cao và đất nước dần thoát khỏi tình trạng khó khăn, hiện sắp tới tuổi hưu.
Dù không có thống kê chính thức, họ chắc chắn sống lâu hơn (UNDP cho biết tuổi thọ kỳ vọng trung bình của người VN năm 1985 là 64 tuổi, trong khi năm 2018 là 73,5, theo Tổng cục Thống kê), khỏe mạnh hơn và có thu nhập tích lũy để chi tiêu nhiều hơn hẳn các thế hệ trước. Họ sẽ thấy trẻ trung hơn nhiều so với những bậc trưởng thượng của mình ở cùng độ tuổi.
Các quy định của truyền thống vẫn còn ràng buộc người cao tuổi VN nhiều trong những vai trò đạo mạo đôi khi khiến cuộc sống trở nên kém phần thú vị, một rào cản tâm lý nữa cần vượt qua.
Để dễ hình dung sự khác biệt, hơn 40% du khách đăng ký các tour du lịch mạo hiểm ở Mỹ là trên 50 tuổi, theo Hiệp hội Du lịch mạo hiểm quốc gia.
Ở Anh, người thuộc độ tuổi 65-74 chi tiêu nhiều nhất cho du lịch và thay vì các chuyến đi du thuyền hay “tour cho người già”, họ đòi hỏi hành động, từ thám hiểm Bắc cực tới du lịch văn hóa ở châu Á.
Ban nhạc U80 The Rolling Stones vẫn cháy hết mình trên sân khấu. Ảnh: Reuters |
Tháng 8-2019 này dự kiến là sô diễn khép lại 2 năm No Filter Tour của ban nhạc rock The Rolling Stones, bắt đầu từ ngày 9-9-2017 ở Hamburg, Đức. Nếu vào trang chủ của ban nhạc này (https://www.rollingstones.com/live), bạn sẽ thấy một lịch diễn dày đặc 4 ngày một sô suốt tháng 7 và 8 ở các thành phố khắp nước Mỹ. Điểm đặc biệt của ban nhạc: ca sĩ hát chính Mick Jagger năm nay… 75 tuổi và tuổi thọ trung bình của cả ban nhạc 4 người hiện là… 74. Rất nhiều người hâm mộ nhiệt thành nhất, thật dễ hiểu, cũng xấp xỉ tuổi đó. Một lối sống như thế, tất nhiên, còn khó hình dung ở VN.
Nếu biết rằng vào năm 1950 tuổi thọ trung bình của ông bà chúng ta chỉ là gần 47 tuổi (UNDP), thì rõ ràng VN đã tiến được những bước rất dài trong việc cải thiện chất lượng sống cho người dân. Giờ thì thử thách đặt ra là làm sao biến những năm tháng sống dài hơn đó là một phúc lành thật sự, chứ không chỉ là mối lo canh cánh trong lòng về việc trở thành một gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Mục tiêu đấy đòi hỏi sự hoạch định đúng đắn từ Nhà nước, sự sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân và quan trọng không kém, đổi mới về tư duy với tuổi già của từng cá nhân.■
Công nghệ ngày nay cũng giúp tuổi già dễ chịu hơn nhiều so với quá khứ. Ngoài các công nghệ và tiến bộ y tế hỗ trợ người già, nhiều nghề nghiệp mà kinh nghiệm và sự cẩn thận quan trọng hơn sức vóc thể chất hay tư duy lanh lẹ như luật sư, kế toán viên, giáo viên… nay đều có thể làm từ xa. Nền kinh tế chia sẻ cũng mang tới cơ hội cho người cao tuổi. Lấy ví dụ, nhóm chủ nhà trên 60 tuổi là nhóm tăng trưởng nhanh nhất của Airbnb, theo The Economist. Còn mạng xã hội mang tới một nơi an ủi tuổi già mới: hơn 1/3 người Mỹ trên 65 tuổi dùng mạng xã hội và 64% ở độ tuổi 50-65, theo Pew Research. Ở VN, Vloger 58 tuổi vừa đạt 1 triệu lượt đăng ký trên YouTube, bà Tân, phải chăng cũng là một ví dụ cho “tuổi già kiểu mới”? |