Làng Phúc Sen cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km, nghề rèn nơi đây có lịch sử trên 300 năm. Ban đầu, làng chỉ rèn các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật dụng sinh hoạt. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề phong phú đa dạng hơn, có uy tín không chỉ trong phạm vi tỉnh Cao Bằng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, thành phố Hà Nội của nước ta cũng như các huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Mặc dù các sản phẩm ở đây không bóng bẩy, bắt mắt, lại có giá bán cao gấp hai, ba lần sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhưng hàng sản xuất ra tới đâu, bán hết tới đó. Hiện nay, ở Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Xã Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương.
|
Để làm ra một con dao sắc, người Nùng An có những bí quyết riêng. Nguyên liệu rèn dao được làm từ những miếng nhíp ô tô đã hỏng, đặc biệt từ nhíp xe U-oát là tốt nhất. Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá để nung thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến mới giúp giữ nhiệt và làm than mau đỏ. Để giữ được nhiệt, lò nung thép cũng phải làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu làm chất liệu xây lò. Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ.
Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng trong đời sống người Nùng An, tháng 1 năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận nghè rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Công đoạn tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện. Cụ Lương Văn Vảng, một thợ rèn giàu kinh nghiệm ở Phúc Sen cho biết, khi tôi thép, người thợ chỉ nhúng vật đang rèn xuống nước chỉ 1 đến 2 giây, nếu nhúng quá lâu, thép sẽ bị hỏng. Đối với từng loại thép, người thợ sẽ nhìn ánh thép màu xanh, trắng hoặc vàng để biết được độ già hoặc non của thép mà có cách tôi cho phù hợp. Tôi thép như thế nào, đó là kỹ thuật gia truyền của từng dòng họ, từng gia đình và chỉ truyền cho con trai, người ngoài không thể biết.
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân Phúc Sen đã cải tiến một số khâu sản xuất để giảm sức lao động như: sử dụng máy dập thay cho quai búa, máy mài, máy tạo khuôn… Tuy nhiên, những công đoạn quan trọng nhất vẫn phải làm thủ công.
Có thể nói đây là một trong những làng nghề độc đáo nhất ở tỉnh Cao Bằng. Chính vì vậy mà hàng năm lượng khách du lịch đến với xã Phúc Sen tương đối lớn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghề rèn vẫn được đồng bào Nùng An ở Phúc Sen gìn giữ, phát triển, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Những sản phẩm được bày bán bên trong nhà của người dân ở Phúc Sen.
|