Bắt đầu từ niềm đam mê toán học…
Sinh năm 1983, Lê Anh Vinh là người đam mê và có nhiều thành công với môn Toán ngay từ khi còn học ở THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc Gia Hà Nội). Những người thầy đã mang đến cho Vinh vẻ đẹp của toán học qua những kiến thức toán phổ thông nhưng đầy hấp dẫn. Tất cả sự truyền cảm ấy đã làm cho niềm mê thích học toán cứ lớn dần lên trong lòng cậu học trò thông minh Lê Anh Vinh.
Năm 2001, Lê Anh Vinh giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO) và huy chương vàng Toán châu Á Thái Bình Dương. Với học bổng toàn phần của Chính phủ Australia, Lê Anh Vinh theo học tại ĐH New South Wales và tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Toán- Tin của trường ĐH này. Năm 2010, khi đó mới 27 tuổi anh tiếp tục nhận bằng Tiến sĩ của ĐH Harvard (Mỹ). Những thành công nối tiếp khi Lê Anh Vinh được công nhận tại Viện nghiên cứu Toán – Lý Erwin Schrodinger (Vienna, Áo) và khoa Toán ĐH Rochester (Mỹ) trở thành những cơ hội để anh ở lại Mỹ làm việc. Tuy nhiên, năm 2011, anh đã về Việt Nam đầu quân cho ĐH Giáo dục (ĐHQG HN) và coi nơi này là bến đỗ để anh tiếp tục cống hiến và ươm mầm những tài năng trẻ cho ngành toán học.
Với chuyên môn được đào tạo cùng bảng vàng thành tích của một người trẻ, nhiều năm học tập ở những quốc gia lớn trên thế giới, ở cương vị Phó phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Quốc tế của ĐH Giáo dục, Lê Anh Vinh đã miệt mài với các đề tài nghiên cứu giáo dục và tạo ra bước đột phá cho trường này khi tiếp cận với những tiến bộ giáo dục của các nước. Anh đã đạt giải nhất Tài năng Khoa học Trẻ Việt Nam, giải thưởng Công trình Khoa học tiêu biểu của nhà khoa học trẻ ĐH Quốc gia Hà Nội, Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. PGS.TS Lê Anh Vinh cũng là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu và là người trẻ nhất của Việt Nam được phong Phó giáo sư năm 2013.
PGS.TS Lê Anh Vinh và em Trần Quang Diệu (học sinh CLB học Toán cùng Jenny) đạt giải Nhất Nhà tư duy thụât Toán Bebras 2019. Ảnh: Tư liệu
|
Năm 2017, với vị trí trưởng đoàn IMO Việt Nam PGS.TS Lê Anh Vinh đã dẫn dắt đội tuyển Toán tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) và đã ghi danh tài năng Toán học Việt Nam trên bản đồ thế giới. Đội tuyển IMO Việt Nam đạt 04 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc và 01 Huy chương Đồng, đứng thứ 3 trên tổng số112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự kì thi IMO lần thứ 58 tổ chức tại Tp. Rio de Janeiro, Brazil.
Là một người học toán, một nhà giáo, PGS.TS Lê Anh Vinh mong muốn đem những kinh nghiệm của mình để ươm mầm những tài năng toán học cho đất nước. Vừa giảng dạy và là Chủ nhiệm khoa Sư phạm, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc Gia Hà Nội), anh đồng thời cũng là người sáng lập CLB Học Toán cùng Jenny. Đây là CLB giúp các em nhỏ tiếp cận với Toán học hiện đại ở các phân môn Số học, Tổ hợp, Hình học, Tư duy, Thuật toán, Logic, Thống kê… theo dạng thức đơn giản, phù hợp với từng lứa tuổi, từ mầm non đến tiểu học.
