Kiều bào cùng đất nước hội nhập và phát triển – TS. Lương Bạch Vân

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có nhiều quan hệ với kiều bào, số lượng ước khoảng 2,5 triệu người. Hàng năm, có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước thăm gia đình quá cảnh sân bay Tân Sơn Nhất, đa số đến từ các nước công nghiệp phát triển như  Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Úc…

Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai tại 24 quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh. Các Ban Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài được thành lập trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, phường, xã để tiện tiếp xúc khi kiều bào về nước, gắn kết kiều bào với các tổ chức, hội đoàn trong nước, tập hợp hơn 2.000 thân nhân kiều bào và những người quan tâm đến công tác kiều bào.

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, các “Ban Liên lạc” phối hợp với Sở tư pháp, hội luật gia, hội doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế – xã hội …, tổ chức gặp gỡ thân mật kiều bào, thông tin, giới thiệu cho kiều bào tình hình phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, kêu gọi kiều bào tham gia đầu tư, hợp tác với trong nước, giới thiệu cho kiều bào các chính sách của Nhà nước như Luật Quốc tịch sửa đổi, Luật sở hữu nhà đất, chính sách miễn thị thực… và tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn kiều bào thực hiện các thủ tục khi có nhu cầu.

Đến nay, đã có hàng trăm kiều bào được trở lại quốc tịch Việt Nam và vẫn giữ quốc tịch nơi định cư. Luật quốc tịch sửa đổi được kiều bào đặc biệt quan tâm và rất phấn khởi, tự hào khi được trở về quê hương với hộ chiếu Việt Nam và được hưởng các quyền công dân: nhập hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân, tự do cư trú, đi lại, được sở hữu nhà đất, đăng ký kinh doanh, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như bất cứ người dân nào trong nước,… Khi trở lại nơi định cư, kiều bào sử dụng hộ chiếu nước ngoài và hưởng các điều kiện như công dân nước sở tại.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin, kết nối kiều bào các nước với các tổ chức, cơ quan trong nước, Hội Liên lạc phát hành hàng quý tờ tin nội bộ “Quê Hương với Kiều bào” giới thiệu những thông tin trong và ngoài nước và cung cấp các tài liệu về chính sách mới của Nhà nước. Trang tin điện tử của Hội được cập nhật hàng ngày  www.alov-hcmc.org.vn có hàng trăm lượt truy cập.

Hội được Thành phố cho phép thành lập “Trung tâm Hỗ trợ kiều bào”, một đơn vị sự nghiệp, tự cân đối tài chính, họat động không vì lợi nhuận, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thông tin, phổ biến, huớng dẫn kiều bào các thủ tục liên quan đến quốc tịch, nhà đất, đăng ký kinh doanh, làm bằng lái xe, thẻ cư trú… Do chưa quen với các thủ tục hành chính trong nước, kiều bào rất ngại tiếp xúc với chính quyền các cấp. Sau nhiều năm họat động, Trung tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy của kiều bào khi về nước, nơi tiếp đón kiều bào trong không khí thân thiện, tận tình, nơi kiều bào được giúp đỡ, cung cấp thông tin, tư vấn cho các bác lớn tuổi muốn trở về quê hương sinh sống; các nhà kinh doanh muốn tìm đối tác trong nước để đưa hàng Việt Nam ra thị trường quốc tế; các anh chị mới nghỉ hưu muốn tìm một công việc phù hợp trong nước để chuyển giao kiến thức, công nghệ; các cháu “gốc Việt” muốn tìm hiểu cội nguồn, về nước học tiếng Việt và cơ hội việc làm…

Định kỳ, Trung tâm tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy đào tạo ở nước ngoài, kinh nghiệm chuyên môn, nghề nghiệp của kiều bào, làm cầu nối giới thiệu kiều bào đến các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà máy sản xuất… tạo điều kiện cho kiều bào gặp gỡ, giao lưu với các đồng nghiệp trong nước.

