Gia đình trong cơn bão đổi thay

MH
  • CHÂU PHÚC
  • 30.07.2019, 07:00

TTCT – Dường như chưa bao giờ làm chồng làm vợ, làm cha làm mẹ, làm con ruột con rể con dâu, làm anh làm chị làm em sao cho gia đình êm ấm, thuận hòa, hạnh phúc lại trở thành một việc đầy khó khăn thách thức như ngày nay.

Mô hình và cấu trúc gia đình truyền thống đang thay đổi, gia đình tam tứ đại đồng đường hầu như biến mất, gia đình hạt nhân trở thành chủ yếu, nhưng quan trọng và đáng nói hơn là những quan niệm và giá trị đang thay đổi, tạo ra lệch nhịp, lệch pha, đứt gãy và đổ vỡ trong những mối quan hệ quan trọng nhất của đời sống con người.

Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn; hôn nhân đa quốc gia, gia đình “rổ rá cạp lại”, cha/mẹ đơn thân; con ngoại hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ… đặt ra những thách thức to lớn cho người trong cuộc. Chưa kể mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về ứng xử, lối sống, vấn đề chăm sóc người cao tuổi.

Trong văn hóa truyền thống của Việt Nam, nhiều người, nhất là phụ nữ, đã được nuôi dạy với ý thức hi sinh, quên cả bản thân mình, không ít người xem gia đình, chồng con là lẽ sống. Bên cạnh mặt tốt ai cũng thấy của lối sống ấy, còn những mặt tối khác không phải ai cũng hay.

Có khi sự hi sinh chăm sóc thái quá khiến con họ không sao trưởng thành được, khiến chồng họ thành người vô tâm, coi những hi sinh của vợ là đương nhiên, lâu dần khiến người vợ thấy những hi sinh của mình là vô nghĩa, đâm ra oán người, trách mình, khiến quan hệ gia đình thành nặng nề.

Người “cho” tự thấy mình có quyền can thiệp hay mong đợi thái quá về thành tựu của người thân, còn người “nhận” thì thấy mình “mắc nợ”, có khi phải ép mình làm những thứ không mong muốn để vừa lòng người thân. Cả hai bên không ai được sống hạnh phúc.

Trên hết là ý thức ngày càng mạnh về cái tôi cá nhân khiến việc tìm kiếm sự hài hòa với người khác dường như ngày càng khó khăn. Thêm vào đó, mỗi thành viên trong gia đình còn chịu ảnh hưởng từ những môi trường khác nhau ở bên ngoài, khiến khoảng cách càng giãn rộng. Thế hệ trẻ có phạm vi giao tiếp ngày càng rộng, thông tin ngày càng nhiều trong một thế giới biến đổi ngày càng nhanh, ông bà cha mẹ nếu không kịp thay đổi cách nhìn, quan niệm thì va đập là khó tránh.

Điều gì mãi mãi còn lại?

Trong cơn lốc đổi thay ấy, điều gì mãi mãi còn lại như một giá trị cốt lõi của gia đình, khiến nó trở thành thành trì bảo vệ nhân cách và là nhân tố sống còn của xã hội?

Khác với cái nhìn định kiến thông thường cho rằng gia đình Việt Nam truyền thống vốn gắn bó chặt chẽ, và nếu như nó đang dần trở nên lỏng lẻo thì là do ảnh hưởng của lối sống ích kỷ, trọng vật chất của xã hội tư bản phương Tây, những người sống lâu trong xã hội phương Tây đều có thể nhận ra một thực tế khác hẳn: họ rất xem trọng gia đình. Sau giờ làm việc, hầu hết nam giới có gia đình đều về nhà, cùng vợ chăm sóc cửa nhà, con cái, kể cả những người có vợ chỉ làm nội trợ.

Ở quán ăn, nhà hàng thường thấy người ta đi có vợ, có chồng, hoặc cả gia đình. Văn phòng của họ ở nơi làm việc thường treo ảnh vợ con. Đi làm việc ở nước khác, nhất thiết là phải đưa cả gia đình đi.

Đó là nói về văn hóa. Còn về luật pháp, nước nào cũng có nhiều điều luật nhằm bảo vệ gia đình, bảo vệ phụ nữ, người yếu thế và trẻ em (nếu có khác nhau, chủ yếu là khác nhau về hiệu lực trong khi thi hành). Bởi vì gia đình thực sự là nền tảng của xã hội.