Thành lập từ 2015, Câu lạc bộ đã thu hút hàng trăm học sinh và trở thành nhịp cầu đưa trẻ em đến với thế giới toán học sinh động, đẹp đẽ. Toán học không phải chỉ là những con số, những phép tính mà là cả một bức tranh đầy màu sắc. Giáo viên tại CLB đều là những người đam mê Toán học, được đào tạo đặc biệt, chuyên sâu về phương pháp dạy và học tại CLB. Nhiều học sinh tiểu học đã đạt giải thưởng toán học khi học tại CLB như em Trần Quang Diệu, vừa nhận huy chương vàng nhà tư duy thuật toán Bebra 2019. Đến nay, mô hình câu lạc bộ Toán học mà thầy Vinh khởi xướng đang được đưa vào triển khai tại nhiều trường tiểu học chất lượng cao, đồng thời còn được tích hợp với chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT để nhân rộng.
Là PGS. TS Toán, một nhà sư phạm Toán học và cũng là một nhà quản lý giáo dục, bạn bè, đồng nghiệp, học sinh luôn cảm nhận ở Lê Anh Vinh một sự năng động, tri thức và khát vọng trẻ truyền cảm hứng về môn Toán một cách thú vị. Toán học là lĩnh vực nếu càng dấn thân vào càng thấy sức cuốn hút kỳ lạ. Sau những con số còn là những câu chuyện, những trò chơi, những phát minh vĩ đại ứng dụng cho cuộc sống và xã hội.
… đến nhà quản lý giáo dục trẻ giàu nhiệt huyết, sáng tạo.
Khi còn làm việc tại Đại học Giáo dục, PGS.TS Lê Anh Vinh đã trải qua nhiều lĩnh vực khác nhau như quản lý hành chính trên cương vị Phó trưởng phòng Khoa học và Quan hệ Quốc tế, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng KHGD, Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục. Ở mỗi công việc, anh luôn truyền động lực đến đồng nghiệp, giáo viên quy tắc nội hàm của Giáo dục không chỉ đơn thuần là đào tạo giáo viên hay khoa học sư phạm, mà còn là Khoa học giáo dục, Quản lý giáo dục.
PGS. TS Lê Anh Vinh cũng là chủ nhiệm của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục với 51 bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài; 25 báo cáo tại các Hội nghị khoa học Quốc tế, 06 báo cáo tại các Hội nghị khoa học trong nước. Anh cũng là Giảng viên cao cấp của trường ĐH Giáo dục luôn khao khát được góp phần sáng tạo đổi mới giáo dục nước nhà để luôn có lớp trẻ tài năng, nhiệt huyết.
PGS.TS Lê Anh Vinh cùng các chuyên gia quốc tế thảo luận về chủ đề chiến lược thu hút nữ sinh tham gia khoa học và đổi mới sáng tạo.
|
Năm 2016, trường ĐH Giáo dục mở trường THPT Khoa học Giáo dục (HES), xây dựng theo mô hình trường THPT thực hành giáo dục tiên tiến, chất lượng cao của Việt Nam, PGS.TS Lê Anh Vinh được lãnh đạo bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng (trong 2 phó hiệu trưởng – không có hiệu trưởng) và sau đó giữ chức Hiệu trưởng của HES. Đang dở dang năm học 2016-2017, ngày 27/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký Quyết định 946/QĐ-BGD&ĐT bổ nhiệm PGS.TS Lê Anh Vinh giữ chức vụ Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Viện có vai trò quan trọng là nghiên cứu tư vấn cho Bộ trưởng toàn diện về giáo dục và đào tạo, cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục, đào tạo… Những nhiệm vụ này càng trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì: “Đảm nhận chức vụ Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam là một thử thách, trọng trách đối với PGS.TS. Lê Anh Vinh những hơn bao giờ hết, Viện cần những người trẻ tài năng như Vinh để có bước tiến sáng tạo áp dụng cho những chương trình, sách giáo khoa mới, nghiên cứu chiến lược đào tạo nhân lực cho đất nước phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời là đổi mới quản trị đại học để thực hiện tự chủ”.
Từ một tài năng toán học đến nhà sư phạm rồi là nhà quản lý giáo dục, hiện PGS.TS Lê Anh Vinh vẫn đang đồng thời làm nhiều công việc trong ngành giáo dục. Anh là tấm gương về một nhà giáo dục trẻ giàu nhiệt huyết, sáng tạo những cũng đầy chất thơ./.