Kinh nghiệm dạy con mà không cần học thêm

Thứ bảy, 13/2/2021, 00:00 (GMT+7)
Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều phụ huynh khá hoang mang về việc nuôi dạy con. Tôi xin chia sẻ một số phương pháp đã áp dụng.
Từ bé, con tôi đã không học thêm, tôi cảm thấy việc học thêm là không cần thiết. Trẻ học bán trú gần 10 tiếng mỗi ngày, việc học thêm chỉ khiến kiến thức bị “nhồi nhét”. Ngoài ra, việc đưa đón con khiến tôi rất mệt mỏi; về nhà lại phải nấu nướng, làm bài tập là hết cả buổi tối. Do đó, tôi quyết định tự dạy con tại nhà.
Khi dạy con, tôi chọn 6 hoạt động sau đây làm hoạt động cốt lõi. Ngoài các hoạt động này ra, tôi không cho con học thêm bất kỳ bộ môn nào khác. Dưới đây là 6 hoạt động tôi thực hiện: Đọc sách, dạy con làm bài tập, dạy con làm việc nhà, chơi cùng con, cộng đồng và thiên nhiên, phụ đạo kỹ năng yếu.
Một: Đọc sách. Tôi đã đọc sách cho con từ tấm bé, việc đọc sách là hoạt động quan trọng hàng đầu trong việc nuôi dưỡng con. Để dạy con đọc sách, tôi chuẩn bị một danh sách những tác phẩm kinh điển, giàu sức hấp dẫn, phù hợp với cá tính và sở thích của con như: Heidi, Tom Sawyer, Oliver Twist, Không gia đình, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Nanh trắng…
Khi Bo (con tôi) mới một tuổi, tôi bắt đầu từ những truyện tranh ảnh của Nhật Ehon. Khi Bo 3-4 tuổi, tôi chuyển sang đọc truyện chữ cho con. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, tôi đọc một chương khoảng 20-30 phút. Duy trì thói quen này hàng ngày, Bo giao tiếp và diễn đạt rất tốt. Với tôi, đọc sách không chỉ là hoạt động giải trí mà còn nhằm xây dựng một thói quen đặc biệt quan trọng và hữu ích trong tương lai.
Hai: Dạy con làm bài tập. Để giúp Bo thích nghi với việc học, tôi theo dõi bài tập về nhà rất chặt chẽ. Bo vốn không học thêm hay học chữ trước khi vào lớp 1; do đó khi vào trường, Bo hầu như không thể viết chữ. Đến khi con lên lớp 2, phát hiện ra vấn đề, tôi đã thiết lập khung giờ học cố định hàng ngày để hỗ trợ con làm bài tập. Với môn Toán, nếu con giải sai, tôi sẽ giảng lại từ đầu để cậu hiểu. Với chính tả, nếu con viết sai, tôi sẽ dùng bút màu tô đậm những chữ sai cho con nhìn thật lâu để nhớ mặt chữ, viết lại mỗi chữ ba lần. Qua bài tập tại trường, tôi có thể hiểu con thích học gì, không thích gì, chưa hiểu gì. Nhờ đó, tôi giúp con yêu thích việc học ở nhà trường.
Ba: Chơi cùng con. Tôi rất không thích mối quan hệ cha mẹ và con cái chỉ xoay quanh việc: phụ huynh chỉ vùi đầu vào công việc; trẻ đi học về, ăn cơm, xem tivi, điện thoại. Tôi nhận ra nhiều gia đình hiện đại rất ít khi trò chuyện cùng con. Phụ huynh có mối quan tâm riêng, trẻ cũng chỉ chú tâm vào chiếc máy điện thoại. Ngày nay, dù nhiều chuyên gia luôn khuyến khích phụ huynh chơi với trẻ nhưng không có ai hướng dẫn chơi như thế nào. Tôi luôn thích làm mọi thứ một cách chuyên nghiệp; do đó, tôi đọc rất nhiều sách để tìm ra những trò chơi hấp dẫn mà mình có thể chơi với con. Ba loại trò chơi mà mẹ con tôi có thể cùng chơi: các loại trò chơi vận động như cầu lông, bơi lội, đá banh; các trò chơi thủ công như gói quà, viết thiệp, thủ công tặng bạn bè, cô giáo; các trò chơi trí não hoặc nghệ thuật như thi đố thơ, đố Toán…
Mục đích của các trò chơi này là tạo bầu không khí vui vẻ trong gia đình, cùng nhau tận hưởng hạnh phúc, tránh để mỗi người sống trong một thế giới riêng. Tôi rất mong trở thành một người mẹ mà Bo có thể tự tin chia sẻ mọi việc trong cuộc sống.