Xưa đã vậy, nay càng như vậy, và tuy ta không thể biết trước cái gì sẽ diễn ra trong tương lai, nhưng có thể hình dung những con người sinh ra không gia đình thì sẽ tạo thành một xã hội như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà các lực lượng tội phạm khi tuyển chọn và đào tạo sát thủ thường tìm người có nguồn gốc mồ côi hay xuất thân trong những gia đình đổ vỡ.

Cốt lõi của gia đình là sự yêu thương, chia sẻ, đáp ứng nhu cầu của nhau, cùng dựa vào nhau, bổ sung cho nhau, chấp nhận lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau. Gia đình là trường học đầu tiên nơi người ta bắt đầu học nhận thức về mình như một cá nhân, học cách dung hòa những nhu cầu của mình và của người khác, học cách cho và nhận. Gia đình còn là nơi người ta học tôn trọng lẫn nhau, học tha thứ và bao dung với lầm lỗi của người khác.

Con người ta dù tài giỏi mạnh mẽ tới đâu thì cũng có lúc cần một bến đỗ bình yên để lấy lại sức lực sau những phong ba của cuộc đời. Dù khỏe mạnh, thành công, giàu có, xinh đẹp, hẳn sẽ có lúc nào đó không sớm thì muộn, không dài thì ngắn, người ta đau ốm, thất bại, túng thiếu, nhan sắc tàn phai, bị cấp trên sỉ nhục, bị người đời lừa gạt, bị bạn bè phản bội…

Những lúc đó người ta dựa vào niềm tin và tình yêu thương gia đình để có động lực vượt qua và đi tới. Vì những lẽ đó mà gia đình đã, đang và sẽ tiếp tục là một thiết chế tối quan trọng đối với từng cá nhân cũng như quyết định sự phát triển của xã hội.

Làm gì trong cơn bão đổi thay?

Nhưng làm sao có thể duy trì những giá trị cốt lõi đó của gia đình trong bối cảnh mọi thứ đều đang thay đổi với vô vàn nhân tố đang đe dọa phá hủy gia đình đến tận gốc rễ? Mỗi ngày mở báo ra đọc, không hiếm những thông tin án mạng gia đình bởi đủ mọi nguyên nhân: giành nhau tài sản giữa vợ chồng, anh em; áp lực kỳ vọng hay kiểm soát của cha mẹ đối với con cái…

Thật trớ trêu là chính người thân yêu nhất của ta lại là người có khả năng làm tổn thương ta nhiều nhất và sâu đậm nhất.

Lắng nghe nhau và đặt mình vào cương vị của người thân để hiểu họ đã trở thành một kỹ năng sống còn để bảo vệ gia đình. Gia đình không phải là nơi để tranh thua thắng đúng sai hơn thiệt, mà là nơi người ta đặt niềm tin và hỗ trợ cho nhau không điều kiện. Mải tranh thua thắng, mải chứng minh đúng sai, mải tính toán hơn thiệt, người ta mất đi những thứ lớn hơn nhiều, là giá trị căn bản của một gia đình vốn dựa trên lòng vị tha.

Tôn trọng phẩm giá của người thân và trân trọng những gì họ làm cho gia đình, cũng như trân trọng những phút giây còn được sống bên nhau. Nhu cầu căn bản của con người là được tôn trọng, và ai cũng có chỗ đáng tôn trọng, chỉ là ta có nhìn thấy hay không mà thôi.

Biết ơn và trân trọng những gì người khác mang lại là cội nguồn của những cảm xúc tích cực, một trong những nền tảng của hạnh phúc. Cảm xúc này có ích cho cả hai phía và tạo ra thêm nhiều hiệu ứng tốt đẹp. Có người đã ví chất lượng của một mối quan hệ cũng giống như một tài khoản ngân hàng, tức không phải một thứ bất biến, mà có thể đầy thêm hay vơi bớt.