Trung tâm đón tiếp các cựu du học sinh Việt Nam từ các nước qua các Câu lạc bộ cựu du học sinh (Mỹ, Nhật, Pháp), giới thiệu những người mới tốt nghiệp về nước cho các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức dịch thuật các tài liệu chuyên môn, giới thiệu du học, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế, thương mại, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước…

Từ khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, nhiều Việt kiều đã về nước giảng dạy, sản xuất kinh doanh, tư vấn, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, làm cầu nối đưa các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam, giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới… Đỉển hình là Công ty Minh Trân của anh Nguyễn Trí Dũng, cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với Nhật Bản; Công ty Lotus-RKW của anh Nguyễn Như Khuê, cầu nối Việt Nam với nước Đức, anh có công giới thiệu các thiết bị hàng đầu của Cộng hòa Liên bang Đức đổi mới công nghệ ngành nhựa; Cty Viên Phát (Vipharco) của chị Đỗ Thị Hoa, kiều bào Pháp, đã đem về cho đất nước nhiều công nghệ, thiết bị mới, sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu như chỉ phẫu thuật, thiết bị đóng viên nang, quần áo bảo hộ y tế cao cấp sử dụng trong phòng mổ… Còn rất nhiều công trình, công nghệ mà các anh chị kiều bào đã đóng góp cho thành phố, cho đất nước như đưa công nghệ thông tin các chương trình phần mềm về quản lý, góp phần hiện đại hóa ngành tài chính, ngân hàng, quản trị doanh nghiệp …

Trong quá trình hòa nhập nền kinh tế thế giới, kiều bào đã có nhiều đóng góp do đã  sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh của các nước công nghiệp phát triển, am hiểu luật lệ, văn hóa của nước sở tại đã thiết lập nhiều mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia. Nhiều người đã có nhiều uy tín và ảnh hưởng lớn, giữ nhiều vị trí chính trị -xã hội quan trọng tại các quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến như Bộ trưởng Đức, gốc Việt, Philipp Roesler; Ông Lê Thành Ân, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP Hồ Chí Minh; GS Ngô Bảo Châu với Giải “Fields” Nobel Toán học danh giá; Giáo sư Jane X. Lưu Lệ Hằng, người Mỹ gốc Việt, nhận được hai giải thưởng lớn: “Nobel thiên văn”  năm 2012…và  rất nhiều gương tiêu biểu khác…

Dù rất thành đạt ở nước ngoài, dù phải vào quốc tịch nước sở tại, nhưng từ đáy lòng mình, kiều bào vẫn muốn được giữ quốc tịch Việt Nam, được gắn bó với quê hương, mong muốn góp phần mình vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh và cảm thấy rất tự hào khi uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên thế giới. Dù đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới, kiều bào cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác, gắn kết quê hương với nơi định cư.

Để kiều bào có đất dụng võ, khi đất nước gia nhập nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các cơ quan trong nước càng phải chú trọng vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới công tác quản lý, trọng dụng người tài, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển khoa học, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ…

Ngoài ra cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính như: Đăng ký công dân, trở lại quốc tịch VN. Hiện nay, việc thực hiện theo hướng dẫn của các nghị định, thông tư vẫn còn nhiều bất cập, chưa thống nhất trong các ban ngành gây nhiều khó khăn, làm nản lòng kiều bào. Một số điều kiện về Luật quốc tế chưa thật phù hợp, nhất là đối với thế hệ trẻ gốc Việt, nhiều em rất tự hào vì có dòng máu Việt trong người và rất muốn có quốc tịch Việt Nam, nhưng theo luật pháp hiện hành vẫn còn nhiều vướng mắc.

Chưa có cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm, cùng hợp tác trong công tác vận động kiều bào giữa UBNNVNVNONN và Hội LLVNVNONN: Ủy ban có thế mạnh của Nhà nước trong quản lý, phối hợp với các Đại sứ quán các nước về công tác đối với NVNONN, có biên chế và kinh phí hoạt động ổn định. Hội có thế mạnh là một tổ chức quần chúng, tập hợp rộng rãi mọi đối tượng, mọi thành phần trong xã hội. Thông qua thân nhân kiều bào, du học sinh Việt Nam tại các nước có điều kiện gần gũi, sâu sát kiều bào, dễ dàng trao đổi tiếp cận các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thực hiện ngoại giao nhân dân, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, phát huy vai trò kiều bào trong các quan hệ hợp tác văn hóa, kinh tế, xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để hoạt động của Hội có hiệu quả hơn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ Hội như chế độ các hội “đặc thù”. Hiện nay, các Hội phải tự cân đối thu chi, tự tìm kinh phí hoạt động, bộ máy không ổn định, chưa tập trung sức lực trong công tác kiều bào.

Nếu có sự phối hợp phân công tốt hơn, các hội đoàn có thể đóng góp nhiều hơn, như tham gia nghiên cứu các đề tài, chính sách, xu hướng phát triển của cộng đồng người VNONN giúp cho UBNN có định hướng chiến lược và  phát triển lâu dài, phát huy tiềm lực của kiều bào các nước trong quá trình đất nước hội nhập kinh tế quốc tế.

TS.Lương Bạch Vân