Bốn: Việc nhà. Từ nhỏ, tôi đã bị ám ảnh bởi hình ảnh phụ nữ phải làm mọi chuyện trong gia đình, từ giặt đồ, nấu cơm, con cái, dạy học… Chính vì vậy, ngay từ nhỏ tôi đã quyết tâm phải dạy cho Bo làm việc nhà dù con là con trai. Dạy việc nhà quả không dễ dàng, trẻ rất dễ bỏ cuộc và phụ huynh cũng cảm thấy khó khăn. Tuy nhiên, tôi rất kiên trì với mục tiêu đó. Đến nay, Bo đã biết quét nhà, rửa chén, lau bàn thay phiên với mẹ… Tôi sử dụng các video vui nhộn trên mạng để hướng dẫn con những món đơn giản và thực tiễn như xào rau muống, luộc rau, luộc trứng, chiên trứng. Đôi khi mệt, tôi cũng sẵn lòng xả hơi vài ngày.
Tôi cho rằng những lớp học kỹ năng sống bên ngoài thị trường chỉ mang tính chất vui là chính. Ngoài ra, nó cũng đẻ thêm gánh nặng cho phụ huynh vì phải tốn kinh phí mua dụng cụ và nguyên vật liệu. Ngược lại, nếu phụ huynh có thể biến tất cả các hoạt động trong gia đình như: giặt giũ, lau dọn, nấu nướng thành những môn học kỹ năng sống thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Đồng thời, chúng rất thực tế chứ không xa vời, mông lung…
Năm: Cộng đồng. Đối với tôi cộng đồng và thiên nhiên vô cùng quan trọng. Nếu như đọc sách, vui chơi, việc nhà là những công việc mang tính chất củng cố kiến thức của nhà trường, thì tôi cũng mong con sẽ trở thành người hướng ngoại, không vùi đầu trong nhà, trong thế giới riêng. Tôi thường xuyên cho Bo đi song hành trong rất nhiều hoạt động để dạy cậu sự quan trọng của thiên nhiên và cộng đồng như dã ngoại, du lịch, từ thiện. Tôi sử dụng video để dạy Bo về sự thiếu thốn của trẻ em khắp thế giới, sự quan trọng của thiên nhiên; cũng dạy con rằng một con người muốn sống tốt thì phải gắn bó với cộng đồng. Cộng đồng và các hoạt động dã ngoại chính là cách để con hiểu và hướng ra thế giới, thay vì sống một cách cô lập.
Sáu: Phụ đạo kỹ năng yếu. Đó là hoạt động cuối cùng mà tôi thực hiện tại nhà. Trong việc học tại trường, nếu phát hiện Bo yếu một kỹ năng nào đó, tôi sẽ dành thời gian để đào tạo tập trung kỹ năng đó; chẳng hạn: viết chính tả, giải toán đố… Nếu không có kỹ năng nào yếu, tôi sẽ sử dụng thời gian này dạy tiếng Anh cho con. Tôi dạy bằng cách sử dụng các câu chuyện tiếng Anh kinh điển tải từ trên mạng, mỗi ngày đọc cho con một câu chuyện đến khi con nhớ mặt chữ và nghĩa của các từ.
Những quy định khác: Tôi rất nghiêm khắc trong việc quản lý các thiết bị điện tử. Bo không được phép chơi điện thoại, sử dụng máy vi tính. Một tuần, cậu có một ngày gọi là ngày xả hơi. Trong ngày này, hai mẹ con thường đi chơi cùng nhau và làm những việc mà cả hai cùng yêu thích. Tôi đã áp dụng phương pháp đào tạo 2 không: “Không học thêm, không điện tử” và 6 chữ vàng: Sách, bài tập, việc nhà, cộng đồng, vui chơi và cải thiện như này khá lâu rồi, cảm thấy thực sự yêu thích nó. Tôi làm 6 hoạt động này một cách đều đặn trong nhiều năm. Ngoài ra, tôi không cho con học thêm, không theo đuổi bất kỳ phương pháp nào từ bên ngoài. Tôi luôn mong con có một tuổi thơ đúng nghĩa, không bon chen, không cạnh tranh vì điểm số.
Trang