Mỗi cử chỉ yêu thương, mỗi lời nói, hành động tốt đẹp là một khoản chúng ta gửi thêm vào “tài khoản” ấy. Mỗi lời nói xúc phạm, mỗi cử chỉ thô lỗ, mỗi hành động xấu là một khoản bị rút đi. Nếu cứ bị rút hoài mà không có gì gửi thêm vào, tài khoản ấy sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Nhưng cũng như mọi khoản đầu tư khác bao giờ cũng có rủi ro, “đầu tư” thời gian, tâm hồn, tình yêu, tiền bạc, công sức cho gia đình cũng thế. Không có gì chắc chắn là yêu thương thì sẽ được đáp lại, hi sinh thì sẽ được ghi nhận, đặt lòng tin thì sẽ nhận được sự trung thành, chung thủy.

Không hiếm trường hợp cha mẹ hết lòng lo cho con hay vợ chồng lo cho nhau nhưng con cái hay người phối ngẫu chỉ thấy đó là chuyện đương nhiên. Cũng không ít trường hợp cha mẹ là người tử tế mà con cái chẳng ra gì hoặc ngược lại.

Vì thế, ai cũng cần chuẩn bị cho mình khả năng tha thứ cho lầm lỗi và những gì xấu xí của người thân, bởi không ai là hoàn hảo. Có khả năng tha thứ ấy, người ta mới có thể hạnh phúc, và một người mà bản thân cảm thấy hạnh phúc thì mới có thể mang lại hạnh phúc cho người khác. ■

Trẻ em sống gần ông bà sẽ lớn lên hạnh phúc hơn

Có ông bà sống gần bao giờ cũng là một nguồn lợi ích tinh thần lớn lao cho các gia đình nhỏ. Một nghiên cứu đã khẳng định rằng những đứa trẻ may mắn có ông bà sống gần thường trưởng thành một cách bình yên và hạnh phúc hơn.

Đó là vì ông bà là nguồn yêu thương. Trong thực tế, ai lớn lên có ông bà bên cạnh thường mang theo kỷ niệm tốt đẹp về thời thơ ấu với ông bà. Ông bà tiêu biểu cho nguồn cội của gia đình, cái phần nguồn cội ấy sẽ mãi mãi đi theo chúng ta suốt cả cuộc đời.

Giáo sư Buchanan ở University of Oxford đã khảo sát 1.600 đứa trẻ tuổi từ 11-16 sống thời thơ ấu gần ông bà và thấy rằng những đứa trẻ này lớn lên với cảm giác an toàn mạnh mẽ hơn nhiều so với những đứa trẻ chỉ sống với cha mẹ. Ông bà mang lại cảm giác về sự an toàn cho các cháu và điều này có tác động tích cực mọi mặt cho cuộc đời bọn trẻ.

Nghiên cứu cũng cho thấy những thành tựu mà đứa trẻ đạt được có mối liên quan chặt chẽ với những thành tựu của cha mẹ chúng, nói cách khác, phụ thuộc vào nền tảng gia đình. Nhưng ảnh hưởng đó không chỉ diễn ra trong hai thế hệ, khả năng tiến lên trên những bậc thang xã hội còn nằm trong những truyền thống gia đình từ thời ông bà truyền lại.

Ở những nước phát triển, ông bà có một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ, tuy thường giới hạn trong việc thông qua ảnh hưởng của họ với cha mẹ chúng. Địa vị xã hội và những mối quan hệ của họ cũng ảnh hưởng tới triển vọng tương lai của bọn trẻ.

Tại những nước đang phát triển, ảnh hưởng này còn sâu đậm hơn nhiều. Một nghiên cứu về vùng nông thôn Trung Quốc cho thấy ông bà có ảnh hưởng rất đáng kể đối với bọn trẻ khi họ sống chung dưới một mái nhà.

Nghiên cứu này thực hiện trên 39 quốc gia/vùng lãnh thổ, cho thấy trình độ học vấn của cả ông bà lẫn cha mẹ ảnh hưởng tích cực đến thành tựu học hành của bọn trẻ (tất nhiên, ảnh hưởng của cha mẹ mạnh mẽ hơn so với ông bà).

Hãy nghĩ về tầm quan trọng của ông bà ngay cả trong những tình huống như ly dị hay mâu thuẫn gia đình. Trong những hoàn cảnh này, ông bà thường có ý nghĩa hỗ trợ lớn lao, có khi thành nơi “tản cư” tạm thời cho bọn trẻ. Ông bà như những chiếc gối êm ái mà các cháu luôn có thể dựa vào để bình tâm và có thêm sức lực chống chọi bão tố cuộc đời.